Nhật Bản – sau cơn mưa trời lại sáng

Nhật Bản – cường quốc kinh tế thứ hai thế giới – đã không còn lạ gì với thuật ngữ “trì trệ”. Nhưng cũng đã đến lúc thuật ngữ đó dần đi vào từ điển, thay vì liên tục xuất hiện trên trang nhất các báo. Mặt trời lại bừng sáng, làm cơ sở cho những ước vọng xa hơn của người Nhật. Xin giới thiệu loạt bài phân tích sự phục hồi của Nhật và vai trò của nước này trong các vấn đề quốc tế.Phục hồi

 
Có thể bạn quan tâm: Tư vấn đi Nhật 
 
Haruhiko Okamoto đang tận hưởng “chuyến thăm” của mình tới thị trường chứng khoán Tokyo. Nở một nụ cười rạng rỡ, anh bế cô con gái Yuriko lên. Trong bộ đồng phục học sinh, cô bé gõ chiếc búa lên trên cái chuông sắt cũ – báo hiệu ngày đầu tiên công ty của bố mình bán cổ phiếu trên thị trường. Okamoto nói, anh nghĩ mình là một người hạnh phúc và chuỗi nhà hàng Create Restaurants đang phát đạt của mình đã chọn đúng thời điểm để niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Sau một thời gian dài trì trệ, tôi nghĩ giờ đây chúng ta đang chứng kiến một trạng thái tâm lý khác của người tiêu dùng. Họ đang cảm thấy được giải phóng”, Okamoto nói.
 
Vào ngày công ty của Okamoto chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán (28/9/2005), khi kết thúc giao dịch trong ngày, chỉ số Nikkei tiêu chuẩn đã đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm. Các nhà đầu tư đã đổ xô vào các trung tâm chứng khoán của Nhật sau thắng lợi vang dội của Thủ tướng Koizumi trong cuộc bầu cử vào ngày 11/9/2005, khi mà đảng Dân chủ tự do của ông đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối của cử tri đối với thông điệp ủng hộ cải cách của Thủ tướng. 
 
Nhưng không phải đợi đến lúc tuyển cử thắng lợi, lòng tin trong giới thị trường mới gia tăng. Thực ra, kinh tế Nhật đã cho thấy những dấu hiệu đầy sức sống trong nhiều tháng trước đó. Sau những năm tái cơ cấu, khu vực kinh tế tập đoàn của Nhật đã phát triển lành mạnh, trở lại với mức lợi nhuận tăng cao. Tổng mức bán lẻ và tạo việc làm mới cao nhất kể từ năm 1997. Những số liệu về buôn bán bất động sản mới được công bố gần đây cho thấy giá đất ở Tokyo đã gia tăng đáng kể lần đầu tiên sau 15 năm, càng giúp củng cố hy vọng về việc có thể chấm dứt tình trạng giảm phát – tai hoạ của nền kinh tế Nhật kể từ khi giá tài sản “bong bóng” bùng nổ vào đầu những năm 1990.
 
Kể cả những nhà phân tích lạc quan nhất cũng hoàn toàn bất ngờ trước tuyên bố ngày 12/9/2005 của chính phủ rằng GDP trong quý II đã tăng ở mức 3,3%. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, GDP của Nhật trong năm 2005 tăng với tốc độ 2,8%. Cần phải nhớ rằng trong những năm 1990, những con số này chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ của mọi người Nhật.
 
Tất cả những điều này giải thích tại sao những cuộc thăm dò mức độ lòng tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng gần đây cho thấy người Nhật cuối cùng cũng lại thấy lạc quan về nền kinh tế của mình. Kinh tế trưởng của Merrill Lynch tại Tokyo là Jesper Koll đã nói: “Mười năm đã trôi qua, mỗi năm người ta lại tiến vài bước, và rồi bốn đến năm năm sau, người ta nhận ra mình đã có một cuộc chạy maratông. Không thấy mệt, trái lại càng thấy tươi mới hơn.”
 
nhật bản sau cơn mưa trời lại sáng
 
ảnh minh họa
 
 
Tại sao?
 
