Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Nhật Bản, hơn một giờ sau khi tới Tokyo, sau hơn 21 lượt đại bác đón chào, Chủ tịch Trương Tấn Sang rời đi tỉnh Ibaraki bằng ô tô.
Ngày nay người ta biết đến Ibaraki vùng phần lớn diện tích là đồng bằng, nơi có nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là địa phương sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai ở Nhật. GDP của tỉnh đạt hơn 110 tỷ USD một năm, trong khi dân số chưa đến 3 triệu người.
Đến thành phố Mito, thủ phủ Ibaraki, Chủ tịch Trương Tấn Sang đi thẳng đến thăm các Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, máy nông nghiệp, nhà máy rau tươi Asahi trước sự chào đón nồng nhiệt của cán bộ, công nhân nơi đây. Đích thân ông Thống đốc tỉnh nhiệt tình, cởi mở hướng dẫn Chủ tịch Trương Tấn Sang đến thăm các cơ sở này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan, nghe giới thiệu về kỹ thuật trồng dâu tây kiểu mới, chất lượng cao tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, chiều 16-3-2014; |
Đến đây chúng tôi mới hiểu rõ hơn vì sao chỉ 3% dân số nhật Bản làm nông nghiệp nhưng cung cấp đầy đủ cái ăn chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân. Ở Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp đẹp, sạch sẽ như một công viên, san sát các nhà kính trồng các giống cây mới lai tạo từ công nghệ gien. Những cây dâu nhỏ, trĩu quả chín hồng, rồi các loại hoa được tạo nên màu sắc theo ý thích của con người, tăng gấp ba lần giá trị thông thường, những giống cà chua năng suất cao và giống lúa chất lượng tốt nhất v.v…
Thống đốc tỉnh mời Chủ tịch và các thành viên đoàn Việt Nam ăn quả dâu, vị thanh ngọt và hương vị mà chúng tôi chưa từng được thưởng thức. Anh phiên dịch người Nhật trở nên hồ hởi: “Điều quan trọng là kết quả từ cơ sở nghiên cứu này, các loại giống cây trồng đưa đến cho nông dân trong tỉnh Ibaraki và khắp nơi trên nước Nhật sản xuất. Cây dâu được trồng từ các tế bào mô để lấy mẫu giống. Dâu tây được người dân ở đây ví von là “nụ hôn Ibaraki”.
Nhiều nhà báo Việt Nam hỏi về lượng thuốc bảo vệ thực vật, ông Giám đốc Trung tâm trả lời rõ ràng: Thuốc bảo vệ thực vật phải hợp lý, đây là tiêu chuẩn rất ngặt nghèo ở Nhật Bản, được kiểm tra kỹ lưỡng để bảo vệ sức khỏe con người.
Đến Trung tâm máy nông nghiệp, các công nhân ở đây đã trình diễn các loại máy be bờ, gieo hạt giống, các loại máy làm đất, máy bay nhỏ tự động không người lái phun thuốc. Máy be bờ vừa hoạt động xong, chúng tôi đứng trên bờ đất, độ cứng như bê tông không hề để lại dấu chân giày.
Tận mắt chứng kiến, chúng tôi ai cũng nghĩ và mong muốn Việt Nam quê hương mình rồi đây sẽ được tiếp cận, sử dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại đó. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói với tôi rất chân tình: Công nghệ sinh học và kỹ thuật nông nghiệp Nhật Bản hiện đại, năng suất làm việc rất cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cái hay của họ là kết quả từ các cơ sở nghiên cứu được đưa vào sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta cần cơ chế khoa học và thực tiễn để sự hợp tác này nhanh chóng đi vào cuộc sống trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn…
Chính tại thành phố Mito, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Ibaraki.
Trở về Tokyo, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nhật Bản Hayaski Yoshimasa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát mong muốn hai nước sẽ nhanh chóng tổ chức cuộc đối thoại hợp tác nông nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác hướng tới sự phát triển một cách toàn diện ngành nông lâm ngư nghiệp Việt Nam bao gồm đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Tìm hiểu về nông nghiệp Nhật Bản, chúng tôi nhìn thấu suốt, thấy rõ hơn con đường phát triển hiện đại, tiên tiến được cơ giới hóa rất cao, đầu tư lớn về tri thức, công nghệ khoa học, người nông dân không cần phải “chân lấm tay bùn”. Chứng thực tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân ở các doanh nghiệp làm nông nghiệp, chúng tôi ghi vào lòng học tập người Nhật ở tính kiên nhẫn, sẵn sàng bứt phá, phát triển cái mới, tiết kiệm, chắt chiu trong sử dụng tài nguyên của mình.
“Gieo hạt niềm tin”, “Vườn ươm công nghệ” là những từ chúng tôi thường nghe thấy sau mỗi lần Chủ tịch làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp nhật Bản. Tinh thần khởi nghiệp ưu tú của nhiều doanh nghiệp đã thành công ở Nhật Bản chắc chắn sẽ thành công trong hợp tác với Việt Nam. Một điều đáng mừng là rất nhiều địa phương ở Nhật Bản đã chia sẻ tình cảm và tin cậy, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực trong đó chú ý vấn đề nông nghiệp theo cấp độ giữa các địa phương với nhau.
Hôm ở thăm Nhà máy chế biến rau tươi sống Asahi, tỉnh Ibaraki, ông giám đốc Nhà máy đã trao tặng Chủ tịch Trương Tấn Sang chiếc khăn dệt bằng nguyên liệu địa phương. Ông nói với giọng xúc động: “Nghe Chủ tịch sang thăm, mẹ tôi, một nông dân đã dệt chiếc khăn này để tặng ngài và nói rằng những sợi vải làm nên tấm khăn như là sợi dây tình cảm thắt chặt mối tình hữu nghị đoàn kết Nhật Bản – Việt Nam”.
Những kết quả sau hơn 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản giờ đây đang soi bóng cho những bước đi mới vẫn đong đầy tiềm năng và triển vọng trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị hai nước ngày càng sâu sắc. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm nhấn trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trương Tấn Sang chắc chắn sẽ tạo nên “cú hích mới”. Đây là thời cơ đòi hỏi chúng ta chung tay hành động, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.