Hãng thông tấn Kyodo News hôm 11/04/2018 có bài dẫn chiếu số liệu cảnh sát Nhật cho hay người Việt bị nêu đứng đầu về số vụ phạm pháp trong cộng đồng người nước ngoài sống tại Nhật.
Báo Yomiuri Shimbun cũng đưa tin này.
Số liệu cho năm 2017 của cảnh sát Nhật cho thấy có 5.140 vụ phạm pháp do công dân Việt Nam gây ra, tăng từ 3.177 vụ trong năm 2016 và chiếm 30.2% tổng số.
Vị trí đầu bảng trước đây do Trung Quốc nắm giữ, nhưng năm 2017 đã tụt xuống thứ hai, kế đến là Brazil và Nam Hàn, theo Sở cảnh sát Quốc gia Nhật Bản.
Hiện có khoảng 260.000 người Việt sống ngắn hạn tại Nhật (chưa có thẻ thường trú), tăng sáu lần kể từ 2008 và số vụ phạm pháp cũng tăng.
Số liệu nói việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong người Việt, khoảng 3.080 vụ, trong đó gồm 2.037 vụ chôm đồ tại cửa hàng và 477 vụ ăn trộm.
Trong khi số vụ trộm cắp mà tội phạm người Việt thực hiện nhiều hơn người Trung Quốc thì số tội phạm người Trung Quốc (3.159) cao hơn tội phạm Việt (2.549).
Có 10.828 tội phạm người nước ngoài tại Nhật vào năm 2017, tăng 7.1% so với năm 2016.
Nguyên nhân?
Sau khi có tin này, BBC đã phỏng vấn ông Hirota Fushihara, một nhà nghiên cứu luật, là người Nhật hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.
PV: Số liệu được nêu trong báo cáo này có làm ông ngạc nhiên? Ông có nhận xét gì về thực trạng trộm cắp liên quan tới người Việt tại Nhật?
Hirota Fushihara: Đúng là trước đây, đã là du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản thì nhiều nhất là người Trung Quốc và kế tiếp là người Hàn Quốc là nhiều, nhưng bây giờ số du học sinh là người Việt Nam là thứ nhì sau người Trung Quốc, điều đó làm cho tôi ngạc nhiên trước sự phát triển giao lưu con người giữa hai nước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc trộm cắp hay một số hành vi trái pháp luật của các bạn Việt Nam có nguyên nhân.
Bởi trong số người Việt Nam gây phạm tội, 41 % là du học sinh, 29% là thực tập kỹ thuật ( tức bản chất là lao động).
Trong số các bạn du học sinh, hay lao động có những người phải nợ nhiều tiền hoặc đặt cọc nhiều tiền, hay chi trả nhiều phí mang nhiều tên khác, nên không ít các bạn đã có sẵn gánh nặng về tài chính và tâm lý.
Đồng thời trước khi sang Nhật, họ có thể được nghe nhiều thông tin mầu hồng, chưa khách quan về cuộc sống tại Nhật Bản, họ chưa có điều kiện để tiếp cận nguồn thông tin đa chiều, mà có khi họ nghe những thông tin chủ quan của các tổ chức môi giới và sang Nhật Bản đã thấy thực tế lại khác hẳn.
Nguyên nhân của tình hình này có rất nhiều, nhưng tôi thấy không dễ dàng phê bình, hoặc nói rằng đó là lỗi hoàn toàn của các bạn Việt Nam.
PV: Thực trạng trộm cắp này ảnh hưởng thế nào, nếu có, tới khả năng Nhật giới hạn việc nhận lao động/sinh viên từ Việt Nam?
Hirota Fushihara: Chính phủ Nhật Bản không thể coi nhẹ việc phạm tội bởi người Việt Nam gia tăng như vậy.
Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa thuộc về nhiều phía. Môt mặt có một số doanh nghiệp và một số nhà trường, hay các nghiệp đoàn của Nhật cũng có những hành động chưa hẳn bảo vệ quyền và nghĩa vụ của du học sinh, hay người thực tập kỹ thuật.
Mặt khác, ở Việt Nam có những đơn vị tư vấn du học, hay các doanh nghiệp, cơ quan cử thực tập sinh kỹ thuật cung cấp thông tin chưa khách quan, chưa chính xác, thu những chi phí, thù lao không rõ ràng dẫn đến câu chuyện là các bạn phải vay nợ nhiều tiền trước khi sang Nhật Bản.
Những việc liên quan đến phía Việt Nam, tôi nghĩ cần nỗ lực của các cơ quan nhà nước của Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
Chính phủ Nhật Bản quan tâm về vấn đề này và sẽ có những biện pháp cần thiết trước tình hình này.
Nguồn: đài BBC
#ATK st