Giáo dục dạy nghề ở Nhật Bản

Giáo dục dạy nghề ở Nhật Bản: Chìa khóa đi vào hiện đại hóa Kinh nghiệm đào tạo kỹ thuật ở cấp giáo dục phổ cập Phải chăng giáo dục là sản phẩm như bất cứ một sản phẩm nào đó trên thị trường, do đó việc cung cấp tùy thuộc vào cung cầu trên thị trường?

 

 Đây là vấn đề đang được bàn cãi ở Việt Nam. Những quan điểm bày tỏ trên báo chí hiện nay hầu hết là phát biểu ý kiến chủ quan cá nhân, hoặc mới chỉ dựa vào kinh nghiệm của các nước nhưng chưa dựa vào cơ sở lý thuyết kinh tế.

 A.  Bắt đầu từ Minh Trị Duy Tân…

Từ khi chiến hạm của Mỹ do đô đốc Commodore Perry dẫn đầu kéo đến cảng Uraga thuộc Edo (Tokyo) gây sức ép,  Nhật bản buộc phải mở cửa, bãi bỏ chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài suốt 200 năm để giao thương. Ngày 31/3/1854 sau kí kết hoà ước với Mỹ, lịch sử nước Nhật đã chuyển sang một thời kỳ mới, đó là công cuộc cải cách Minh trị Duy Tân bắt đầu vào năm 1868 sau khi Thiên hoàng Komei (Mutsuhito) thâu tóm quyền lực nội trị về một mối. Với tư duy mới để cải cách toàn diện chính trị, xã hội, giáo dục… chính quyền Minh Trị ra sức “hiện đại hóa” đất nước theo tư tưởng “thoát á nhập âu”—cách hội nhập vào trào lưu của giới thống trị– trong đó tổ chức lại xã hội, cải cách nền giáo dục khoa bảng từ chương theo lối Khổng-Mạnh sang nền giáo dục tiên tiến lấy kinh nghiệm của Hoa kỳ và các nước phát triển Châu âu (Đức, Pháp, Hòa Lan…) để xây dựng một mô hình giáo dục quốc gia phù hợp với chủ trương “Khai hoá văn minh” (Bunmei Kaika): 

Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây. Nhưng liệu chúng ta có thể chống đỡ được không, còn nếu không, tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy. Nếu quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không tài nào kháng cự lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh này. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi trên mặt biển, cùng nhau tạo ra một làn sóng, ra sức xây dựng và hưởng thụ những thành quả của nền văn minh ấy?” (Thoát Á Luận, 16/3/1885—Fukuzawa Yukichi)

Đến nay, Nhật Bản đã trải qua 2 lần cải cách giáo dục một cách qui mô, chịu ảnh hưởng rất lớn của Mỹ (cố vấn nổi tiếng là hai ông David Muray và Marrion Mc Carell Scott thời Minh Trị Duy Tân và đoàn tham vấn về giáo dục của chính phủ Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai) trong các chính sách và biện pháp cải cách cụ thể.

Chỉ 4 năm kể từ khi nắm quyền bính(1868), thống nhất đất nước, kết thúc nạn cát cứ phiên bang, năm 1872 Minh Trị thiên hoàng đã áp dụng chính sách “hiện đại hóa” chế độ giáo dục và chính sự thành công của việc cải cách nầy đã tạo ra tiền đề to lớn để cải cách toàn xã hội, hay nói khác đi Minh Trị đã dùng Giáo dục để nâng cao dân trí thông qua việc hoàn thiện hệ thống giáo dục mới, trong đó chủ yếu phổ cập hoá cấp tiểu học trên toàn lãnh thổ đồng thời từng bước xây dựng giáo dục cấp 2 (trung học cơ sở) và 3 (trung học phổ thông) nhưng trọng tâm là ưu tiên tổ chức trường chuyên tu, dạy nghề cho thanh thiếu niên và  trung cấp chuyên nghiệp một cách có hiệu quả (xem bảng thống kê về số trường và các loại trường từ năm 1873-1962), lấy đó làm đòn bẩy để xây dựng một xã hội “phương tây kiểu Nhật Bản” mới, phù hợp với xu thế phát triển và trong lúc các cường quốc đang tranh nhau cấu xé Trung Hoa.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản được sửa đổi liên tục nhằm thực hiện hai ưu tiên là cưỡng bách giáo dục nhằm phổ cập hóa hệ thống giáo dục tiểu học (năm 1920 đạt 99% phổ cập tiểu học) và lập các loại trường dạy nghề cho thanh niên đồng thời tổ chức đào tạo qua các khoá chuyên tu (nông, công, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, dệt…) ở cấp trung học cơ sở. Hai ưu tiên này đã tạo ra những bước đi rất cơ bản trong việc hình thành lực lượng công nhân là người gánh vác kế hoạch phát triển chắc chắn cho việc “hiện đại hoá” (tiếng Nhật sử dụng thuật ngữ “Cận đại hoá”) nền kinh tế và xã hội trong suốt một thế kỷ. “Đây cũng là tiền đề của hệ thống giáo dục ngày nay, một hệ thống mà những nhân tố cấu thành đều được đặt đúng vị trí của nó một cách minh bạch”[1] trong đó vai trò cơ bản của lao động có kỹ năng và kỷ luật đã được xác lập trong suốt quá trình công nghiệp hoá.

