Dưới đây là chia sẻ của Mỹ Tiên, 30 tuổi, về khoảng thời gian đầu khó khăn khi chuyển tới Nhật sinh sống cùng chồng, anh Masayuki (gọi tắt là Masa). Hai người đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ chuyện tiền nong. Cô chỉ hiểu ra vấn đề sau một lần bỏ đi tới nhà bạn:
Đầu tháng 1/2016, tôi bay đến Tokyo đoàn tụ với chồng, sau khi nhận được visa du học. Khi sang đây tôi phải bắt đầu học tiếng trước. Tôi muốn đi làm thêm nhưng chồng không cho vì sợ ảnh hưởng việc học.
Lúc đó, chồng mới chỉ đi làm được hai năm, không có nhiều tiền để trang trải cuộc sống của cả hai. Vì chiều ý tôi mà anh hay dẫn tôi đi ăn nhà hàng. Tôi khi đó không biết rằng chồng đã phải tiết kiệm rất nhiều để đóng học phí cho tôi, khoảng 120 triệu đồng/năm, vừa lo tất cả các chi phí sinh hoạt và tiền tôi tiêu mỗi tháng.
Công ty chồng hỗ trợ tiền thuê nhà gần ga Ryogoku, thuộc quận Sumida. Đó là một căn hộ mới toanh, rộng tầm 45 m2, gồm một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, phòng vệ sinh khá rộng và hiện đại… Masa, khi đó là một nhân viên kinh doanh, có lịch trình công tác khá dày đặc, lúc cao điểm có thể đi luôn cả tuần không về hoặc đi sớm về muộn. Tôi bắt đầu làm quen những bữa cơm một mình, những buổi lang thang sau giờ học… Những người bạn cùng học tiếng với tôi cũng dần dần đi tìm việc làm. Đó cũng là lúc tôi nhận ra cuộc sống xứ người không màu hồng như mình nghĩ.
Vừa buồn vì cô đơn, tôi còn phải đối diện với áp lực kinh tế. Mồi lửa chiến tranh bắt đầu nhen nhóm từ chuyện tiền nong. Một hôm anh bực dọc nói với tôi rằng: “Em nên dừng việc uống trà sữa mỗi ngày đi. Một ly trà sữa của em, 550 yên (khoảng 110.000 đồng) bằng một bữa trưa của anh đó”. Rồi một hôm khác, anh lại nhắc nhở tôi: “Tháng này mình lại xài âm thẻ tín dụng rồi. Anh nghĩ chúng ta nên tiết kiệm hơn”.
Tôi lúc đó hùng hổ nói, từ khi anh góp ý, bữa trưa hàng ngày của tôi chỉ còn 250 yên (khoảng 50.000 đồng) cho một ly trà và một cái bánh bao ở siêu thị. Tôi bắt đầu cảm thấy ức chế khi từ một người chủ động được tài chính, với mức lương cao với nghề sản xuất chương trình ở Việt Nam, giờ phải chờ chu cấp hàng tháng từ chồng.
Tôi không còn dám tham gia những buổi hẹn ăn tối của lớp vì chi phí một người tầm 1.500 yên (khoảng 300.000 đồng), số tiền đó đủ cho hai vợ chồng ăn một ngày. Tôi cũng không còn uống trà sữa ngoài tiệm nữa mà mua trà sữa gói ở siêu thị về tự pha uống.
Mỹ Tiên từng gặp nhiều khó khăn thời gian đầu định cư ở Nhật. Ảnh: NVCC. |
Mỗi tháng, tôi được chồng đưa 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) cho việc chi tiêu vặt hàng tháng. Khoản tiền đó chỉ bằng bốn bữa ăn tối dành cho hai người ở một nhà hàng bình dân tại xứ đắt đỏ này. Số tiền tiết kiệm tôi mang sang đang phải xài vào dần. Tôi nghĩ mình đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng chồng vẫn không ngừng than phiền về các hóa đơn tiền điện, nước, gas…
Quá mệt mỏi và áp lực, tôi quyết định “mất tích” bằng cách tới ở nhà một cô bạn thân. Tôi quan sát căn phòng rộng chưa đến 15 m2 của cô bạn ở Saitama, phía nam Tokyo, cách ga tàu hơn 15 phút đi bộ. Ngoài giờ học, cô ấy tất bật đi làm thêm kiếm tiền tới tối mịt, về nhà chỉ lăn ra ngủ. Rồi tôi nghĩ về căn hộ mới tinh 45 m2 của mình, cách ga tàu chỉ 5 phút đi bộ. Tôi không phải đi làm thêm, được ngủ đủ giấc, luôn có thời gian chăm sóc bản thân, ngâm mình trong bồn vài lần/tuần… Lúc đó tôi mới nhận ra mình hơn mọi người quá nhiều. Tôi biết mình đã nợ Masa một lời xin lỗi.
