Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hoá và có mối giao lưu từ lâu đời. Ngay từ thế kỷ 17, 18, nhiều thương gia Nhật Bản đã sang Việt Nam làm ăn. Đầu thế kỷ 20, nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về chính sách canh tân. Những năm qua, Nhật Bản là nước có các nhà đầu tư có mặt rất sớm ở Việt Nam và đã có những đóng góp thiết thực trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
5 năm qua, là thời điểm kinh tế của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm nguồn viện trợ phát triển (ODA) cho các nuớc đang phát triển, nhưng với Việt Nam, chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì nguồn cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất, với số tiền khoảng 11 tỷ USD, chiếm 35% tổng số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Trong tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khu vực khác, Nhật Bản cũng là một trong những nước ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất. Nhật Bản hiện có 855 dự án đầu tư trực tiếp có hiệu lực tại Việt Nam và là bạn hàng số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thương mại đầu tư, với tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2006 đạt 10 tỷ USD.
Mặc dù có sự thay đổi trong chính trường, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng luôn dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam những tình cảm trìu mến và khâm phục. Đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sức mạnh tiềm tàng của Việt Nam thể hiện ngay trong ánh mắt và nụ cười thân thiện của người dân.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn, do có sự ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, nguồn nhân lực dồi dào. Việt Nam cũng được coi là nước sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Bởi vậy, chính phủ Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các cơ quan tài chính, các nhà doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, trong đó tích cực ủng hộ Việt Nam thực hiện ba dự án quan trọng là: Xây dựng tuyến đường sắt và Tuyến đường bộ Bắc – Nam, khu công nghệ cao Hoà Lạc. Hiện hai bên đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), đồng thời tiếp tục thúc đẩy sáng kiến chung Việt – Nhật, tiến tới thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch giữa hai nước lên 15 tỷ USD vào năm 2015.
Nhân dân Việt Nam vô cùng khâm phục ý chí vươn lên và sự sáng tạo không ngừng của người dân đất nước Mặt trời mọc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính nhờ nỗ lực đó, mà từ một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, kinh tế bị tàn phá đến kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã nhanh chóng phát triển và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay đạt trên 4.500 tỷ USD và là cường quốc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Với những tình cảm trân trọng dành cho nhau, với sự gần gũi về mặt địa lý và sự tương đồng về truyền thống văn hoá, đặc biệt với nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã và đang thiết lập, củng cố, Việt Nam và Nhật Bản đang có những nền móng vững chắc để phát triển quan hệ giữa hai nước theo hướng đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á.
Hoài Thu tổng hợp