Mặt khác chủ trương phát triển giáo dục cấp cao làm đầu tàu cũng đã được quan tâm,và hình thành rất sớm: đó là hệ thống đại học và sau đại học với các “Trường Chuyên Môn”(không kể loại trường Cao đẳng Chuyên môndành cho học sinh học hết cấp 2)[2] trong đó những đóng góp hữu hiệu của các chuyên gia từ các nước tiên tiến được đánh giá rất cao, giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược “hiện đại hoá” nền giáo dục nói chung và công cuộc cách mạng kỹ nghệ nói riêng của Minh Trị Duy Tân.

Chính quyền Minh Trị quan tâm xây dựng từng bước hệ thống giáo dục đại học bắt đầu từ 6 trường đại học “hoàng gia” công lập, lần lượt được thành lập từ năm 1877, trên cả nước (Tokyo, Kyoto, Kyushu, Tohoku, Hokkaido, Ôsaka) và cho phép thành lập đại học tư thục (Waseda, Keio, Doshisha…) từ các “trường chuyên môn” (dạy nghề) khi bước vào thế kỷ 20. Nói tóm lại, trước nguy cơ đe doạ bị các cường quốc phương tây “thuộc địa hóa” vào hậu bán thế kỷ 19, biện pháp “thông minh” của Minh Trị Thiên hoàng là chọn con đường “hội nhập” để ứng phó, tách mình ra khỏi ảnh hưởng cũng như số phận như Trung Quốc và Triều Tiên, cướp thời cơ mở cửa với các  liệt cường phương tây để nhanh chóng  đưa Nhật bản phát triển thành một cường quốc ngang ngửa trên vũ đài quốc tế như chúng ta đã thấy qua hai cuộc chiến tranh Nhật – Thanh (1894) và chiến tranh Nhật – Nga (1905) trong chiến lược “Phú quốc Cường binh” kéo dài cho đến hai trận thế chiến I(1914-1918) và II (1939-1945) bùng nổ sau nầy!

Với tư tưởng và chủ trương đầy tham vọng nêu trên, ngay từ đầu Nhà nước Minh Trị đã “quản lý” chặt chẽ, theo sát mọi chính sách và biện pháp cải cách giáo dục (với mục đích nhanh chóng sản sinh ra một lớp công nhân có tay nghề thích hợp và cần thiết cho phát triển với một tinh thần “trách nhiệm” trong thái độ lao động triệt để mà chúng ta đã thấy qua những thành công to lớn và cơ bản trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trong sản xuất sau này) đưa Nhật Bản từ vị trí một nước nông nghiệp, lạc hậu về kỹ thuật từ cuối thế kỷ 19 sang  thành một nước có nền công nghiệp phát triển rực rỡ từ những năm 60 của thế kỷ trước mặc dù là kẻ bại trận liên tiếp trong hai cuộc chiến tranh thế giới, phải tháo bỏ chế độ quân phiệt và trả lại những “tô giới” ở Triều Tiên, Trung quốc, Đài loan và căn cứ quân sự và chế độ thực dân tại các nước Đông nam Á.

