Việt Nam có thể mất thị trường lao động Hàn Quốc

Tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc dù giảm nhưng vẫn lên đến 38%. Nếu con số này không giảm xuống dưới 30%, nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu lao động giàu tiềm năng này.

Đây cũng là lo lắng của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trước chương trình làm việc với Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 4/10.

Theo Bộ trưởng, cuối năm 2013, Bộ đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc với điều kiện số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30%. Tháng 11 này, hai bên sẽ đánh giá tình hình thực tế, trên cơ sở đó xem xét việc ký thỏa thuận tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

“Hy vọng tháng 12 tới hai bên có thể ký được thỏa thuận bình thường. Dù nỗ lực rất nhiều nhưng tỷ lệ lao động ở lại vẫn lên đến 38%. Bộ đã xin phép Chính phủ cho nhân viên sang Hàn Quốc trực tiếp gặp gỡ với lao động ở từng doanh nghiệp, động viên họ về nước đúng thời hạn”, Bộ trưởng Chuyền nói.

Theo bà, nếu người lao động về nước đúng hạn thì cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc là điều hoàn toàn có thể. Tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc đã ban hành chính sách mới, theo đó nếu lao động về nước đúng hạn, chủ sử dụng tiếp tục muốn ký hợp đồng thì có thể quay trở lại làm việc. Đã có hơn 5.000 lao động Việt Nam trở về và tiếp tục quay lại Hàn Quốc trong năm nay.

laodong-1354292429-500x0-9494-1412004580

Lao động Việt Nam học về an toàn lao động tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) từ tháng 8/2004. Trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, phát sinh vấn đề người lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Mặc dù Bộ Lao động đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện tình hình nhưng tỷ lệ này vẫn không có dấu hiệu giảm.

Trước tình hình đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ngừng ký gia hạn Bản Ghi nhớ EPS (hết hạn vào ngày 29/8/2012) và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam. Cuối năm 2013, hai bên ký Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Bộ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam. Bản ghi nhớ đặc biệt này có thời hạn một năm kể từ ngày 31/12/2013.

Khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài trong đó có Hàn Quốc. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ đã có nhiều biện pháp mạnh như quy định về ký quỹ; ra chỉ thị yêu cầu các địa phương đôn đốc lao động trở về, đồng thời ban hành nghị định 95 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Người lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, lao động còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm.

Trung tâm Quản lý lao động ngoài nước đã công bố danh sách 366 lao động không về nước đúng thời hạn, cư trú trái phép tại Hàn Quốc từ tháng 5 đến tháng 7/2014. Danh sách này được cung cấp cho cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt.

Chênh lệch về thu nhập là một trong nguyên nhân khiến người lao động bất chấp rủi ro thậm chí chịu xử phạt để cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu thị trường Hàn Quốc bị đóng thì mỗi năm Việt Nam sẽ mất 700 triệu USD lượng kiều hối.