Liệu có phải cảnh báo về sự cường điệu? Rốt cục thì thời kỳ trì trệ của Nhật cũng đã được đặt dấu chấm hết nhờ những dấu hiệu đều đặn của sự hồi phục. Cũng như mọi khi, điều đó chỉ đến sau khi suy thoái đã làm tan vỡ nhiều mộng tưởng. Nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự phục hồi này là hoàn toàn khác. 
 
Kinh tế trưởng của Goldman Sachs ở Tokyo là Kathy Matsui nói: “Khác với những thời kỳ hồi phục giả tạo trong những năm 1990, sự phục hồi lần này xuất phát từ nhu cầu nội địa chứ không phải là do gia tăng chi tiêu công cộng. Vì thế có lẽ nó sẽ phát huy độc lập hơn và ít phụ thuộc hơn vào vai trò của chính phủ hoặc vào môi trường bên ngoài”. 
 
Đó sẽ là một sự thay đổi lớn lao. Suốt kể từ sau khi Đại chiến II kết thúc, nền kinh tế Nhật chủ yếu phát triển nhờ xuất khẩu. Trong vài năm qua, Nhật Bản cũng đã hưởng lợi lớn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Xuất khẩu máy móc và công nghệ thông tin tới nước này tăng vọt. 
 
Nhưng trong khi người ta đang lo lắng rằng nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm xuống thì người tiêu dùng Nhật có vẻ như đã sẵn sàng bước qua thời kỳ chỉ biết tiết kiệm. Những số liệu gần đây cho thấy, dù vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng người Nhật đang chi tiêu mạnh mẽ hơn. 
 
Theo nhà kinh tế Richard Jerram của công ty Chứng khoán Macquarie, mức lương tính trong 12 tháng cho tới tháng 7 đã tăng 1,3% sau 7 năm liên tục sút giảm. Kết quả là chi tiêu của các hộ gia đình ở Nhật – thước đo sức sống của cả nền kinh tế – trong quý II năm 2005 đã tăng 0,7% so với quý trước đó. Trong khi đó, các công ty đang tái đầu tư lợi nhuận về trong nước, giúp tăng cường gia tăng mức cầu. Matsui nói: “Nhật Bản không còn bị cột vào nền kinh tế thế giới nữa. Chúng ta (Nhật và phần còn lại của thế giới) đã chia hai ngả, bởi lúc này đây là câu chuyện của người Nhật”.
 
Chính phủ Nhật cũng có vai trò trong sự phục hồi này do đã không đi theo xu hướng can thiệp vào nền kinh tế. Những giai đoạn tăng trưởng ngắn ngủi trong những năm 1990 thường là kết quả của “máy bơm” đầy quan liêu, điển hình là những chi tiêu lãng phí cho những công việc vô bổ chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng nợ công dài hạn càng trầm trọng thêm. Dưới bàn tay của Koizumi, chi tiêu chính phủ dành cho những dự án phát triển ồn ào được giảm thiểu. Thay vào đó, Tokyo tập trung vào việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản, từ tháng 3/2004 đến tháng 3/2005, FDI đã tăng gấp đôi. 
 
Các nhà kinh tế cho rằng, điều còn quan trọng hơn là chính quyền Koizumi đã kiên quyết thúc đẩy việc xoá bỏ gánh nặng nợ đọng đang trói chặt hệ thống tài chính sau những vụ chi tiêu điên rồ trong những năm 1990. Jerram nói rằng trước khi tiến hành cải tổ, những ngân hàng yếu kém phải hỗ trợ những con nợ yếu bởi họ không có đủ vốn để xoá nợ xấu. 
 
“Giờ đây khi tình hình đang trở lại bình thường, những công ty thiếu hiệu quả thì thu hẹp hoạt động, các công ty hoạt động hiệu quả thì mở rộng hơn và năng suất lao động cũng tăng. Điều này sẽ có tác động lan toả đối với nền kinh tế”. Lượng cho vay của các ngân hàng gần đây đã tăng lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu đưa ra con số thống kế 7 năm trước đây.
 
