Nhật Bản sẽ sản xuất robot rại Việt Nam

Nhật Bản: Trở lại VN sau hơn hai năm rưỡi, chủ tịch tập đoàn công nghệ cao Nidec (Nhật Bản) Shigenobu Nagamori tiếp tục mang theo một kế hoạch đầu tư “tỷ đô”. "Hiện chúng tôi đầu tư tại tất cả 30 nước trên thế giới. Chúng tôi đầu tư vào công nghệ cao và bây giờ là giai đoạn tiến tới một mức cao hơn nữa. Với chín nhà máy tại Việt Nam (VN) thì ngoài quy mô tại TP. HCM, chúng tôi còn mở rộng ra Hà Nội và gần đây là Bến Tre. 

Trên toàn thế giới hằng năm Nidec tăng lượng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Sau hai năm rưỡi, lần này tôi quay lại VN để khảo sát, xem xét kỹ mọi thứ cho một kế hoạch đầu tư lớn" – ông Nagmori cho biết.

 

Sản xuất linh kiện điện tử của Nidec tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

– Cụ thể kế hoạch đầu tư, phát triển của Nidec tại VN trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

– Tại TP. HCM nhu cầu thu hút đầu tư đã thay đổi so với trước. Ngày đầu tiên tôi vào TP.HCM yêu cầu đầu tư những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, nhưng bây giờ thành phố yêu cầu nâng cao tự động hóa, giảm bớt nhân lực thông qua thúc đẩy công nghệ cao lên. Và đây là xu hướng phát triển của Nidec trong thời gian tới. Cụ thể, nếu trước đây khâu nghiên cứu phát triển được thực hiện tại Nhật hay Mỹ rồi chuyển qua sản xuất tại nước thứ ba, nay chúng tôi sẽ mang quy trình nghiên cứu phát triển vào VN thay vì chỉ mở nhà xưởng như trước.

Ông Shigenobu Nagamori – Chủ tịch tập đoàn công nghệ cao Nidec.

Tại Singapore và Đài Loan chúng tôi đã triển khai như vậy, hay Thái Lan cũng đang chuyển mô hình từ doanh nghiệp sản xuất chuyển sang nghiên cứu sản xuất. Tại VN chúng tôi đã áp dụng điều này ở KCX Tân Thuận và ở Khu công nghệ cao TP. HCM thì đang triển khai. Tuy nhiên, việc này cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ VN về đào tạo nhân lực. Ngoài ra các vấn đề thủ tục, chính sách thuế cần có ưu đãi cho kế hoạch đó. Nếu Chính phủ VN không đáp ứng được thì rất khó để triển khai.

Mới đây, chúng tôi đã làm việc với TP.HCM về việc mở trung tâm nghiên cứu phát triển tại khu công nghệ cao. Và chúng tôi đã được thành phố ưu ái dành cho khu đất tại đây. Tiếp đến vào cuối tháng 3/2013 Nidec Tosok sẽ tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 100 triệu USD. Thời gian tới Nidec sẽ đầu tư vào công nghệ cao như sản xuất linh kiện xe hơi, công nghệ sản xuất robot… đây là lĩnh vực công nghệ cao thật sự và không phải dễ dàng mang công nghệ vào. Dự định này nằm trong tầm chiến lược 10 năm, mà cụ thể từ nay đến năm 2015 chúng tôi có thể mở rộng đầu tư với số vốn 1,5-2 tỷ USD.

– Vậy điều ông cần cho kế hoạch này đối với nguồn nhân lực, môi trường đầu tư là gì?

– Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhân lực làm sao để tuyển những sinh viên giỏi ở các trường đại học hàng đầu của VN đưa sang Nhật đào tạo rồi đưa về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các nhà máy sản xuất công nghệ cao này.

Mặt khác, vấn đề chúng tôi quan tâm là nếu đầu tư vào lĩnh vực đó thì ưu đãi mà Chính phủ VN dành cho chúng tôi là gì? Điều thứ hai là sự ủng hộ của Chính phủ VN. Như tôi nói, đây là kế hoạch dài hơi cả 10 năm trời nên phải có sự chuẩn bị lớn về nhân lực, vật lực rất kỹ lưỡng.

