Tản mạn hoa anh Đào xứ Phù Tang

Mùa xuân ở Nhật Bản bắt đầu vào tháng Tư dương lịch, khi màu trắng của băng tuyết đã biến mất hoàn toàn để nhường chỗ cho màu xanh của những chồi cây vừa hé lộc biếc và của những bãi cỏ ngút ngàn đang phơi mình dưới ánh mặt trời. Ấy cũng là lúc hoa anh đào (sakura) nở rộ.

Người Nhật tôn vinh hoa anh đào là quốc hoa (kuni no hana) và loài hoa này đã trở thành biểu tượng quốc gia của Nhật Bản, khiến cho đảo quốc này có thêm một mỹ danh: “xứ sở hoa anh đào”. Hoa anh đào không chỉ có ở Nhật mà hiện diện ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Áo, Pháp…, nhưng chỉ riêng Nhật Bản mới có nghi thức hoa kiến (hanami), là lễ hội ngắm hoa anh đào, vào mùa xuân mà thôi.

  • Hanami: bữa tiệc ngắm hoa

Trên khắp Nhật Bản, từ bắc xuống nam, ở đâu cũng có hoa anh đào: trong công viên, trên đường phố, bên sông, ven hồ, dưới chân cổ thành, nơi đền miếu… Quanh năm, cây anh đào dường như được bao phủ bởi một sắc xanh của tán lá và sắc nâu thẩm, xù xì của thân cây. Nhưng khi xuân sang thì cây anh đào biến đổi một cách kinh ngạc, trở nên bừng sáng bởi những cánh hoa tuyệt mỹ màu trắng hồng hay tím nhạt. Hoa anh đào hé nụ từ đầu tháng Tư nhưng thời điểm mãn khai thì tùy thuộc vào thời tiết của từng vùng. Bắt đầu nở từ các tỉnh miền nam Nhật Bản, nơi có khí hậu ấm áp hơn, mùa hoa anh đào tỏa dần lên phía bắc theo thời gian.

Hoa anh đào ở Nhật Bản

Trung tuần tháng Tư, khi những cánh hoa phủ kín mặt hồ trong công viên Yoyogi ở khu Shinjuku và điểm bạc mái đầu của pho tượng tướng quân Omura Masujiro trong sân đền Yasukuni ở Tokyo, thì ở các thị thành trong vùng Tohoku ở miền đông bắc Nhật Bản như Iwate, Fukushima, Sendai… hoa vẫn đang kỳ điểm xuyết. Còn ở Kyoto, những “lớp sóng” màu trắng hồng của những cánh hoa đã bao trùm lên những đền đài cổ kính, những danh lam thắng cảnh lừng danh của cố đô. Đó cũng là lúc mà người Nhật rủ nhau tìm về ngồi dưới cội hoa anh đào, tổ chức những bữa tiệc hanami. Họ trải những tấm khăn rộng trên thảm cỏ xanh ở ngay dưới bóng hoa, bày biện các thứ đồ ăn thức uống, rồi vừa ngắm hoa, vừa ăn uống, vừa chuyện trò. Đây đó, một vài lão nhân mặc yukata, một loại kimono dành cho nam giới, nâng chén sake lên ngang mày, nghiêm cẩn cúi đầu trước bạn đối ẩm, như đang thực hành một nghi thức tửu đạo, rồi ngửa cổ uống trọn chén rượu xuân. Nơi một khoảnh cỏ khác, mấy nam thanh nữ tú xứ Phù Tang vừa đệm đàn guitar, vừa hát bài Koibitoyo (Người yêu dấu ơi), một bản tình ca nổi tiếng của Nhật Bản. Thảng hoặc, trong một góc công viên, có những bóng người lặng im, không đàn hát hay chuyện trò. Họ cầm lon bia Kirin trên tay, mắt lơ đãng ngắm nhìn những áng mây xuân thấp thoáng ẩn hiện phía trên những tán hoa rực rỡ, lung linh, mặc cho dòng đời vẫn đang cuồn cuộn tuôn chảy.