Có người cho rằng hệ thống giáo dục của Nhật Bản thời Minh Trị mô phỏng theo hệ thống quản lý giáo dục của Pháp khi thiết lập “Trường Chuyên Môn” (như là những Grandes Ecoles ở Pháp) tiền thân của hệ thống đại học sau này. Nhưng khi xét về phần “Tư thục” thì có ý kiến mạnh mẽ kết luận rằng Nhật bản chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ khi nhìn vào sự thành công rực rỡ của quá trình hình thành hệ thống Trường tư thục qua mô hình “Lan học” (1858) đầu tiên theo giáo dục phương tây (người Nhật gọi là “Lan học”  tức học theo Hoà Lan thay vì gọi là Tây học như ở VN) sau này phát triển thành Đại Học Keio (1920) do  Fukuzawa Yukichi (1835-1901), một nhà tư tưởng và giáo dục nổi tiếng khởi xướng và sáng lập với sự hợp tác chặt chẽ của Hoa Kỳ.

Thực tế cho thấy vào cuối hậu bán thế kỷ 19 đã có nhiều đoàn chuyên gia cấp cao của Nhật Bản, tổng cộng 48 người ( đặc biệt là Iwakura Tomomi , đại sứ từng làm việc ở Mỹ 1860, Châu Âu lần 1 vào năm 1862 và lần 2 vào năm 1863) lặn lội đi các nước từ Mỹ sang Châu Âu từ tháng 12/1871 đến tháng 9/1872 để tìm kiếm phương cách đổi mới qua việc học tập kinh nghiệm của Mỹ về y khoa, luật (tuy có phần lạc hậu so với Châu âu), kỹ thuật quân sự; sang Châu âu để học công nghiệp và giáo dục kỹ thuật của nước Anh, y tế của Hòa Lan, tổ chức chính quyền theo kiểu Đức… Trong số nầy có người đã trở thành thủ tướng, bộ trưởng quan trọng sau nầy của chính quyền Minh trị như Ito Hirobumi, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi… cho nên kết luận rằng Nhật Bản hấp thu kinh nghiệm của nhiều nước Âu-Mỹ để xây dựng cho mình một chế độ giáo dục hiện đại là điều không thể chối cãi (Wataru Hasegawa–tlđd). Tuy nhiên cũng phải khách quan thừa nhận rằng Nhật bản đã dần dà hình thành một nền giáo dục tiên tiến cho bản thân mình trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống kết hợp với những tư tưởng tiên tiến của nước ngoài thời bấy giờ một cách hiệu quả, trong đó vai trò lãnh đạo tuyệt đối và cương quyết của chính quyền Minh Trị đã trở thành nhân tố quyết định dẫn đến thành công trong công cuộc cải cách. Vì vậy hai chữ “thoát Á” của Fukuzawa Yukichi hàm ý nghĩa là Nhật bản phải rời bỏ tư tưởng hủ lậu và lỗi thời của triết học phương đông, mặc cho mình chiếc áo mới tây phương phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng kỹ nghệ, rằng “chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể  đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á” (Fukuzawa Yukichi), mà vẫn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tôn thờ nhà vua, lễ giáo phong kiến… thể hiện qua cách ứng phó nhạy bén và mềm dẻo của người Nhật, thí dụ việc “đón” tết theo lịch tây phương nhưng “ăn” tết theo kiểu đông phương là một điển hình cho thấy sự thức thời này, hay sự tồn tại và phát triển của những lễ hội  truyền thống, không mang màu sắc lai căng.

Điều đáng lưu ý là trước khi “Chế độ Giáo dục” chính thức được ban hành vào năm 1872 thì ngay từ khi bắt tay soạn thảo những năm trước đó, Chính phủ đã lập ra một hội đồng gồm 7 học giả “tây học”, 2 người theo Hán học và Quốc học, 3 cán bộ hành chính(cũng là nhà giáo theo Tây học) trong đó Ủy viên xuất thân học từ Pháp chiếm vị trí quan trọng hơn cả (ngoài ra còn có các vị học từ Đức, Anh, Hòa Lan cũng có ảnh hưởng không nhỏ). Thực tế này chứng tỏ ngay từ đầu Nhà nước Minh trị đã vận dụng mọi khả năng để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước một cách cương quyết, buộc các tầng lớp trong xã hội, sĩ nông công thương, nam nữ đều phải đi học (tiểu học), hủy bỏ chế độ ưu tiên cho tầng lớp quí tộc.[3]  Như vậy, có thể nói sự bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản đã được xác lập rất sớm, mặc dù chính quyền đương thời qui định là phụ huynh phải thanh toán học phí, và nhà nước chỉ chịu phần chi phí cho những chương trình giáo dục dạy nghề trong học trình. Mặt khác, đây cũng là lần đầu tiên khái niệm về “trường chuyên môn” (dạy nghề) xuất hiện khi bộ luật nầy được bổ sung vào năm sau (1873).

