Furin – Âm thanh dịu êm từ xứ Phù Tang

Một âm thanh rất quen thuộc với người dân Nhật Bản từ ngàn đời nay là tiếng chuông gió vào một sớm tinh sương.Lật lại những trang tranh truyện Doremon, chúng mình rất dễ nhận ra những chiếc chuông gió luôn hiện hữu trong nhà của Nobita và các bạn. Tác giả Fujiko đã quá khéo trong việc lồng ghép văn hóa Nhật Bản qua từng trang vẽ. Vậy chiếc chuông gió ấy đóng vai trò như thế nào đối với người dân Nhật Bản? 

 

 
Nguồn gốc lịch sử
 
Chuông gió có nguồn gốc từ Ấn Độ. Vào thế kỉ thứ 6, những chiếc chuông này được sử dụng rộng rãi tại các chùa chiền ở nơi đây. Sau này, chuông gió du nhập vào Trung Quốc. Tại Nhật Bản, chuông gió xuất hiện từ thời Edo và có tên gọi là Furin. Chuông gió còn được coi là biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Á châu và được dùng trong phong thủy như một thứ bùa cầu may.
 
 
Theo phong thủy, chuông gió có khả năng đem lại cho người dùng tình yêu, may mắn và hạnh phúc
 
Thời Edo (1603 – 1867), những người bán rong để Furin ở trong những bao hàng vác trên vai đã khởi đầu cho sự lan truyền phong tục này trên khắp nước Nhật, thêm vào mùa hè Nhật Bản một nét quyến rũ đầy mê hoặc. Chiếc chuông furin của thời kỳ Edo – gọi là Edo-Furin, được trang trí bằng họa tiết sơn đã trở thành đại diện cho chuông gió Nhật hiện đại.
 
 
 
Những âm thanh vui tai
 
Tiếng chuông gió là một trong những âm thanh người Nhật rất yêu thích. Furin chủ yếu làm bằng thủy tinh, kim loại hay gốm, và khi được treo lên, gặp gió, trái cầu nhỏ xíu lủng lẳng bên trong thân chuông va chạm vào thành chuông, tạo nên những âm thanh dễ chịu.
 
 
 
Những chiếc Furin thủy tinh xinh xắn.
 
 
Furin kim loại có vẻ mạnh mẽ, thô ráp mà cũng rất tinh tế.
 
 
Có cả Furin bằng tre nữa này.
 
 
Âm thanh mềm mại du dương của những chiếc Furin giúp nâng đỡ tinh thần và xoa dịu tâm hồn con người.
 
Ở Nhật, Furin truyền thống được treo ở bên trong nhà, gần cửa sổ, hoặc ở phía ngoài, dưới mái hiên. Để đón gió và nâng cao tiếng rung tuyệt đẹp đó, mỗi chiếc Furin có một mảnh giấy cứng treo bên dưới.
 
 
Một chiếc chuông treo đầu gió.
 
Khi tặng Furin làm quà, người ta thường viết lên trên mảnh giấy, thật ngắn gọn, xúc tích, những lời nhắn, lời chúc đến người nhận. Chính chiếc chuông gió đã là đóng vai trò là một lời chúc rất ý nghĩa rồi!
 
 
Những chiếc Furin treo trong chùa với rất nhiều lời chúc ghi trên mảnh giấy bên dưới
 
…Và trở thành một biểu tượng cho nền văn hóa của đất nước Phù Tang
 
Khi nghe tiếng Furin, ngắm chiếc Furin nhẹ nhàng đung đưa trong làn gió thoảng, cảm giác ấy đến với ta nhẹ nhàng, thoải mái rất riêng, và khó miêu tả nổi. Những chiếc chuông mang hình động vật, vẫn thường gây cảm hứng cho các nghệ nhân khi sáng tác hình dạng của Furin và tạo ra một mối tương quan mạnh mẽ với môi trường tự nhiên.
 
 
 
Chết mê những chiếc Furin thế này mất!
 
Ngày nay, Furin không còn được chào đón như vậy bởi quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh tại Nhật. Tuy nhiên, âm thanh đặc biệt, không thể nhầm lẫn của những chiếc chuông vẫn luôn tượng trưng cho mùa hè cũng như báo hiệu một cơn gió nhẹ trong mùa oi nóng.
 
 
Để gìn giữ và quảng bá hình ảnh của những chiếc Furin tinh tế, một hội chợ thường niên về Furin đã được mở ra tại đền thờ Kawasaki Daishi vào ngày 20-7. Hội chợ thu hút số lượng khách du lịch rất lớn, trở thành hội chợ có số lượng du khách đông thứ 2 tại Nhật bản. Ước tính, có đến 25.000 chiếc Furin được bày bán ở đây cơ đấy!
 
 
Hình ảnh những chiếc Furin sặc sỡ tại buổi lễ.
 
Thời gian gần đây, tại Nhật Bản phát triển một loại hình âm nhạc mới, sử dụng Furin làm nhạc cụ chính. Đây là một cách rất hay để gìn giữ biểu tượng cổ truyền này của đất nước Mặt trời mọc.
 
 
Dàn nhạc Furin.
 
Hanh Nguyen Tổng hợp