Chính phủ Nhật gần đây có động thái mạnh mẽ thu hút nhân lực chất lượng cao đến định cư thu hút sự chú ý của dư luận nước ngoài.
Với động thái này, Thủ tướng Abe đang muốn biến nước Nhật thành một điểm đến dễ dàng, dễ sống và lí tưởng hơn đối với những nhân lực nước ngoài xuất sắc trên toàn thế giới.
Ngày 18.1.2017 các báo lớn của Nhật đồng loạt đưa tin về việc chính phủ vừa thông qua chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao mới – dự kiến sẽ được đi vào thực hiện.
Nhân lực ngoài nước có cơ hội xin visa vĩnh trú tại Nhật
Cụ thể, nhân lực chất lượng cao sinh sống ở Nhật sẽ được xem xét được cấp vĩnh trú chỉ sau một năm sống tại Nhật. Đây là mức thời gian được coi là ngắn nhất trên thế giới để người nước ngoài lấy vĩnh trú ở một quốc gia.
Trước đây thời gian để một người nước ngoài (nhân lực bình thường) có thể xin cấp vĩnh trú ở Nhật là 10 năm làm việc tại Nhật. Nhưng chính sách cho nhân lực chất lượng cao cho phép những lao động là “nhân lực chất lượng cao” (kodo jinzai) có thể xin cấp vĩnh trú sau chỉ 3 năm, hơn nữa, nhân lực chất lượng cao loại đặc biệt hơn nữa có thể xin vĩnh trú chỉ sau 1 năm ( hiện tại chính sách đang được xem xét đi triển khai thực hiện).
Nhật đang thiếu hơn 170.000 kĩ sư
Theo kết quả thống kê của bộ Kinh tế Nhật Bản, năm 2016 Nhật đang thiếu hơn 170 nghìn kĩ sư IT, và sự thiếu hụt này ngày càng trầm trọng lên trong tương lai. Tới năm 2030 thì Nhật thiếu khoảng 800 nghìn kĩ sư IT. Số lương kĩ sư này có phân bố thu nhập khoảng 5 triệu JPY/ năm ( khoảng 1 tỉ VND). Từ đây cho thấy, nguồn nhân lực IT chất lượng cao của Việt Nam sẽ có cơ hội trọng dụng ở Nhật ngày càng nhiều hơn.
Nhân lực chất lượng cao được xét bằng hệ thống tính điểm dựa trên học vấn, tuổi tác, thu nhập, trình độ tiếng Nhật, lí lịch làm việc v.v. nhằm thu hút các lao động trí óc từ khắp thế giới đặc biệt là lao động ngành công nghệ thông tin và y tế, nhà đầu tư, người quản lí kinh doanh.
Tổng điểm tính theo các mục trên từ 70 điểm trở lên thì người nước ngoài đó được công nhận là “nhân lực chất lượng cao” và có thể xin được vĩnh trú sau 3 năm làm việc ở Nhật, nếu tổng điểm là 80 điểm trở nên thì tương lai có thể xin vĩnh trú được sau 1 năm ở Nhật.
Trong các mục tính điểm thì mục học vấn và thu nhập là rất quan trọng. Người lao động đã học đại học, cao học ở Nhật và có trình độ tiếng Nhật N1 thì được cộng điểm nhiều, người có thu nhập càng cao thì được cộng càng nhiều điểm (thu nhập ít nhất phải từ 3 triệu Yên/ năm thì mới được xét).
Điều đáng chú là ngoài việc rút ngắn thời gian để có được vĩnh trú, nhân lực chất lượng cao ở Nhật đang ngày càng có nhiều ưu tiên để sinh sống dễ dàng hơn. Nếu là người lao động bình thường ở Nhật thì dù có vĩnh trú đi nữa cũng không thể bảo lãnh cho bố mẹ người đó sang Nhật sống, nhưng nhân lực chất lượng cao thì có thể.
Một người (hoặc hộ gia đình) là nhân lực chất lượng cao thỏa mãn mức thu nhập 8 triệu Yên/năm có thể bảo lãnh cho bố mẹ người đó hoặc bố mẹ chồng/vợ sang Nhật sống cùng mình và chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi.
Khi bố mẹ người đó sang Nhật thì cũng được hưởng chế độ bảo hiểm và các phúc lợi khác ở Nhật theo chế độ của người nhân lực chất lượng cao đó.
Thêm nữa, nhân lực chất lượng cao cũng có khả năng tín dụng cao hơn lao động bình thường khi vay vốn ngân hàng, khi làm visa hay xét thủ tục gì đó ở cục xuất nhập cảnh thì được ưu tiên xét nhanh hơn.
Có thể thấy, với động thái này Thủ tướng Abe đang muốn biến nước Nhật thành một điểm đến dễ dàng, dễ sống và lí tưởng hơn đối với những nhân lực nước ngoài xuất sắc trên toàn thế giới.
Sau vụ Brexit – Anh ra khỏi EU, nhiều lao động nước ngoài đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Anh thì Nhật lại giương cờ mời gọi.
Nếu như Singapore là điểm đến mơ ước của nhiều người nước ngoài đang thi hành nhiều chính sách hạn chế người nhập cư, thì Nhật thực thi các chế độ phúc lợi xã hội đối với người nước ngoài giống hệt người Nhật.
(Ví dụ người nước ngoài ở Nhật vẫn được nhận trợ cấp, được cho con nhỏ đi học và đi viện miễn phí …) Rào cản duy nhất của người nước ngoài để sống được ở Nhật là ngôn ngữ. Nếu biết tiếng Nhật và có khả năng làm việc bằng tiếng Nhật thì Nhật Bản thực sự là một môi trường an toàn, hiền hòa, tươi đẹp để sống, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.
Theo Phi Hoa – Cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật – Chuyên viên tư vấn chiến lược kinh doanh làm việc tại Tokyo, Nhật Bản