B.  Cải cách giáo dục lần thứ nhất

Ngày 11 tháng 2 năm 1889 “Hiến Pháp Đế chế Đại Nhật Bản” đầu tiên được ban hành (năm Minh Trị thứ 22) xác nhận quyền “tham chính” (được quyền tham gia vào quốc hội, bầu cử, ứng cử…) của nhân dân trong chế độ tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp và tư pháp) mặc dù đặt Thiên Hoàng Minh Trị ở vị trí tuyệt đối, mang tư cách của “thần” trong Thần đạo, có quyền ban bố những sắc lệnh hay mệnh lệnh bất chấp luật pháp hiện hành, bắt đầu cho những chính sách độc đoán đưa đến chủ nghĩa phát xít cực đoan sau nầy.

Mặt khác, với chính sách “Gầy dựng công nghiệp” thực hiện trong 20 năm kể từ khi “duy tân”, Nhật bản đã hội đủ điều kiện để nhảy vào cuộc cách mạng kỹ nghệ vào năm 1890. Bộ trưởng Giáo dục Inoue Kowashi đã đẩy mạnh giáo dục-dạy nghề công nghiệp, đưa ra chương trình giáo dục “Thực nghiệp-kỹ thuật và khoa học kết hợp” với sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia nước ngoài, thích ứng với phát triển của cuộc cách mạng đang xảy ra như vũ bão không những ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19. Hàng loạt trường chuyên môn, trường giáo dục thực nghiệp (là những loại trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp tiểu học) ra đời. Ngoài ra còn có trường Thanh niên (đào tạo nghề ngắn hạn) ra đời năm 1899, từ con số trăm trong những năm 1870 đã vọt lên con số hàng chục nghìn khắp cả nước trong suốt một thời kỳ dài từ 1903-1947 theo lệnh lập “trường chuyên môn” ban hành năm 1903; lệnh này cho phép địa phương linh hoạt xây dựng trường đào tạo ngành nghề phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Trường dạy nghề tư thục cũng có điều kiện phát triển không kém, thậm chí có nơi trường dạy nghề do người nước ngoài xây dựng cũng đã trở nên phổ biến, lấn át cả hệ thống đào tạo nghề công lập với tỷ lệ công-tư  4/6 hay 3/7.

C.  Cải cách giáo dục lần 2

Nhật Bản thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai dưới dự kiếm soát của G.H.Q (Tổng hành dinh chỉ huy quân đội đồng minh, do tướng Mac Arthur của Mỹ làm tư lệnh) sau khi Hiến pháp “dân chủ” mới, loại bỏ quyền lực tuyệt đối của Thiên Hoàng, được ban hành  vào ngày 3/11/1946.

Cải cách lần này qui định áp dụng chế độ giáo dục cưỡng bách 9 năm tại Nhật bản, nâng cấp khả năng đào tạo của những cơ sở dạy nghề cũng như hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học theo khuyến cáo của phía Hoa kỳ. Từ thời điểm nầy, chúng ta thấy con số thống kê về trường trung học cơ sở (cấp 2) hay trung học phổ thông (cấp 3) tăng nhanh một cách đáng kể. Các “trường chuyên môn” thời quân phiệt trước đây bị huỷ bỏ thay thế bằng “trường dạy nghề” hoặc được nâng cấp trở thành những trường đại học mới lập.

Năm 1961, Nhật Bản thay đổi qui định hệ thống giáo dục dạy nghề trong Luật giáo dục, cho phép lập “trường cao đẳng chuyên nghiệp” với học trình 5 năm (gồm 3 năm trung học phổ thông và 2 năm chuyên tu) cùng tồn tại song song với trường dạy nghề đã có. Năm 1975, để đáp ứng yêu cầu nhân lực, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho phép thành lập trường “chuyên tu kỹ thuật” gọn nhẹ và tập trung đào tạo cán sự kỹ thuật nhằm bổ sung cho hệ thống “đại học ngắn hạn”(2-3 năm) hay hệ thống đại học chính qui với học trình 4 năm.  Mục đích là để giảm bớt sức ép tranh nhau thi vào cửa hẹp của đại học do nhân khẩu trưởng thành tăng đột biến (“baby boom” sau thế chiến thứ hai), và tạo cơ hội cho những học sinh bị rớt trong các kỳ thi tuyển vào đại học vào trường dạy nghề với thời gian học ngắn hơn.

