Vì sao người Việt chuộng hàng Nhật

Triết lí kinh doanh: Nói ít, làm nhiều; sản phẩm chất lượng phải được vun trồng từ gốc đã ăn sâu vào từng doanh nghiệp, là cội rễ thành công của các doanh nghiệp Nhật.

Không phải ngẫu nhiên, người miền Nam đến ngày nay vẫn gọi xe máy là xe Honda, hay slogan “nét như Sony”, “tủ lạnh Electrolux – 40 năm vẫn chạy tốt” trở thành câu cửa miệng của người Việt. Đó là uy tín “vô đối” về chất lượng của các thương hiệu Nhật với người dùng Việt Nam. Có thể nói người Nhật đã thành công tại Việt Nam khi tạo được ấn tượng bất di bất dịch “cứ hàng Nhật là tốt, là bền”.

Cội nguồn niềm tin tiêu dùng mà doanh nghiệp Nhật tạo dựng được là nhờ tác phong, cung cách quản lý kinh doanh cũng như quy trình quản trị chất lượng riêng biệt. Triết lí kinh doanh: nói ít, làm nhiều; sản phẩm chất lượng phải được vun trồng từ gốc đã ăn sâu vào từng doanh nghiệp, là cội rễ thành công của các doanh nghiệp này.

Thành công nhờ chất lượng

Đầu tiên là chất lượng. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự thành công cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nét trong mọi lĩnh vực sản xuất, từ đồ thực phẩm, mỹ phẩm, sữa, đến hàng tiêu dùng gia dụng, hàng điện tử, công nghệ, xe cộ…

Xe hơi Nhật Bản đi đầu về chất lượng và độ bền bỉ.

Các nhà sản xuất Nhật Bản quan niệm rằng, càng ngày con người sẽ dần dần chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng tốt để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của mình. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém, chắc chắn rằng doanh nghiệp đó sẽ không thể có được sự phát triển, sự thành công một cách bền vững.

Người Nhật luôn có tính cầu toàn, do đó trong sản xuất người ta vẫn ưu tiên lựa chọn những nguyên vật liệu có chất lượng cao nhất, máy móc thiết bị tốt nhất, đây là một trong những yếu tố làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Thêm vào đó, những sản phẩm này nếu xuất khẩu sang nước ngoài lại phải chịu một mức thuế quan khá cao góp phần đưa giá bán lên cao hơn nữa. Bù lại, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn những sản phẩm này.

Hàng Nhật đề cao uy tín

Ở Nhật Bản, việc giữ chữ tín đã trở thành một nét văn hóa, nghĩa là bất cứ ai cũng có ý thức về việc này. Ý thức đó được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ từ sự giáo dục của gia đình. Trong một xã hội mà ai cũng giữ chữ tín như vậy, nếu có ai không tuân thủ, chắc chắn sẽ rất được chú ý theo hướng tiêu cực. Và như vậy, họ nhanh chóng đánh mất hình ảnh của mình trước mọi người.

Người Nhật luôn biết chịu trách nhiệm trước sản phẩm mình làm ra.

Khi sản phẩm có lỗi, họ sẵn sàng nhận lỗi, thu hồi sản phẩm, khắc phục một cách thỏa đáng nhất để đảm bảo uy tín. Với người Nhật, xin lỗi là một điều hoàn toàn bình thường. Bởi xin lỗi không phải là thất bại, không phải là bị cấp trên đánh giá thấp… mà đó chính là sự nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để có sự cải tiến cho công việc tiếp theo, rút ra kinh nghiệm cho mình. Do đó, người Nhật quan niệm rằng, người nào biết xin lỗi là người có ý chí cầu tiến, phát triển mình và sẽ được đánh giá cao.

Hàng Nhật vì con người

Văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản là “đặc sản” trong các tập giá trị làm nên chất lượng sản phẩm và sự thành công của họ. Điều này được cả thế giới công nhận và từng người Nhật cũng tự hào. Bản chất của văn hóa đó là: Xem con người là yếu tố quyết định, cách sử dụng và khuyến khích con người là yếu tố số 1, giải quyết tốt các quan hệ giữa con người là yếu tố xuyên suốt. Cả 3 điều đó đều dựa trên nền tảng tinh hoa văn hóa xã hội Nhật Bản: tự cường, tự chủ, tự hào, tự giác, tự tôn… đã trở thành từng giá trị lao động của mỗi người Nhật Bản.

Trong lúc khó khăn nhất, người Nhật vẫn tôn trọng những quy tắc, nhường nhịn và yêu thương nhau.

Chắc không ai trong chúng ta là không nhớ đến thảm họa kép động đất, sóng thần tại tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011 đã làm chấn động cả thế giới. Nhưng cả thế giới còn có một sự chấn động khác, đó là thái độ bình tĩnh và tôn trọng, nhường nhịn và yêu thương nhau của người dân Nhật. Họ giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn để rồi vươn lên mạnh mẽ. Để rồi đi đến bất cứ quốc gia nào, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng từ cái tinh thần ấy mà luôn giúp đỡ và hướng tới con người.

Thương hiệu Nhật Bản phát triển ở Việt Nam

Thực tế tại Việt Nam, những hoạt động tiên phong tạo nên giá trị của các thương hiệu Nhật Bản đang ngày càng được tổ chức thường xuyên hơn. Đó là các hoạt động công tác xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm hỗ trợ cộng đồng như đối tượng các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các cụ già neo đơn, các trại trẻ mồ côi.

Bridgestone – một thương hiệu lốp đến từ Nhật Bản đã có những hoạt động xã hội tích cực tại Việt Nam.

Chúng ta có thể thấy những triết lý này qua các công ty nổi tiếng của Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Lấy ví dụ như hãng lốp Bridgestone – hãng lốp Nhật uy tín đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong triết lý kinh doanh của họ, con người và sự an toàn của con người luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà sáng lập Bridgestone – Shojiro Ishibashi đã từng phát biểu: “Hoạt động kinh doanh không chỉ nhằm mục đích sinh lợi nhuận, mà quan trọng nhất là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu xã hội và gắn liền với các hoạt động vì con người, môi trường…”. Quan niệm như thế, nên người Nhật đã tạo ra được các sản phẩm chất lượng như vậy. Và đó là cơ sở để tạo ra thành công của những thương hiệu Nhật Bản trên dải đất hình chữ S.