Gần đây rộ lên nhiều đường dây thu hàng trăm triệu đồng của người lao động (NLĐ) để đưa sang Úc, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu với chiêu bài “vừa học vừa làm lương cao”. Trong khi NLĐ đang lao như thiêu thân thì cơ quan chức năng lại bất lực bởi hình thức này lấp lửng giữa đi du học và xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Quảng cáo trên trời
PV Tiền Phong nhận được phản ánh, một đơn vị tại Hà Nội đang chiêu mộ NLĐ đi làm việc tại Úc và Tây Ban Nha với mức phí 320-350 triệu đồng. Anh Minh Hoàng (quê Hà Tĩnh) cho biết, người nhà anh liên tục nhận được thông báo ra Hà Nội để nộp hồ sơ đi Úc làm vườn.
Theo anh Hoàng, vì đi Úc và Tây Ban Nha hấp dẫn nên nhiều người ở Hà Tĩnh và Thanh Hoá lên kế hoạch ra Hà Nội đăng ký dự tuyển.
Để hiểu rõ thực hư về “đường dây” kể trên, trong vai người muốn đi Úc và Tây Ban Nha, nhóm PV Tiền Phong tìm đến trụ sở Ban Kinh tế Trang trại và Ngành nghề Nông thôn – Công ty CP XNK Tổng hợp và PT Trang trại Việt Nam (thuộc T.Ư Hội Làm vườn Việt Nam) tại số 167 Nguyễn Ngọc Nại (quận Thanh Xuân, Hà Nội) – địa chỉ do NLĐ cung cấp.
Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (tự giới thiệu là người phụ trách chương trình – PV). Sau khi nghe đặt vấn đề qua thoáng lưỡng lự, bà Nhung khoe liền: “Đây là chương trình học viên tham gia theo hình thức cán bộ của Ban đi học và về phục vụ cho cơ quan”.
Số lượng chỉ tiêu 10 người/đợt (mỗi năm khoảng 3 đợt) và số học viên nộp hồ sơ đăng ký rất đông. Rồi bà Nhung rỉ tai: “Nếu thật sự muốn đi, em nên nộp hồ sơ ngay đầu tuần sau. Sợ muộn hơn sẽ mất chỗ”.
“Trường hợp nếu Cty này có giấy phép XKLĐ đi chăng nữa mà ra thông báo thu tiền, có thể chúng tôi cũng sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra, tìm hiểu vì có thể đó là lừa đảo”.
Ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Phòng Đài Loan – châu Mỹ
Bà Nhung cho biết, tổng kinh phí chương trình đi Úc là 320-350 triệu đồng. Trong đó, nộp tại Việt Nam 200-230 triệu đồng. Việc nộp tiền được chia làm 3 đợt. Đợt 1, khi nộp hồ sơ (giấy tờ tùy thân, bằng tốt nghiệp, học bạ cấp 3 bản gốc) nộp 20 triệu đồng. Sau đó, sẽ xét hồ sơ trong thời gian một tuần. Nếu trúng tuyển, học viên nộp tiếp đợt 2 là 120 triệu đồng và đợt 3 là 60 triệu đồng.
Trường hợp học viên bị loại, sẽ được nhận lại tiền, nhưng phải mất phí dịch thuật, kiểm tra hồ sơ (2 triệu đồng).
Ngoài khoản tiền này, học viên còn phải nộp thêm khoản tiền bảo lãnh 120 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ dần vào lương làm thêm của học viên tại Úc. “Trong thời gian học tại Úc, đối tác của Ban Kinh tế Trang Trại & Ngành nghề Nông thôn sẽ bố trí công việc làm thêm cho học viên với mức lương từ 5.000-7.000 USD/tháng”, bà Nhung khoe.
Đi Tây Ban Nha trong 60-90 ngày. Đó là nội dung quan trọng được ghi trong bản thông báo mà Ban Kinh tế Trang trại và Ngành nghề Nông thôn gửi cho các ứng viên.
Theo quảng cáo, học viên không cần chứng chỉ tiếng Anh Ielts, chỉ cần giao tiếp cơ bản để qua vòng phỏng vấn của Đại sứ quán. Khi sang Tây Ban Nha, học viên học tiếng 1 năm với học phí 100 triệu đồng. Sau đó, được học nghề 2 năm hoặc học lên đại học 4 năm.
Học xong, học viên có thể ở lại làm việc lâu dài, có cơ hội định cư, nhập quốc tịch Tây Ban Nha. “Thời gian chờ xuất cảnh chỉ từ 60-90 ngày. Tổng chi phí cho chương trình từ 150-180 triệu đồng”, thông báo ghi rõ.
Núp bóng du học?
Ngày 29/10, nhóm PV Tiền Phong quay trở lại trụ sở Ban Kinh tế Trang Trại & Ngành nghề nông thôn. Sau khi giới thiệu, một phụ nữ xưng tên Huế – phụ trách mảng nông nghiệp cho biết, Giám đốc Ban này tên là Giáp Văn Hạnh, hiện đi nước ngoài nên xin khất chưa làm việc.
Theo bà Huế, Cty Cổ phần XNK tổng hợp và Phát triển Trang trại Việt Nam là một đơn vị độc lập, “bảo trợ hoạt động” cho Ban Kinh tế Trang Trại & Ngành nghề nông thôn.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Tiền Phong, ông Tống Hải Nam- Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cty Cổ phần XNK tổng hợp và Phát triển Trang trại Việt Nam không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.
Ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Phòng Đài Loan – châu Mỹ (Cục Quản lý Lao động Ngoài nước) khẳng định: Cty trên không đăng ký tham gia đưa lao động sang thị trường Úc.
“Trường hợp nếu Cty này có giấy phép XKLĐ đi chăng nữa mà ra thông báo thu tiền, có thể chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra, tìm hiểu vì có thể đó là lừa đảo”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, đại diện Phòng Nhật Bản, châu Âu, Đông Nam Á cũng cho biết, Cty này không đăng ký đưa lao động sang Tây Ban Nha. “Hiện, chỉ có một số công ty được cấp phép đưa lao động sang Nga, Đức, Belarus…, nhưng không có tên Cty Cổ phần XNK tổng hợp và Phát triển Trang trại Việt Nam đưa lao động đi làm việc tại Tây Ban Nha”, vị này nói.
Trả lời câu hỏi, Cty Cổ phần XNK tổng hợp và Phát triển Trang trại Việt Nam có được cấp phép hoạt động đưa du học sinh đi Úc và Tây Ban Nha, bà Nguyễn Diệp Hồng, Phó trưởng Phòng Quản lý Giáo dục có yếu tố nước ngoài (thuộc Sở Giáo dục TP Hà Nội) cho biết: Theo đăng ký, đến thời điểm này chưa cấp phép hoạt động du học cho doanh nghiệp có tên trên.
Theo tiênphong