Vai trò của khu vực tư nhân
 
Tuy nhiên, khu vực tư nhân đã đảm nhận hầu hết phần việc nặng nề trong việc đưa nền kinh tế đi lên. Các công ty Nhật đã không chỉ phải làm sạch những bảng kê thu chi của mình, họ còn phải thay đổi về căn bản mô hình kinh doanh của mình. 
 
Các nhà quản lý Nhật đã tháo gỡ các khoản cổ phần chéo – mấu chốt của hệ thống liên kết nội bộ (keiretsu) – để tập trung vào giá trị của cổ đông. Theo Koll thì điều quan trọng hơn nữa là “trong vòng 10 năm qua, khu vực doanh nghiệp đã hoàn trả khoản nợ và lãi trị giá 2 tỷ đôla Mỹ. Tỷ lệ nợ tư trên GDP ở mức thấp nhất trong suốt một thế hệ – kể từ năm1970”. Các công ty đã loại bỏ các tài sản không thiết yếu đã mua trong những năm tháng của nền kinh tế bong bóng. Họ đã chuyển các công việc có kỹ năng kém hơn sang các nước có mức lương thấp (40% khả năng sản xuất của Nhật giờ đây nằm ở nước ngoài so với con số 10% của một thập kỷ trước). Hệ thống tuyển dụng lao động suốt đời đã bị thay thế bởi một biện pháp thiết yếu nhưng đau đớn của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ: sa thải lao động. 
 
Việc cắt giảm chi phí cuối cùng đã đem lại thành quả không chỉ đối với những cổ đông mà còn đối với những người Nhật bình thường. Những con số thống kê về lao động cho thấy các công ty đã bắt đầu thuê những công nhân trẻ làm việc trọn giờ sau nhiều năm những người lao động bán thời gian và thu nhập thấp có vẻ như chiếm giữ một vị trí thường trực ở nơi lao động. 
 
Thực vậy, những việc làm mới xuất hiện chủ yếu hoặc ở những công ty mà đã trải qua quá trình tái cơ cấu cơ bản giúp cho họ có thể lại tuyển dụng lao động, hoặc ở những công ty mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ nhờ thành quả của sự thay đổi trong giới doanh nghiệp. Đây là thời điểm khiến nhiều nhà kinh tế nhờ lại thời kỳ tái tổ chức đại công nghiệp diễn ra ở nước Mỹ dưới thời Reagan, khi mà việc nới lỏng các quy định đã thúc đẩy việc cải tổ những ngành phát triển trì trệ. 
 
Những người lạc quan cho rằng những đổi thay này đã khởi đầu cho sự gia tăng trong tỷ lệ tăng trưởng và năng suất lao động ở Mỹ và sẽ lặp lại ở Nhật. Những tập đoàn công nghiệp khổng lồ của quá khứ – zaibatsu – đã bị phá sản dưới sức ép cạnh tranh kinh tế. Và khi những con khủng long bị thu nhỏ, những ai không có công việc sẽ chuyển sang khu vực dịch vụ đang mở rộng nhanh chóng hoặc hướng ra ngoài để thành lập những doanh nghiệp của chính mình. 
 
Robert Alan Feldman hiện đang làm việc cho Morgan Stanley đã trích dẫn những nghiên cứu gần đây để nói rằng một số ngành, từ công nghệ thông tin cho tới bất động sản, đang phải chịu nhiều khó khăn do thiếu lao động. “Trong thị trường lao động, tình trạng mất cân đối đang ngày càng gia tăng giữa những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao và những lĩnh vực người lao động không có đủ kỹ năng để chuyển từ nghề này sang nghề khác”. Những biến đổi vẫn đang tiếp tục. Giám đốc điều hành Tokyo Shinjiro Yamada nói: “Hiện tượng này giống với nước Mỹ những năm 1980, khi mà giấc mộng được làm việc cho những công ty lớn bỗng tiêu tan”. 
 
