Bài viết đề cập đến phương pháp giảm thiểu tai nạn lao động theo phương pháp KY của Nhật Bản.
Năm 2011, theo số liệu của Cục An toàn Lao Động, Bộ Lao động thương binh và xã hội, cả nước có khoảng 5896 vụ tai nạn lao động khiến hơn 6000 người gặp nạn và 574 người tử vong. 1100 người bị thương nặng và phải sống phần đời còn lại trong tình trạng khó khăn. Tỉ lệ tử vọng và bị thương nặng trên tổng số vụ tai nạn lên tới 30% là một tỉ lệ rất cao, gấp 10 lần so với quy luật trung bình của thế giới. Theo quy luật Heinrich, cứ 30 vụ tai nạn gây thương tích thì mới chỉ có 1 vụ gây tử vong hoặc thương tật nặng.
Số liệu chính thức là như vậy, số liệu thực tế ở Việt Nam chắc chắn cao hơn nhiều bởi còn rất nhiều vụ tai nạn không được báo cáo và ghi nhận. Theo báo Tuổi trẻ, mỗi ngày bệnh viện Việt Đức, Hà Nội tiếp nhận khoảng 10 trường hợp tai nạn lao động loại nặng. Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động thương binh và xã hội, 30% nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động xuất phát từ sự lơ là của chủ doanh nghiệp, cụ thể là quy trình an toàn lao động và ý thức giữ an toàn của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Doanh nghiệp ở các ngành nghề thường xảy ra tai nạn lao động nhất như than, xây dựng, cơ khí…chưa ý thức rõ về nguy cơ tai nạn lao động và biết cách phòng ngừa rủi ro.
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về đảm bảo an toàn lao động. Theo nghiên cứu của Nhật Bản, chỉ có 1,1% số vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng. Tới 93,8% vụ tai nạn xảy ra do hành vi không an toàn và 87,7% xảy ra vì điều kiện không an toàn. 82,6% các vụ tai nạn xảy ra do cả hai nguyên nhân trên cộng lại. Như vậy, tai nạn có thể được giảm thiểu triệt để nếu kiểm soát tốt các yếu tố chủ quan như hành vi và điều kiện làm việc.
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia an toàn lao động.
Trong quá khứ, vào giai đoạn công nghiệp bùng nổ (những năm 50, 60 của thế kỷ trước), Nhật Bản từng là quốc gia có số người bị tai nạn lao động rất lớn. Đỉnh điểm năm 1961 có tới 6.712 người chết vì tai nạn lao động. Thực trạng này chỉ thay đổi rõ rệt khi chính phủ Nhật Bản phát động phong trào “Không tai nạn” vào năm 1973 và ý tưởng KY ra đời năm 1974. KY (viết tắt của Kizen và Yochi, nghĩa là “dự đoán các tình huống nguy hiểm”) sau đó đã được phát triển và phổ biến bởi JISHA, Hiệp hội An toàn và vệ sinh lao động công nghiệp Nhật Bản. Ý tưởng này đã góp phần quan trọng khiến tỉ lệ tai nạn lao động ở Nhật giảm mạnh rõ rệt từ con số 6.712 năm 1961 xuống còn 1.514 năm 2005. Mô hình KY của Nhật cho thấy nhiều đặc điểm rất đáng học hỏi để ứng dụng giải quyết thực trạng ở Việt Nam hiện tại. Một trong những liên doanh với Nhật Bản đang thực thi mô hình này là nhà máy xi măng Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Học KY ở liên doanh Nghi Sơn
“Những tình huống nguy hiểm tiềm ẩn là gì? Di chuyển đi lại cầu thang nhiều đất đá vấp ngã. Chúng ta phải làm gì? Không bỏ tay vào túi quần áo khi di chuyển đi lại, phải buộc dây giày chắc chắn”. Đó là nguyên văn một dòng trong một Bảng phân tích các tình huống nguy hiểm KY được thực hiện tại Nghi Sơn. Những tình huống tưởng như không đáng quan tâm như “di chuyển cầu thang dễ vấp ngã” và các giải pháp quá đơn giản như “không bỏ tay vào túi quần” cũng đều được viết ra cụ thể. Bên cạnh đó, đương nhiên là các tình huống nguy hiểm hơn như điện giật, bị cuốn vào máy, vật dụng rơi…và những giải pháp phức tạp hơn.
Điều đáng chú ý là mỗi ngày, khi thực hiện bất kỳ công việc gì, các nhóm làm việc đều phải thực hiện một Bảng phân tích KY như vậy. Đầu tiên, trưởng bộ phận họp cả nhóm lại để cùng nhau phân tích các tình huống nguy hiểm tiềm tàng, tìm ra nguyên nhân và sau đó đề xuất giải pháp. Tất cả các ý kiến dù nhỏ nhất như trên đều được viết vào một Bảng KY và đọc to cho mọi người cùng nghe. Tờ giấy này sau đó được treo ngay tại vị trí làm việc để nhắc nhở.
Phương pháp KY còn có những yêu cầu hết sức thực tiễn như biện pháp “chỉ tay, gọi tên” để thao tác an toàn, không nhầm lẫn. Tại mỗi điểm nút thao tác công việc, nhân viên phải chỉ thẳng tay vào đối tượng thao tác và đọc to tên đối tượng. Nếu cảm thấy đã an toàn, nhân viên tiếp tục hô to “OK”. Nếu cả nhóm cùng chỉ tay vào đối tượng cùng hô to thì gọi là “chỉ tay đồng thanh”.
Đối với nhiều người, những biện pháp KY được áp dụng ở các doanh nghiệp có yếu tố Nhật Bản như Nghi Sơn có thể bị coi là mất thời gian, sáo rỗng hay hình thức. Tuy vậy, người Nhật đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý con người và phát hiện ra rằng việc nhắc nhở liên tục rủi ro tiềm tàng và đọc to tên của chúng có tác dụng rất lớn trong việc “lên dây cót” ý thức, đưa ý thức trở về trạng thái tỉnh táo trước mọi thao tác sai lầm có thể dẫn tới nguy hiểm. Trong một bản tin nội bộ của Nghi Sơn, Ông Michio Matsuoka đã trích dẫn trong kiệt tác “Gatsby vĩ đại” của nhà văn F.Scott Fitzgerald: “An toàn cho một tay lái tồi là chỉ khi anh ta chưa gặp một tay lái tồi khác”. Vấn đề là chẳng ai nhận ra mình là người lái tồi cho tới khi tai nạn xảy ra.
Chủ quan chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tai nạn lao động. Người Nhật phòng ngừa sự chủ quan bằng những biện pháp nhỏ tưởng rất “ngây ngô” nhưng lại có nền tảng lý thuyết tâm lý sâu sắc và đáng học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ nặng về hô hào nhưng ít có giải pháp thực tiễn để phòng tránh tai nạn đáng tiếc cho người lao động.