FPT Software – một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam vừa công bố chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối (BrigdeSE), dự án đưa các bạn trẻ đến Nhật tập huấn. Trong số báo mới ra, Nikkei nhận định chương trình này đặc biệt quan trọng, có thể trở thành cầu nối giữa 2 quốc gia và đặc biệt đáng chú ý khi lâu nay Trung Quốc là thị trường outsourcing lớn nhất cho Nhật Bản.
Chương trình đào tạo mới 10.000 kỹ sư của FPT Software đang gây chú ý trong giới công nghệ thông tin Nhật Bản và được tờ Nikkei ví như sự kết nối phát triển giữa hai đất nước.
BrigdeSE là những kỹ sư phần mềm am hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật. Họ giữ vai trò tìm hiểu yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật, mang những thông tin đó về Việt Nam và truyền đạt cho những kỹ sư không biết tiếng và quản lý tiến trình phát triển phần mềm. Hiện tại, hầu hết các kỹ sư đều không hiểu tiếng Nhật, nên để nhận được thêm nhiều công việc từ phía đối tác Nhật thì BrigdeSE đóng vai trò không thể thiếu.
Kế hoạch của FPT Software là đào tạo được 10.000 BridgeSE cho đến năm 2018 thay vì con số 700 kỹ sư phần mềm hiện nay.
"Nếu thực hiện được, chương trình có thể được ví với một cơn mưa tưới mát ngành IT của Nhật vốn đang hạn hán, thiếu người tài phục vụ cho việc tích hợp hệ thống quy mô lớn mã số thuế và an sinh xã hội chung của các cơ quan tài chính", Nikkei cho biết. Về phía FPT Software, công ty có thể nhận được từ phía Nhật Bản công việc dành cho 150.000 kỹ sư nếu đào tạo 10.000 BridgeSE.
Trong số 10.000 người này sẽ có một nửa học tại Việt Nam, nửa còn lại sẽ đến Nhật và tham gia chương trình học khoảng 7 tháng của trường đào tạo ngôn ngữ. Đối tác liên kết đầu tiên của FPT Software là Học viện Ngôn ngữ Meros (Tokyo, Teshima). FPT sẽ gửi dần nhân viên sang học viện, tháng 4 năm sau là 50 người, tháng 7 là 200 người và tháng 11 là 250 người du học Nhật Bản.
Chủ tịch tập đoàn FPT trên báo Nhật Bản
"Chúng tôi làm như vậy vì muốn đẩy nhanh tốc độ học tập nhờ môi trường sống và giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Nhật", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình Bình nói. FPT Software là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT.
Giám đốc Học viện Ngôn ngữ Meros – bà Junko Kagawa cũng mong muốn học viên “học được cả quy tắc kinh doanh và văn hóa Nhật Bản”. Học viện hướng tới mục tiêu đào tạo các bạn học viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức phong phú và trình độ tiếng Nhật đạt mức “N2” của kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Còn lại 5.000 người theo học khóa tiếng Nhật ở Việt Nam sẽ tích lũy kinh nghiệm và tu nghiệp thông qua kinh nghiệm thực tế tại các công ty Nhật sau khi trở thành BridgeSE.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hướng tới mục tiêu là “tăng cường năng lực của toàn bộ ngành IT tại Việt Nam”. Để làm được như vậy thì không chỉ FPT mà các công ty khác cũng có thể tham gia vào “kế hoạch 10.000 người” này. Theo ông, đây là cơ hội rất lớn để thực hiện mơ ước đối với các bạn trẻ có mong muốn sau khi học tốt tiếng Nhật có thể vào làm việc tại các công ty IT của Nhật Bản.
Toàn bộ chi phí sinh hoạt bao gồm phí tạm trú tương đương 1,7 triệu Yen (14.400 USD) sẽ do người tham gia chương trình tự chi trả. FPT liên kết với ngân hàng tại Việt Nam để cho vay tiền học phí và đóng vai trò là người bảo lãnh. Số tiền 1,7 triệu Yen tương đương lương kỹ sư cầu nối làm việc công ty IT của Việt Nam trong 1-2 năm.
Trong tương lai, nếu các học viên có thể tìm được công việc tại Nhật thì cũng không nhất thiết phải trả lại toàn bộ số tiền, FPT cho biết. Công ty sẽ thiết lập cơ chế công ty chi trả chi phí cho các nhân viên sau khi làm rõ điều kiện nhất định.
Đại diện FPT chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng
Ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng kế hoạch này “nối kết sự phát triển ở cả nước Việt Nam – Nhật Bản”, và thay mặt chính phủ Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này. Với vũ khí là ưu thế cạnh tranh về giá, sẽ đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên điện thoại và đưa công nghệ cloud vào áp dụng.
Hiện nay quốc gia lớn nhất thực hiện gia công phần mềm (outsourcing) cho Nhật Bản là Trung Quốc. Hợp tác này trong những năm gần đây đang chững lại một phần do chi phí nhân lực tăng đột ngột. Trong khi đó, điểm hấp dẫn của các doanh nghiệp Việt Nam chính là ở mức giá rất cạnh tranh.
Mức lương của một kỹ sư ở Nhật vào khoảng 200.000 – 300.000 yen (1.700 – 2.500 USD) mỗi tháng thì ở Việt Nam chỉ bằng 20-40%. Nếu xem xét về mặt quản lý chất lượng sản phẩm, chi phí cũng rẻ hơn khoảng 40 – 60% so với nội địa Nhật, 30 – 40% so với Trung Quốc.
"Vấn đề chỉ là ở tiếng Nhật. So với quốc gia có nền văn hóa chữ Hán là Trung Quốc thì Việt Nam có vị thế hơi bất lợi, nhưng điểm yếu đó được kỳ vọng khắc phục thông qua chương trình đào tạo 10.000 BrigdeSE", Nikkei nhận xét.
ATK tổng hợp