Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) hiện có 75.000 lao động Việt Nam (LĐVN) đang làm việc tại Hàn Quốc; khoảng 22.000 LĐVN (chiếm 34%) đã hết hạn hợp đồng và cư trú bất hợp pháp. Tình trạng này kéo dài từ năm 2012, phía Hàn Quốc cảnh báo nếu hết năm 2014 tỷ lệ cư trú bất hợp pháp không giảm xuống dưới 30% thì rất có thể Việt Nam sẽ mất hoàn toàn thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang nước này.
Việt Nam bắt đầu đưa LĐ sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) từ tháng 8-2004, đến năm 2010 có hơn 71.000 LĐVN đã làm việc tại nước này. Từ cuối năm 2010 đã phát sinh việc người lao động (NLĐ) sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận LĐVN khiến nhiều hồ sơ của kỳ thi tiếng Hàn từ cuối năm 2011 được gửi lên mạng nhưng chưa được chủ sử dụng LĐ lựa chọn, chỉ những LĐVN trở về nước đúng hạn mới được ưu tiên tái tuyển dụng.
Người lao động được học ngoại ngữ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Phương An |
Cuối năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa LĐVN sang làm việc với điều kiện số LĐ cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30% (thời hạn từ ngày 31-12-2013 đến 31-12-2014). Đây là giải pháp mở tạo điều kiện cho thị trường XKLĐ Hàn Quốc của Việt Nam tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện theo bản ghi nhớ là không dễ dàng. Theo thống kê, 11 tỉnh trong cả nước có LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu tháng 12-2013 tỷ lệ cư trú bất hợp pháp là 40% thì tháng 2-2014 tăng lên 40-42%. Từ tháng 4 đến 6-2014 xấp xỉ 39-40% và đến nay là 34% sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng. Riêng Hà Nội có 28 quận, huyện có LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong năm 2014 vẫn còn 100 LĐ đã hết hạn hợp đồng không chịu trở về nước và dự kiến trong năm 2015 có 667 LĐ hết hạn hợp đồng phải trở về.
Chính phủ cũng có nhiều biện pháp mạnh như quy định về ký quỹ; ban hành Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ. Theo đó, NLĐ làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, LĐ còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm. Cục Quản lý lao động nước ngoài đã đề nghị phía Hàn Quốc thay đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc; cụ thể đề nghị giữ một phần tiền lương của NLĐ và chỉ thực hiện hoàn trả sau khi NLĐ về nước đúng hạn; tăng cường truy quét, xử phạt LĐ bất hợp pháp và có biện pháp xử phạt nghiêm đối với chủ sử dụng LĐ này.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, các hoạt động tuyên truyền, vận động được tổ chức thường xuyên, có hiệu ứng nhất định đối với số LĐ sẽ hết hạn hợp đồng về nước trong 6 tháng cuối năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm tình trạng LĐ bất hợp pháp có giảm nhưng chưa bền vững. Tuy nhiên, trong hai quý cuối năm số LĐ cư trú bất hợp pháp đã giảm xuống còn 34%, hy vọng hết năm 2014 số liệu này sẽ thấp hơn 30% để NLĐ Việt Nam có thêm cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc.
Dù Chính phủ, các cơ quan chức năng đã cương quyết hành động để giữ thị trường tiềm năng nhưng vẫn rất cần sự tự nguyện của chính NLĐ. NLĐ vẫn chưa ý thức được nguy cơ “đóng cửa” thị trường LĐ Hàn Quốc sẽ kéo theo những thiệt hại lớn đối với thị trường XKLĐ của Việt Nam nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.