Từ ngày 10-3 sẽ xử phạt lao động ở lại bất hợp pháp

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ ngày 10-3 tới, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có những hành vi vi phạm như ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc… có thể sẽ bị xử phạt hành chính tới mức 100 triệu đồng.

 

Những nội dung xử phạt chính

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10-10-2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực. Đáng quan tâm là lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Chương IV, từ Điều 29 đến Điều 35.

Theo văn bản này, có bảy nhóm hành vi vi phạm hành chính, trong đó sáu nhóm dẫn đầu là hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, còn lại nhóm cuối cùng là hành vi của người lao động và các cá nhân khác.

Các quy định với doanh nghiệp cụ thể là:

Hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ quy định tại Điều 29, chủ yếu là các hành vi liên quan đến giấy phép sử dụng của doanh nghiệp như không công bố giấy phép; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp mình để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giao nhiệm vụ cho quá ba chi nhánh.

Hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký hợp đồng gồm bốn hành vi quy định tại Điều 30, trong đó chủ yếu quy định về hành vi không đăng ký hợp đồng hoặc đăng ký không đủ số lao động đưa đi.

Hành vi vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng với người lao động gồm tám hành vi quy định tại Điều 31.

Hành vi vi phạm quy định về bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động, gồm sáu hành vi quy định tại Điều 32.

Hành vi vi phạm quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền dịch vụ và các khoản tiền thu của người lao động; đóng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước gồm 14 hành vi quy định tại Điều 33.

Hành vi vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước, gồm bảy hành vi quy định tại Điều 34.

Với người lao động, hành vi vi phạm với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số đối tượng liên quan khác, gồm năm hành vi, quy định tại Điều 35, gồm các hành vi vi phạm nghiêm trọng sau:

+Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú

+Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng

+Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với sáu nhóm hành vi đầu đã được quy định rất cụ thể, bao gồm hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đói với từng hành vi cụ thể.

Riêng hành vi vi phạm của người lao động ở nước ngoài theo Điều 3 của Nghị định được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 32/2013 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Bộ Ngoại giao ngày 6-12-2013.

Không phạt tiền lao động vi phạm về nước trước ngày 10-3

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 95/2013, tới cuối tháng 12 năm ngoái, số lượng lao động đã vi phạm ở nước ngoài làm thủ tục về nước tăng rất cao. Các cơ quan chức năng không kịp làm thủ tục cho về nước, người lao động cũng rất khó đặt được vé máy bay. Để khuyến khích thêm lao động về nước, giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp ở nước ngoài, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời hạn không áp dụng biện pháp xử phạt tiền đối với đối tượng vi phạm nói trên nếu về nước trước ngày 10-3-2014.

Do đó, các cấp chính quyền cơ sở cần thông tin đến tận các gia đình có người lao động làm việc ở nước ngoài yêu cầu vận động người thân về nước đúng thời hạn, đối với người đã bỏ hợp đồng, cần về nước trước thời điểm này.

Thông tư liên tịch số 32/2013 nêu rõ, các hành vi vi phạm của người lao động được quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 95/2013 bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc về nước, biện pháp khắc phục hậu quả “Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai hoặc năm năm”.

Có bốn chức danh có thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Chánh thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, do hành vi vi phạm và người vi phạm các hành vi này chủ yếu đang ở nước ngoài, nên trên thực tế, việc ra quyết định xử phạt sẽ chủ yếu do người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy trình sau: Người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước để chuyển đến UBND cấp tỉnh, nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để triển khai thi hành Quyết định. Quyết định được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có) và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã.

Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cấm đi làm việc ở nước ngoài, thì cơ quan có thẩm quyền cấp xã nơi người bị xử phạt cư trú không được xác nhận hồ sơ cho người đó để đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành trong thời hạn quy định, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 166/2013 của Chính phủ ngày 12-11-2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân vi phạm, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài khoản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Thông tin từ phía Hàn Quốc cho biết, trong hai tháng cuối năm 2013 đã có hơn 2.600 lao động đang làm việc ở nước bạn đăng ký về nước. Tại Đài Loan, trong tháng 12 năm ngoái đã có 1.300 lao động đăng ký về nước.

ANH CHI