Như vậy, có thể hiểu, trước khi nền kinh tế tri thức được xác lập vào những năm cuối thập kỷ 1990, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cưỡng bách) có thể vào đi vào học trường “cao đẳng kỹ thuật ”(5 năm), trong khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp 3) có thể theo học trường “chuyên tu ”(1-2 năm) hay liên thông, chuyển qua học 2 năm cuối cùng của “Cao đẳng kỹ thuật” hay đi vào “Cao đẳng chuyên nghiệp”(2-3 năm) với khả năng tìm được việc làm dễ dàng hơn vì có nghề và kỹ năng hơn người có trình độ 4 năm ở đại học hay đại học “ngắn hạn” 2, 3 năm (Tanki Daigaku với giáo trình chung chung không hiệu quả, chủ yếu là lớp học ban đêm hay lớp dành cho phụ nữ với môn nữ công gia chánh, giáo viên tiểu học, máy móc cơ khí đơn giản…).

Tỷ lệ học sinh phổ thông và học sinh học nghề (1937-1952)

 Năm

Phổ thông

Tỷ lệ(%)

Thực Nghiệp(học nghề)

Tỷ lệ
(%)

Tổng cộng

1937

780.053

65,2

416.949

34,8

1.197.002

1938

818.796

64,8

443.947

35,2

1.262.743

1939

866.979

64,1

486.141

35,9

1.353.120

1940

938.601

59,5

638.901

40,5

1.577.502

1941

1.037.729

61,5

649.940

38,5

1.687.669

1942

1.146.153

61,7

712.116

38,3

1.858.269

1943

1.352.770

63,4

782.096

36,6

2.134.866

1944

1.428.820

63,6

816.245

36,4

2.245.065

1945

1.432.335

63,5

823.413

36,5

2.256.248

1946

1.636.646

68,0

770.664

32,0

2.407.290

1947

620.622

69,9

307.605

33,1

928.227

1948

788.631

66,1

404.067

33,9

1.192.698

1949

1.035.001

64,7

563.631

35,3

1.598.632

1950

1.249.001

65,4

662.034

34,6

1.911.035

1951

1.393.898

64,3

774.339

35,7

2.168.237

1952

1.455.370

62,8

862.559

37,2

2.317.929

 

 Nhận xét: Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tỷ lệ học sinh học nghề chiếm 33-40% trong khi phổ thông chiếm 61-70% và khuynh hướng tỷ lệ học nghề trên 30% kéo dài cho đến 1980 mới bắt đầu giảm dần.

Điểm đáng tham khảo là không phải tốt nghiệp đại học là tìm ngay được việc làm, trừ một số ngành đặc biệt, khan hiếm như dịch thuật, thương mại, công nghệ thông tin, Ngân hàng…là những ngành nghề có mức tăng trưởng cao trong thời kỳ kinh tế phát triển. Báo cáo năm 2006 của OECD về Giáo dục nhận xét Nhật Bản là nước đứng đầu trong các nước nhóm nầy về  đào tạo cấp giáo dục phổ cập cả về số lượng lẫn chất lượng. 89% học sinh Nam (bình quân của OECD là 82%) và 60% nữ (OECD là 65%) tốt nghiệp trung học phổ thông đều có việc làm, trong khi số nam học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cưỡng bách) thì 79% có việc làm ngay và nữ là 53% (vẫn cao hơn bình quân của OECD) trong trường hợp không đi học tiếp lên cấp 3.[4]

Hiện tượng nầy khá giống với tình hình khan hiếm lao động có kỹ năng hiện nay ở Việt Nam, khi nhiều em sinh viên khoa cơ khí, hoá chất, vật liệu… tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa nổi tiếng nhưng không kiếm được việc làm nên phải chuyển nghề, đi học lại hay thất nghiệp kéo dài vì thiếu kỹ năng cụ thể. Thậm chí có em học một lúc hai ba ngành tại các đại học khác nhau nhưng chỉ có những mảnh bằng trên giấy!

