Lý do doanh nghiệp Nhật không muốn chuyển nhà máy về nước

Dư luận Nhật vẫn còn chưa quên thời hoàng kim của đất nước mặt trời mọc với tư cách là một công xưởng sản xuất…

Những bài viết lạc quan đăng trên báo chí Nhật gần đây và đồng Yên giảm giá đang làm dấy lên hy vọng các công ty Nhật sẽ chuyển nhà máy từ nước ngoài về nước. 

Tuy vậy, hãng tin CNBC dẫn lời các chuyên gia nói rằng khó có chuyện sớm có sự gia tăng của hàng hóa dán nhãn “made in Japan” (“sản xuất tại Nhật Bản”).
 
“Tốc độ sản xuất ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật có thể chậm lại đôi chút lại nếu đồng Yên tiếp tục giảm giá nhưng không thể giảm mạnh, trừ phi có thay đổi dài hạn trong xu thế suy giảm vị thế của Nhật trong nền kinh tế toàn cầu”, ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo hôm 2/4.
 
Thời gian gần đây, báo chí Nhật đề cập tới việc các công ty như hãng điện tử Panasonic và nhà sản xuất máy lạnh Daikin chuyển một phần sản xuất về nước. Những bài viết này đã thu hút sự chú ý trong dư luận Nhật vẫn còn chưa quên thời hoàng kim của đất nước mặt trời mọc với tư cách là một công xưởng sản xuất.
 
“Nhưng nhiều công ty vẫn gắn bó với mô hình sản xuất trong nước chỉ để tiêu thụ trong nước. Hoạt động đưa sản xuất ra nước ngoài của các công ty Nhật có thể chững lại, nhưng không thể bị đảo ngược”, ngân hàng Nomura nhận định trong một báo cáo hôm 31/3.
 
Từ thập niên 1980, các công ty Nhật bắt đầu chuyển nhà máy ra nước ngoài và xu hướng này ngày càng tăng tốc. 
 
Theo ước tính của Nomura dựa trên số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, vào cuối thập niên 1980, chưa đầy 5% công ty Nhật sản xuất sản phẩm ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến tài khóa 2013, tỷ lệ này đã lên tới mức 21,6%. Theo dự kiến, số công ty sản xuất của Nhật có nhà máy ở nước ngoài sẽ chiếm 25,5% vào tài khóa 2018.
 
Báo chí Nhật tin rằng, đồng Yên yếu sẽ là một trong những lý do chính thúc đẩy các công ty trong nước chuyển sản xuất về “sân nhà”. Tuy vậy, cuộc thăm dò do Văn phòng Nội các Nhật lại cho thấy điều ngược lại. Hơn 50% số doanh nghiệp sản xuất Nhật được khảo sát ý kiến nói họ chuyển sản xuất ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của thị trường sở tại.
 
Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu là điều mà dân số đang già hóa và giảm của Nhật không thể mang lại.
 
“Các công ty Nhật cùng có chung quan điểm là tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế nước này đang giảm dần và tốc độ tăng trưởng thực tế sẽ còn yếu trong trung và dài hạn cho tỷ lệ sinh thấp, dân số lão hóa và các yếu tố mang tính cơ cấu”, Goldman Sachs viết trong một báo cáo.
 
Theo các nhà phân tích, nếu các công ty Nhật về nước mở nhà máy vào thời điểm hiện nay chỉ vì đồng Yên yếu, thì đó sẽ là sự đầu tư lãng phí.
 
Tỷ giá đồng Yên hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với mức vào đầu thập niên 2000 khi “các nhà xuất khẩu, nhất là trong ngành điện tử, tích cực đầu tư vào các dây chuyền lắp ráp để rồi thua lỗ” – chuyên gia kinh tế trưởng Ryutaro Kono của ngân hàng BNP Paribas đánh giá.
 
“Rủi ro [khi chuyển nhà máy từ nước ngoài về Nhật Bản] là không chỉ đảo ngược quá trình điều chỉnh của tình trạng dư thừa nguồn cung vốn đã đeo đẳng ngành điện tử Nhật suốt nhiều năm, mà còn đồng nghĩa với việc áp dụng mô hình kinh doanh chỉ khả thi với tỷ giá đồng Yên siêu rẻ như hồi năm 1973”, ông Kono viết.
 
Vào tháng 1/1973, phải 300 Yên mới đổi được 1 USD. Sáng ngày 7/4 tại Tokyo, gần 120 Yên tương đương 1 USD.
 
Theo: vneconomy.vn