Nhà đầu tư ngoại “bỏ rơi” TTCK Nhật

Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã mất niềm tin vào Abenomics – các biện pháp kích thích kinh tế được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe áp dụng nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ.

 
 
Sau khi rót lượng tiền kỷ lục vào cổ phiếu Nhật Bản trong năm 2013, các nhà đầu tư quốc tế gần như tránh xa TTCK Nhật trong năm 2014. Kể từ đầu năm đến nay, lượng vốn chảy vào thị trường này đã giảm tới 94%, xuống còn 898 tỷ yên (tương đương 7,5 tỷ USD) – thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Riêng lượng vốn đăng ký trong tháng 4/2013 cũng cao gấp 3 lần so với con số của cả năm 2014.
 
Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, tính đến hết ngày 19/12, khối lượng các nhà đầu tư bên ngoài Nhật Bản mua vào chưa bằng 1/10 của con số 15.100 tỷ yên của năm ngoái. 
 
Những con số nói trên cung cấp cái nhìn rõ ràng nhất về sự hoang mang của nhà đầu tư quốc tế đối với chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe sau khi đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 đẩy nước Nhật trở lại thời kỳ suy thoái. Các quỹ từ Sumitomo Mitsui Trust Bank Ltd. tới MV Financial đều cho rằng để thu hút nhà đầu tư quay trở lại, ông Abe cần phải bắt đầu thực hiện các đợt cải cách như kế hoạch ban đầu thay vì những gói kích thích ngắn hạn như Nhật Bản vẫn đang làm.  

Mua Abenomics

“Đâu là Facebook phiên bản Nhật, đâu là Google phiên bản Nhật?”, Katrina Lamb, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu của MV Financial (Mỹ), chia sẻ với Bloomberg qua điện thoại. Quỹ này đang loại bỏ các cổ phiếu Nhật Bản ra khỏi danh mục đầu tư quốc tế. 
 
Năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài rất lạc quan và đã mua vào lượng cổ phiếu Nhật Bản cao kỷ lục nhờ “ba mũi tên” của ông Abe. Chỉ số Topix tăng 51% và giúp Nhật Bản trở thành thị trường phát triển có diễn biến tốt nhất thế giới năm 2013. 
 
Thế nhưng, 1 năm sau, gánh nặng tăng thuế tiêu dùng khiến Nhật Bản lại rơi vào suy thoái. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng chứng khoán Nhật Bản cho đến khi NHTW nước này bất ngờ thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ hôm 31/10. Mặc dù chỉ số Topix vẫn tăng 9,4% kể từ đầu năm đến nay, đồng yên yếu đi khiến chỉ số này giảm 4,4% nếu quy đổi ra USD.
 
 
Tetsuo Seshimo, chuyên đến từ quỹ đầu tư Saison (Tokyo), đợt tăng thuế tiêu dùng khiến kinh tế Nhật chao đảo trước khi mũi tên thứ ba của ông Abe xuất hiện. Nhà đầu tư nước ngoài không có lý do gì để mạnh tay mua vào chứng khoán Nhật Bản khi mà nước này không thể tạo nên câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ.

Lời khuyên cho Nhật Bản

Với nhu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài “bốc hơi”, Nhật Bản phải dùng đến các quỹ hưu trí để lấp chỗ trống. Ngày 31/10, quỹ hưu trí quốc gia cam kết tăng gấp đôi số tiền đầu tư cho cổ phiếu nội địa. Cùng ngày, BoJ công bố một loạt biện pháp kích thích. 
 
Những động thái này giúp chỉ số Topix tăng 4,3% ngay trong phiên 31/10, nhưng hiệu ứng chỉ là ngắn hạn nếu so với động thái nới lỏng của BoJ hồi tháng 4/2013. Tổng giá trị vốn hóa của Topix đã tăng thêm 62.000 tỷ yên kể từ 31/10 đến khi đạt đỉnh vào tháng 12, trong khi 92.000 tỷ yên đã được tạo ra trong năm ngoái.
 
Sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, trọng tâm lớn nhất trong chính sách năm 2015 của ông Abe sẽ là một gói kích thích tài khóa và giảm thuế cho doanh nghiệp. Chính phủ Nhật vừa thông qua gói chi tiêu 3.500 tỷ yên để hỗ trợ nền kinh tế. 
 
Nhà đầu tư cũng mong chờ chính phủ sẽ nới lỏng luật lao động và hiệp định TPP được ký kết. Đối với các doanh nghiệp Nhật, kỳ vọng đặt ra là nâng lương và giải phóng lượng tiền mặt dư thừa bằng cách tăng đầu tư.