– Tháng 3/2007, khi ông đến VN để mở hai nhà máy tại TP. HCM, ông cho biết thủ tục hành chính khi đó còn rườm rà làm mệt nhà đầu tư. Nay trở lại VN ông thấy vấn đề này được cải thiện ra sao?

– Thật sự là đỡ hơn một chút xíu! Hiện nay nhiều thủ tục cấp phép vẫn còn rất mất thời gian. Và vấn đề quan trọng nhất mà tôi thấy là hiện nay VN không nhận ra được đâu là những ngành nghề, lĩnh vực mình cần để kêu gọi đầu tư. Nhìn vào VN tôi không rõ Chính phủ VN muốn kêu gọi đầu tư là kêu gọi cái gì? Cho nên VN cần xác định được đâu là hướng đi công nghiệp sắp tới, chứ để lâu dài không được vì GDP, thu nhập bình quân trên đầu người ngày càng tăng. Nếu chúng ta không xác định được điều này mà chỉ chăm chăm vào tăng vốn đầu tư thì sẽ sớm thất bại. Thái Lan và Philippines rất rõ ràng khi họ xác định những ngành nghề nào để thu hút, từ đó ưu đãi gì cho những ngành nghề đó để nhà đầu tư gắn bó lâu dài với quốc gia họ.

Thêm nữa là cần ổn định những chính sách về lương bổng, phí. Nhiều nhà đầu tưrời Trung Quốc vì lương nâng lên cao hơn, và đây thật sự cũng là một yếu tố cạnh tranh của VN trong thu hút đầu tư.

– Sau những dự án đầu tư của Tập đoàn Nidec vào VN, phía các doanh nghiệp VN tham gia được gì trong chuỗi sản xuất phát triển của tập đoàn, thưa ông?

– Hiện nay những sản phẩm chúng tôi sản xuất thì trong chuỗi sản xuất VN cũng có tham gia, tuy nhiên mức độ còn rất ít ỏi. Số lượng công ty vệ tinh VN cho lĩnh vực này vẫn không đáng kể, còn yếu chỉ có khoảng 20%, thời gian tới phải nâng lên 50% sự tham gia của VN trong chuỗi sản xuất. Và chiến lược sắp tới của chúng tôi cũng hướng đến cái gì sản xuất được tại VN sẽ sản xuất và lâu dài hướng tới làm sao tại VN sản xuất được tất cả phụ kiện để đi đến một sản phẩm hoàn chỉnh…

Tôi nhấn mạnh, công nghiệp phụ trợ của VN không có nên các linh phụ kiện chúng tôi phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan sang. Sắp tới phải làm sao xây dựng chuỗi linh phụ kiện cung cấp vật liệu tại chỗ để thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Và công nghiệp phụ trợ cũng là yếu tố quan trọng để chúng tôi xem xét việc mở rộng đầu tưtại VN…

 

Đầu tư 800 triệu USD vào VN

Đại diện công ty Nidec VN cho biết tính đến nay tập đoàn Nidec có chín công ty đang hoạt động tại VN, với tổng số vốn đầu tư hơn 800 triệu USD. Các công ty này chuyên sản xuất các loại môtơ chính xác cao như môtơ rung điện thoại, môtơ bước, môtơ ổ đĩa DVD, linh kiện hộp số cho xe hơi, linh kiện cho máy chụp ảnh… với doanh thu 800 triệu USD mỗi năm. Các công ty này đang sử dụng hơn 20.000 nhân công người Việt. Trong đó, riêng Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) có năm công ty gồm NidecSankyoVN, Nidec VN Corporation, Nidec Servo VN, Nidec Copal VN và Nidec Seimitsu VN Corporation. Còn tại KCX Tân Thuận có ba nhà máy.

Nguồn: Zing

web Nhật Bản tổng hợp