Tàu vũ trụ Hayabusa2 sắp mang mẫu vật từ tiểu hành tinh về Trái Đất, sau đó tiếp tục bay tới một thiên thể khác trong hệ Mặt Trời.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 đang trên đường trở về Trái Đất, mang theo mẫu vật từ tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi Ryugu. Tuy nhiên, thay vì “nghỉ hưu”, con tàu sẽ lại bay vào không gian sau khi thả món hàng quý giá của mình xuống Trái Đất. Mục tiêu mới của nó là tiểu hành tinh 1998 KY26. Con tàu dự kiến đến đây vào năm 2031, Space hôm 30/9 đưa tin.
Hayabusa2 tới Ryugu vào tháng 6/2018 và dành hơn một năm nghiên cứu thiên thể này. Con tàu rời đi vào tháng 11/2019 để trở về hành tinh xanh. Nó dự kiến sẽ thả khoang chứa mẫu vật xuống gần thị trấn Woomera, Nam Australia, ngày 6/12.
Nhiệm vụ đầu tiên của Hayabusa2 nhằm giúp các nhà khoa học tìm hiểu về thành phần cấu tạo của các khoáng vật trên tiểu hành tinh Ryugu, qua đó hiểu thêm về nguồn gốc và sự tiến hóa của Trái Đất cũng như hệ Mặt Trời. Nhiệm vụ thứ hai sẽ là hành trình kéo dài hơn một thập kỷ nhằm nghiên cứu bụi vũ trụ, phát hiện ngoại hành tinh và nghiên cứu biện pháp bảo vệ Trái Đất.
1998 KY26 bay quanh Mặt Trời với quỹ đạo nằm giữa Trái Đất và sao Hỏa. Tiểu hành tinh này hoàn thành một vòng bay trong 1,37 năm, đôi khi cắt qua quỹ đạo Trái Đất. Nó có đường kính khoảng 30 m và xoay rất nhanh, chỉ mất khoảng 10,7 phút để tự xoay một vòng quanh trục, theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Việc nghiên cứu những vật thể gần Trái Đất với kích thước như vậy có thể giúp giới khoa học chuẩn bị cho nguy cơ va chạm giữa Trái Đất với các vật thể tương tự. Ngoài ra, tàu Hayabusa2 cũng sẽ nghiên cứu sự phân bố của bụi vũ trụ trong hệ Mặt Trời và quan sát những ngôi sao sáng.
JAXA muốn quan sát những ngôi sao này để phát hiện những đợt giảm sáng – dấu hiệu cho thấy có thể một ngoại hành tinh đã di chuyển qua phía trước ngôi sao. Nếu phát hiện ngoại hành tinh, Hayabusa2 sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản làm được điều này. Trong nhiệm vụ mới, con tàu cũng sẽ bay qua sát tiểu hành tinh 2001 CC21.
Thu Thảo (Theo Space)