Nhật Bản mở cửa nhập cảnh: Hôm nay 3/10/2021 đã có những thông tin rõ hơn về việc Nhật Bản dự kiến mở cửa trở lại tiếp nhận lao động Việt Nam sau 8 tháng gián đoạn. Đây quả thực là tin vui cho nhiều người lao động đang chờ đợi để sang Nhật theo các diện thực tập sinh kỹ năng, thực tập kỹ năng đặc định, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên và kỹ sư – lao động kỹ thuật cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp từng bước nhằm kích cầu nền kinh tế, hướng tới tái mở cửa đi lại quốc tế. Người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được cấp visa vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn. Hiện nay nhiều người lao động đang phải chờ đợi đi Nhật từ năm 2019, họ là những thực tập sinh đã trúng tuyển và đã hoàn thành chương trình đào tạo kiến thức cần thiết trước xuất cảnh.
Hôm nay VTV1 đã đưa tin về việc Nhật Bản dự kiến mở cửa trở lại cho người lao động Việt Nam được nhập cảnh vào Nhật kèm theo là các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch trước khi bắt đầu công việc tại Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, Nhật Bản đã tiếp nhận trên 19.000 người lao động Việt Nam vào làm việc.
Đối tượng được cấp visa là người Việt Nam lưu trú theo các tư cách: Kinh doanh, quản lý; thuyên chuyển công tác nội bộ; kỹ sư, trí thức, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng; lao động có trình độ cao; hoạt động đặc định (khởi nghiệp, thực tập sinh, hộ lý, điều dưỡng EPA, ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng EPA)… Thông tin đang chờ các cơ quan chức năng về xuất nhập cảnh Nhật Bản và Việt Nam công bố chính thức để các đơn vị doanh nghiệp và người lao động thực hiện.
Diễn biến gần đây, Nhật Bản đã dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn, tức là chỉ áp dụng tới hết ngày hôm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói: “Trong khi duy trì sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, chúng ta sẽ dần nới lỏng các hạn chế trong dịch vụ ăn uống. Từ bây giờ, cuộc chiến với COVID-19 sẽ bước sang một giai đoạn mới. Khi việc tiêm chủng tiến triển với tốc độ nhanh chóng, bằng cách kiểm soát các tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao, số người mắc bệnh đã giảm đáng kể”.
Nhà chức trách Nhật Bản nhấn mạnh, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, người dân vẫn phải nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được duy trì đều đặn. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất sẽ hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho tất cả những người đã đăng ký vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Nhật Bản sẽ sớm vươn lên dẫn đầu các nước phát triển về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên tổng dân số.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi chính phủ mở cửa biên giới cho người lao động và sinh viên nước ngoài:
Trong cuộc khảo sát gần đây với 300 công ty thành viên của Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Châu Âu tại Nhật Bản, 68% khẳng định biện pháp hạn chế nhập cảnh có tác động đáng kể đến khách hàng Nhật Bản của họ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh mới cùng các cuộc họp quản trị và kiểm toán. Ông Michael Mroczek, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Châu Âu tại Nhật Bản cho biết nếu các công ty cần tìm người thay thế tại địa phương, điều đó sẽ làm giảm tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là một trung tâm khu vực. |
Với những tín hiệu tích cực về công tác phòng chống COVID-19, các hoạt động kinh tế xã hội sẽ dần được bình thường hóa khi các biện pháp hạn chế sẽ được từng bước nới lỏng. Sau ngày 1/10, thời gian phục vụ của các cơ sở ăn uống sẽ được kéo dài đến 21 giờ, nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn như lắp đặt tấm chắn, cải thiện hệ thống thông gió.
Về đi lại, Chính phủ đang xem xét việc sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng và giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như một trong những điều kiện quan trọng để nới lỏng các quy định về đi lại, nhất là đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản.
@atk tổng hợp