 

D.  Khái quát về hệ thống giáo dục hiện nay tại Nhật Bản

Trong những năm gần đây, những thành tựu rực rỡ về công nghiệp và phát triển kinh tế của Nhật Bản đã gây được nhiều sự chú ý trên thế giới. Mặc dù có nhiều sự quan tâm dành cho nền công nghiệp và giáo dục, nhưng vẫn còn rất ít những nghiên cứu có liên quan về việc đào tạo kỹ thuật cấp giáo dục phổ cập tại Nhật Bản. Vì vậy ngoài phần miêu tả lịch sử dạy nghề hình thành trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân, phần tiếp theo sẽ nêu rõ tình trạng hiện nay và những thách thức trong tương lai của việc đào tạo kỹ thuật ở Nhật Bản. Sở dĩ như vậy là vì có mối quan hệ rất khắng khít giữa các vấn đề đào tạo kỹ thuật ở trường cấp 2 cơ sở với các môn Kỹ thuật và đào tạo kỹ năng (lý thuyết) ở trường trung học phổ thông và sự liên thông với Cao đẳng chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp ở cấp phổ thông.

Trong mục  các loại trường kỹ thuật, có loại đào tạo sau:

  Loại chỉ đào tạo trong 3 năm cho các em tốt nghiệp Trung học cơ sở (gọi là Trung học Kỹ thuật hay Trung học Chuyên nghiệp, kết hợp giữa giáo dục phổ cập và dạy nghề) và

  Loại 5 năm (THKT + 2 năm) gọi là Cao đẳng kỹ thuật), khác với trường  Cao Đẳng ở Việt Nam, chỉ mở cho học sinh sau THPT mà thôi.

  Trường đào tạo chuyên ngành như y tế cộng đồng, y tá, dược tá, chăm sóc người già…của nhà nước (2-3 năm theo yêu cầu của bộ môn)

  Trường chuyên tu (tư nhân) là những cơ sở dạy nghề cụ thể như Hớt tóc, Cắm hoa, dạy tiếng nước ngoài, thư đạo, văn hóa đời sống, đầu bếp…Thường là 1-2 năm , nằm ngoài hệ thống đào tạo của giáo dục của nhà nước.

  Ngoài ra còn có Trung tâm Huấn luyện Nghề (của quận huyện thành phố…) công lập là cơ sở đào tạo nghề mới(hoàn toàn miễn phí) cho những người muốn đổi nghề, về hưu…không giới hạn tuổi tác để giải quyết tình trạng thất nghiệp (xóa đói giảm nghèo như ở Việt nam)

 

Như trên đã nói, cấu trúc của hệ thống giáo dục công tại Nhật Bản sau Thế Chiến II dựa theo mô hình của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Bảng 1 cho thấy phân loại các loại trường chủ yếu trong mô hình giáo dục Nhật Bản. Cơ sở của hệ thống giáo dục của Nhật Bản hiện đại là giáo dục phổ cập 9 năm, mang tính cưỡng bách. Chế độ cưỡng bách giáo dục với 9 năm này gồm 6 năm tại trường tiểu học và 3 năm tại trường  trung học cơ sở (cấp 2). Trên thực tế, tất cả (gần 100%) học sinh Nhật Bản hoàn tất chương trình giáo dục phổ cập (cưỡng bách) này. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, khoảng 95% học sinh tiếp tục lên cấp 3 phổ thông  hoặc chọn vào một trường trung học kỹ thuật, hay trương chuyên tu để học nghề cụ thể.  Trong số đó, có khoảng dưới 2% học sinh bỏ học trước khi tốt nghiệp vì lý do tật bệnh, tìm cách ra đời sớm… (Sách Trắng của Bộ giáo dục, khoa học và văn hoá, niên khóa 1991).

Tỷ lệ người biết chữ cao nhất trên thế giới có thể xem là một thành tựu đáng nể của nền giáo dục Nhật Bản từ sau Thế Chiến II, số người Nhật trẻ tuổi  gia nhập vào lực lượng lao động với trình độ văn hoá cao hơn nhiều so với trước đây. Vào năm 1950, 45.2% học sinh Nhật tốt nghiệp cấp 2, tức là sau khi hoàn tất chương trình giáo dục cưỡng bách, bắt đầu đi làm việc ở độ tuổi 15, còn 43% học sinh vào trung học phổ thông để tiếp tục học. Hiện nay tỷ lệ học tiếp ở trung học phổ thông đã đến mức 95-97%. Cũng bởi lý do đó, lực lượng lao động Nhật Bản trong ba thập kỷ 1960-1980 là một sự pha trộn giữa những người lao động lớn tuổi với trình độ văn hoá thấp nhưng tay nghề cao, ngày càng giảm dần và những người lao động trẻ tuổi có trình độ văn hóa cao hơn nhưng ngược lại tay nghề kém phải “đào tạo lại” sau khi được thu nhận vào xí nghiệp.