Vì một kiểu làm ăn mới
 
Từng là một kỹ sư trẻ của công ty Mitsui, một công ty con của một tập đoàn thương mại và vận tải biển giờ đây đang hấp hối, Yamada đã bỏ việc vào năm 1990, và sau đó cùng với một đồng nghiệp thành lập một công ty tên là INCS Inc. Công ty này thiết kế và sản xuất những mẫu vật tiên tiến nhất cho những khách hàng từ Toyota cho tới Nokia – một nét đặc trưng mới có giá trị gia tăng cao đang ngày càng trở thành tiêu biểu cho bối cảnh của nền công nghiệp mới của Nhật. 
 
Theo quan điểm của Yamada, thời khắc then chốt cho sự phục hồi kinh tế của Nhật là vào mùa hè năm 2002, khi mà những tập đoàn hàng đầu như Fujitsu, Toshiba và Hitachi đã phá bỏ giới hạn bấy lâu khi thông báo sẽ cắt giảm nhân viên với số lượng lớn. Không ai phản đối. “Nhân dân Nhật đồng tình rằng các công ty có thể cắt giảm nhân công. Họ sẵn sàng chấp nhận điều đó bởi họ hiểu được nền kinh tế đang ở trạng thái tồi tệ đến thế nào. Mỉa mai thay, mặc dù tin tưởng vào việc nên giảm quy mô, gần đây Yamada lại đang dành phần lớn thời gian tìm kiếm thêm nhân viên mới. Lúc này công ty của ông (có mức bán ra đạt 10.1 tỷ yên) có 320 nhân viên, nhưng ông vừa mới tuyển thêm 80 người để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên. ông tự hào nói rằng một nửa thu nhập của công ty là nhờ vào bộ phận tư vấn – một sự đa ngành hoá đầy ấn tượng đối với một công ty Nhật vốn chỉ tập trung vào sản xuất hàng hoá.
 
Đó dĩ nhiên là một nét đặc trưng Nhật Bản. Và trên thực tế, các nhà sản xuất Nhật đang được cổ vũ bởi những dấu hiệu cho thấy khả năng sản xuất đang quay trở lại thị trường nội địa. Gần đây, một vài công ty đã “nội địa hoá sản xuất phụ liệu”: họ đã đưa các đơn vị sản xuất nhất định trở lại Nhật. Có thể có vài nguyên nhân như mức lương ở Trung Quốc đang tăng lên (dù vẫn tăng chậm), cơ sở hạ tầng khó có thể dự báo trước và thái độ thiếu nghiêm túc đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong số đó, vấn đề cuối cùng rất quan trọng, nhất là khi người ta chi quá nhiều cho nghiên cứu và phát triển, và các công ty Nhật thì lại tiếp tục theo xu hướng đó. Năm ngoái Canon đã mở một nhà máy sản xuất camera kỹ thuật số ở Nhật. Giá lao động cao đã không thể ngăn người khổng lồ về hàng tiêu dùng đưa ra con số về mức lãi cao kỷ lục – 5,2 tỷ đôla trong năm 2004.
 
Có nhiều vấn đề có thể làm trật bánh con tàu kinh tế đang phục hồi. Mặc dù Nhật đã cơ bản giảm được sự phụ thuộc vào dầu kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng trong những năm 1970, giá dầu thô cao hoàn toàn có thể cản trở tăng trưởng. Không ai nghi ngờ rằng vẫn có nhiều lĩnh vực hoạt động có hiệu quả nhưng chưa được quản lý. Yamada nói: “Cần phải tiếp tục tái cơ cấu trong vòng 10 năm tới”. Những thách thức khác, ví dụ như việc xã hội Nhật đang bị lão hoá, cũng có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng, trừ khi chính phủ và người dân có thể nhất trí về một chính sách nhập cư thông thoáng hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, người Nhật đang chẳng có tâm trí nào mà suy tư cho đau đầu. Họ đã lại tận hưởng những ánh dương kinh tế, và ai có thể đổ lỗi cho họ? Họ đã phải đợi quá lâu rồi. 
 
Theo Hưng Việt (lanhdao.net)