Hôm sau, khi cô bạn vẫn ngủ say, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất về. Bước vào nhà lúc 6 giờ sáng, tôi thầm nghĩ chồng đi làm rồi. Nhưng vừa bước vào phòng khách, tôi giật bắn người khi thấy chồng nằm dài thượt trên ghế sofa, trên bàn ngổn ngang vỏ bia lon. Tôi lay nhẹ chồng, gọi anh dậy đi làm. Anh ôm chầm lấy tôi và nói: “Đừng bao giờ làm thế này nữa em nhé, cả đêm anh không thể nào ngủ nổi”. Anh nói rồi òa khóc như con nít.
Sau đó tôi xin lỗi, vì đã gây cho anh áp lực tâm lý. Tôi nhận ra mình vẫn còn phung phí, đáng lẽ phải tiết kiệm hơn để giúp chồng nhẹ gánh tiền bạc. Anh cũng xin lỗi tôi vì cứ nói đi nói lại vấn đề tài chính. Anh nói ý anh không phải tôi xài phí, mà chỉ muốn chia sẻ nỗi lo bản thân, nhưng đã vô tình làm tôi hiểu nhầm ý.
Để san sẻ áp lực tiền nong với chồng, tôi bắt đầu những chiến thuật tiết kiệm như đạp xe xa hơn một xíu để mua trái cây giá rẻ ở Yaoya (tên gọi chung của cửa hàng bán lẻ chuyên về rau củ, trái cây với mức giá rẻ hơn siêu thị), mua đồ ăn sau 7 giờ tối để được giảm giá, làm thẻ tích lũy điểm để cả năm quy ra quà tặng, tải phần mềm siêu thị để mỗi ngày nhận được giảm giá 100-200 yên (khoảng 20.000 – 40.000 đồng), đem nước lọc theo uống và tự pha trà sữa khi đi học… Việc nấu ăn mỗi ngày vừa giúp tiết kiệm được hẳn chi phí sinh hoạt, vừa giúp cân bằng chế độ dinh dưỡng.
Sau một tháng áp dụng loạt chiêu thức tiết kiệm, một hôm chồng tôi reo vui: “Em ơi tháng này mình không nợ tín dụng nữa rồi. Cả tháng mà xài chưa hết 50.000 yên tiền chợ (khoảng 10 triệu đồng). Em giỏi quá. Tiền thừa em cứ giữ lại trong thẻ rồi mua mỹ phẩm mà mình thích nhé”.
Masa luôn âm thầm theo dõi và ghi nhận những cố gắng của tôi bằng cách ăn sạch những món tôi nấu với vẻ mặt sung sướng, phụ tôi rửa chén mỗi ngày, chăm chú nhìn rau củ trong tủ lạnh hay những phần thịt có dán tem giảm giá mà tôi mua về… Anh chưa bao giờ tiết kiệm một câu để khích lệ tôi. Đó là điều tôi vẫn trân quý mỗi ngày.
Sau giờ học, tôi bắt đầu tìm cách để kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận dịch một số tin tức ngắn ở Nhật cho một vài tờ báo ở Việt Nam. Tôi cũng tìm hiểu thị trường mỹ phẩm Nhật thu hút khách Việt Nam, những nơi có thể gửi hàng bảo đảm. Doanh số bắt đầu tăng dần theo từng tháng. Tôi dần kiếm được một số tiền nhỏ đủ để trang trải tiền sinh hoạt phí ở cái xứ đắt đỏ này. Tôi cũng lập một kênh Youtube riêng nói về cuộc sống ở Nhật. Nhờ đó, việc kinh doanh mỹ phẩm dần ổn hơn. Lợi nhuận thu được không nhiều nhưng đủ để tôi bắt đầu mua được những món quà nho nhỏ tặng chồng vào những dịp đặc biệt.
Nguồn VNE