Ưu tiên ngư dân vùng cá chết đi xuất khẩu lao động

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH đã bàn bạc tăng cường đào tạo nghề cho ngư dân để chuyển lao động hiện đang đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ.

ngudan

Ưu tiên ngư dân vùng cá chết đi xuất khẩu lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đề án hỗ trợ bà con ngư dân ở miền Trung và thực hiện dự án cải tạo môi trường sinh thái biển, Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH vừa có cuộc họp bàn cụ thể về các chính sách hỗ trợ cũng như lộ trình triển khai.

Chiều 5/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp có cuộc trao đổi thông tin cụ thể với báo chí về những vấn đề liên quan.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trước khi có thông tin Formosa bồi thường 500 triệu USD để khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã vào khảo sát và làm việc với 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh để có giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Từ thực tế cho thấy, vấn đề giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho bà con ngư dân là quan trọng.

Bộ LĐTB-XH đề xuất hỗ trợ bà con ngư dân tham gia xuất khẩu lao động, hiện nay có một số chương trình với chi phí thấp do Bộ LĐTB-XH trực tiếp triển khai, một số chương trình do các doanh nghiệp triển khai.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã hứa các chương trình do bộ triển khai với chi phí thấp sẽ hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng, cụ thể là Chương trình EPS đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (mới ký kết lại từ đầu tháng 5/2016).

Mặc dù chỉ tiêu phía Hàn Quốc nêu ra cho năm nay là 3.500 người, không nhiều lắm nhưng sẽ dành ưu tiên cho người dân ở những huyện ven biển bị ảnh hưởng.

Một số huyện đang có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhưng nằm trong các tỉnh bị ảnh hưởng thì trước mắt Bộ LĐTB-XH sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế cho lao động các vùng này được tham gia.

Ngoài ra, chương trình đưa tu nghiệp sinh đi Nhật Bản cũng có chi phí rất thấp, nếu lao động có đủ điều kiện sức khỏe và được đào tạo về ngoại ngữ trong vòng 6 tháng sẽ được lựa chọn.

Tất cả chi phí do Tổ chức IM Japan chi trả. Lương làm việc tại Nhật Bản khoảng 800-1.000 USD/tháng.

Mỗi một năm làm việc trước khi về nước được Tổ chức IM Japan hỗ trợ 2.000 USD/năm, 3 năm là 6.000 USD.

Chương trình này hiện đang chia đều cho các địa phương nhưng sắp tới Bộ LĐTB-XH có thể ưu tiên hỗ trợ cho người lao động ở 4 tỉnh miền Trung.

Đối với các chương trình do doanh nghiệp tổ chức, Bộ LĐTB-XH sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín để triển khai theo hướng ưu tiên cho lao động ở miền Trung bị ảnh hưởng, đặc biệt là việc tham gia dự án tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong năm 2016, có chỉ tiêu đưa 600 người sang Hàn Quốc làm việc trên tàu cá gần bờ đã phân bổ cho 8 doanh nghiệp.

Bộ LĐTB-XH sẽ yêu cầu 8 doanh nghiệp tập trung hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung và giao cho Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đàm phán với đối tác.

Bộ LĐTB-XH cũng chỉ đạo Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan làm việc với các đối tác tăng quota để đưa lao động sang làm việc và tổ chức tuyển dụng trực tiếp, không thông qua môi giới.

Ước tính sơ bộ có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.

Bộ LĐTB-XH xác định cần hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề song không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, vì một bộ phận người dân ở vùng biển vẫn có nhu cầu tạo được sinh kế từ biển.

Vì vậy, cần tạo điều kiện cho họ có thể tiếp tục khai thác hải sản tại các vùng biển khác.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH đã bàn bạc tăng cường đào tạo nghề cho ngư dân để chuyển lao động hiện đang đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ.

Theo SGGP