Hoa anh đào ở Nhật Bản

Hanami chỉ diễn ra chỉ trong vòng một tuần, từ lúc hoa anh đào mãn khai cho đến khi những cánh sakura tự nguyện rời cành, tạo thành những tấm thảm hoa trên mặt đất. Đó là tuần đẹp nhất trong năm ở Nhật Bản, một cái đẹp tạo nên bởi không khí hội hè, bởi sự yên bình và bởi nỗi buồn phảng phất khi phải chứng kiến những cánh hoa rơi vào lúc đang thì xuân sắc tuyệt mỹ.

Hakanasa: nhân sinh như giấc mộng

Trong tiếng Nhật, có danh từ hakanasa, thể hiện triết lý mỹ cảm của dân tộc Nhật Bản, được cho là có mối tương quan mật thiết với vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào. Hakanasa (儚) là một từ gốc Hán (kanji), bên trái là bộ nhân (人), nghĩa là con người, bên phải là chữ mộng (夢), nghĩa là giấc mơ. Những người bạn Nhật giải thích rằng từ hakanasa trong tiếng Nhật chỉ sự mong manh, phù du như cánh hoa anh đào, nhưng tôi lại thích chiết tự chữ này theo nghĩa “nhân sinh như giấc mộng” để thấm thía rằng, đời người như một giấc mơ, cũng như cái đẹp của hoa anh đào, đều là những thứ mong manh cả. 
Tuy nhiên, có một nghịch lý là hoa anh đào với vẻ đẹp mong manh ấy lại được các samurai, tầng lớp võ sĩ (bushi) kiêu hãnh của Nhật Bản, chọn làm biểu tượng. Trên những thanh kiếm hay trên trang phục, giáp phục của các samurai Nhật Bản thường khắc in hình ảnh hoa anh đào. Có người cho rằng, các samurai tự ví mình như hoa anh đào bởi họ là những người không bám chặt vào sự sinh tồn mà sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cử và cái đẹp. Họ xuất hiện như ánh hào quanh và ngã xuống trong đỉnh điểm của sự huy hoàng như những cánh hoa anh đào tự lìa cành vào lúc đang rực rỡ nhất, lộng lẫy nhất. Chính sự lựa chọn này của các samurai, một tầng lớp biểu tượng cho tinh thần dũng cảm và đức hy sinh, càng khiến cho hoa anh đào trở thành biểu tượng cho cái đẹp khắc kỷ và lòng kiêu hãnh của người Nhật Bản.

Hoa anh đào ở Nhật Bản

Cũng bởi vì thế, mà sau thảm họa động đất và sóng thần ở vùng đông bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, ở thành phố Rikuzentakata (tỉnh Iwate), nơi có hơn 10% dân số thiệt mạng, vẫn có gần 200 người dân Rikuzentakata tham gia buổi tiệc ngắm hoa anh đào vào ngày 17/4/2011 ở ngay trong lòng thành phố đã bị sóng thần hủy hoại gần như toàn bộ. Họ tụ tập, cùng nhau đánh trống theo nghi thức truyền thống, nướng cá, uống rượu sake, hát và ngắm hoa anh đào. Họ ngồi với nhau để tưởng nhớ những người đã chết và bàn về tương lai. Họ xốc lại tinh thần, tỏ tình đoàn kết và quyết tâm cùng nhau xây dựng lại thành phố (AFP, 18/4/2011). Thế mới biết, hanami không chỉ là nghi thức thưởng hoa, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và sức mạnh của người Nhật. Đặc biệt, sau trận động đất – sóng thần khoảng nửa năm, đầu tháng 10/2011, người dân vùng Tohoku đã trồng 17.300 cây anh đào dọc theo bờ biển vùng đông bắc Nhật Bản, nơi đã bị sóng thần tàn phá nặng nề để bảo tồn chứng tích của trận đại hồng thủy và cảnh báo cho các thế hệ mai sau về thảm họa khôn lường của thiên nhiên, đồng thời, thể hiện triết lý hakanasa của dân tộc Nhật Bản (Telegraph, 6/11/2011).

Hoa anh đào ở Nhật Bản

Tháng Tư về, một mùa hoa anh đào lại đến trên đất nước mặt trời mọc. Người Nhật lại đắm say trong lễ hội hanami. Và hơn lúc nào hết, chữ hakanasa lại vang vọng trong tâm thức của những người Nhật như một triết lý về vẻ đẹp mong manh mà kiêu hãnh của hoa anh đào, quốc hoa của xứ Phù Tang.

FB Trần Đức Anh Sơn

#ATK st