Cuộc sống những người Triều tiên ở Nhật Bản

Những thế hệ người Triều Tiên sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản vẫn luôn đấu tranh với sự phân biệt đối xử ở nơi “đất khách quê người” để giữ vững bản sắc và những giá trị cốt lõi do cha ông để lại từ nhiều năm nay. 

Học sinh kéo cờ Triều Tiên tại trường phổ thông Tokyo Triều Tiên ở Tokyo (Ảnh: AP)
Học sinh kéo cờ Triều Tiên tại trường phổ thông Tokyo Triều Tiên ở Tokyo (Ảnh: AP)

Theo quan sát của phóng viên AP, các học sinh Triều Tiên xếp thành từng hàng trên sân trường ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, cầm trên tay các băng rôn màu đỏ, trắng và xanh để xếp thành hình quốc kỳ Triều Tiên. Trong khi đó, ban nhạc của trường chơi một bản nhạc xúc động với nội dung về “Tổ quốc” Triều Tiên.

Đây là các hậu duệ đời thứ 3 và thứ 4 của thế hệ công dân Triều Tiên từng bị buộc phải rời xa quê hương để tới làm việc trong các hầm mỏ và nhà máy trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho tới khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945.

Mặc dù nhiều học sinh có gốc Triều Tiên đã trở thành các công dân Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, song gia đình của các em vẫn luôn giữ vững lòng trung thành với quê hương. Họ đã tìm cách gửi con em của mình theo học tại một trong số 60 trường công lập có tư tưởng ủng hộ Triều Tiên. Tại đây, các học sinh sẽ được dạy về văn hóa và lịch sử của Triều Tiên.

Ngoài các trường công, một số ngôi trường do thế hệ người Triều Tiên đầu tiên tại Nhật Bản thành lập hiện hoạt động theo hình thức tư nhân và sử dụng nguồn tài chính từ học phí và các khoản quyên góp. Các học sinh đang theo học và cả những người đã tốt nghiệp từ các trường tư nhân đã tham gia vào các cuộc chiến pháp lý để giúp những ngôi trường này được công nhận là trường công, từ đó có thể nhận được ngân sách hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản.

Màn hình lớn chiếu bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trên đường phố Tokyo (Ảnh: EPA)

Triều Tiên gần đây liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, trong đó có 2 tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, không chỉ những học sinh đang theo học mà cả những người đã tốt nghiệp tại các trường ở Nhật Bản đều bày tỏ niềm tự hào khi là một thành viên trong cộng đồng người Triều Tiên. Họ xem cộng đồng này như một “nơi nương tựa” cho chính mình khi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại Nhật Bản.

Tại các ngôi trường nơi học sinh Triều Tiên theo học tại Nhật Bản, chân dung của hai cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il được treo trên các bức tường trong phòng học. Các học sinh được dạy bằng tiếng Triều Tiên, còn tiếng Nhật Bản và tiếng Anh được coi là ngoại ngữ. Quán ăn trong trường phục vụ kimchi cho bữa trưa. Hiện có khoảng 450.000 người gốc Triều Tiên sống tại Nhật Bản và có vài nghìn học sinh theo học tại các trường ở nước này.

“Chúng cháu làm mọi việc cùng nhau. Chúng cháu giúp đỡ lẫn nhau”, Ha Yong-na, 16 tuổi, cho biết khi đang tập điệu múa Triều Tiên với một người bạn cùng lớp.

Ha và các bạn cùng lớp của cô cho biết họ cùng nhau chia sẻ tình bạn và những di sản chung về đất nước Triều Tiên. Họ cũng cảm thấy hạnh phúc khi không phải lo lắng về việc bị chế giễu do không phải là người Nhật Bản.

“Chúng tôi muốn những học sinh tốt nghiệp từ ngôi trường của chúng tôi có thể cảm thấy tự hào, với tư cách là những người Triều Tiên, khi họ hòa nhập vào xã hội Nhật Bản cũng như vươn ra thế giới. Họ có thể tự tin thể hiện chính bản thân mình”, Kim Seng-fa, một cựu học sinh, giáo viên và hiện là giám đốc phụ trách học thuật tại ngôi trường có tuổi đời 70 năm ở Nhật Bản.

Sống chung với người Nhật Bản

Người biểu tình phản đối các quy định ưu tiên dành cho người gốc Triều Tiên tại Nhật Bản trên đường phố Tokyo (Ảnh: AP)

Tại Mỹ, một người sinh ra tại trên lãnh thổ Mỹ sẽ hiển nhiên trở thành công dân Mỹ. Trong khi đó tại Nhật Bản, những người nhập cư phải trải qua các quy trình nhất định theo quy định của chính phủ trước khi được mang quốc tịch Nhật Bản. Một số người nước ngoài than phiền rằng quy trình xin trở thành công dân Nhật Bản đã khiến họ phải từ bỏ lòng trung thành với các giá trị văn hóa gốc của họ.

Để tránh những vấn đề phiền toái, nhiều người Triều Tiên đã lấy tên Nhật Bản và tìm cách hòa mình vào cuộc sống của người Nhật. Tuy nhiên, cũng có những người không làm như vậy, trong đó Myoung-joo Boo. Nam diễn viên 45 tuổi này vẫn muốn bảo tồn những giá trị cốt lỗi trong nguồn gốc Triều Tiên của mình.

“Nếu ai đó không thích người Triều Tiên, họ không cần phải đến gần tôi. Và tôi sẽ sống cùng với những người không quan tâm tới việc thích hay không thích người Triều Tiên. Tại Mỹ, những người buộc phải đến nước này do các vấn đề lịch sử sẽ xem họ như một công dân Mỹ. Còn đối với những người Triều Tiên như tôi, dù tôi sinh ra ở Nhật Bản, nhưng tôi vẫn xem mình là người Triều Tiên”, Myoung-joo Boo cho biết.

Trước đây, người lao động Triều Tiên thường bị các nhà tuyển dụng tại Nhật Bản từ chối. Tuy nhiên, thực trạng này đã thay đổi, một phần vì các công ty Nhật Bản đang ngày càng trở nên “toàn cầu hóa” hơn, do vậy cơ hội việc làm dành cho các ứng viên đa quốc gia cũng tăng lên.

Mặc dù vậy, các nhóm cực đoan tại Nhật Bản thỉnh thoảng vẫn tập trung trên một số tuyến đường ở Tokyo, vẫy cờ của chủ nghĩa quân phiệt và hô khẩu hiệu phản đối Triều Tiên. Tại Nhật Bản, những bài viết mang tư tưởng thù ghét Triều Tiên vẫn tràn lan trên mạng và thường nhắm đến những người có gốc Triều Tiên. Học sinh tại các trường Triều Tiên đôi lúc vẫn bị quấy rầy trên các phương tiện công cộng và quần áo của họ vẫn bị người nào đó dùng dao rạch.

Hwaji Shin, giáo sư xã hội học tại Đại học San Franciso và là thành viên thuộc thế hệ người Triều Tiên thứ 3 tại Nhật Bản, tin rằng tình trạng quấy rối nhằm vào người gốc Triều Tiên ngày càng diễn biến xấu đi, trở nên có hệ thống hơn và đáng báo động hơn, đặc biệt trong bối cảnh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Nguồn: Dân trí