1. Chương trình giảng dạy trong thời kỳ chuyển tiếp

 Không giống như Hoa Kỳ, hệ thống giáo dục công lập Nhật Bản chiếm đa số tuyệt đối, hơn 95%-98% ở cấp tiểu học và phổ thông cơ sở, và lại do nhà nước quản lý tập trung.  Mọi chương trình giảng dạy cho bậc tiểu học, cấp 2 cơ sở và phổ thông trung học được ban hành và quản lý chặt chẽ bởi Bộ giáo dục. Cứ khoảng 10 năm, Bộ giáo dục lại ban hành giáo trình và sách giáo khoa theo tiêu chuẩn mới, với nội dung chi tiết hướng dẫn được viết ra cụ thể cho mỗi môn học tại trường tiểu học và các trường cấp 2 để hướng dẫn cho giáo viên. Những đề nghị cho việc chỉnh sửa các chương trình giảng dạy và sách giáo khoa được đề ra bởi các hội đồng chuyên môn khác nhau bao gồm các chuyên gia về giáo trình, giáo sư tại các trường đại học, giáo viên, thành viên của các ban ngành giáo dục tại địa phương và những bậc thức giả có kinh nghiệm khác trong xã hội.

 Tương tự như vậy, những cải tiến chương trình đào tạo kỹ thuật tại Nhật Bản sau Thế Chiến II có thể được xem xét dưới bối cảnh của 5 giai đoạn theo lộ trình phát triển kinh tế:

1-Thời kỳ tái thiết (1950-1960)

2-Thời kỳ phát triển tốc độ cao (1960-1974)

3-Thời kỳ kinh tế ổn định (1975-1979)

4-Thời kỳ quốc tế hoá nền kinh tế (1980-1995)

5-Thời kỳ  “Kinh tế tri thức” (1995-thế kỷ 21)

Bảng 2 dưới đây cho thấy các điều kiện kinh tế-xã hội với đặc tính của từng thời kỳ, và tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp phổ thông trung học và số người đi học cấp cao hơn. 

Bảng 2. Phát triển kinh tế xã hội và đào tạo dạy nghề
(1950-1990)

 Thời kỳ

Các điều kiện kinh tế xã hội

Số học sinh lên cấp 3

Vào caođẳng chuyên nghiệp / đại học

Tái thiết kinh tế (1)

Thiếu thốn về nhà ở và thức ăn

43.0%(1950) 
51.5%(1955)

10.1%(1955)

Phát triển cao về kinh tế (2)

Tăng trưởng về khoa học và kỹ thuật
 

Tăng trưởng nhanh về kinh tế
(khoảng 10%).

57.7%(1960)
70.7%(1965)

82.1%(1970)

10.3%(1960)
17.1%(1965)
24.0%(1970)

Kinh tế ổn định (3)

Khủng hoảng dầu (1971 & 74).
Kinh tế phát triển chậm và ổn định (3-5%).

91.9%(1975)

94.0%(1980)

34.2%(1975)

31.9%(1980)

Quốc tế hoá (4)

Sự phát triển của vi điện tử và công nghiệp dịch vụ
Sự quốc tế hoá nền kinh tế

94.1%(1985)

94.7%(1989)

30.5%(1985)

30.6%(1989)

 

2. Việc xây dựng môn giáo dục dạy nghề kỹ thuật như là một môn bắt buộc

Chính sách tích cực đối với giáo dục đào tạo nghề tại Nhật Bản có một quá trình lịch sử lâu dài. Trong bài diễn văn ở Hạ viện vào năm 1894, Inoue Kowashi, Bộ trưởng bộ Giáo dục Nhật Bản phát biểu:

“Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng là cuộc chạy đua trên thế giới chủ yếu là phát triển công nghiệp chứ không phải là quân sự. Nền khoa học của chúng ta đã phát triển một cách thoả đáng, thế nhưng việc đào tạo về kỹ thuật thì vẫn còn ở mức độ thấp. Tình trạng này cũng giống như quân đội có đầy đủ các chiến thuật tốt nhưng lại không đủ binh lực chiến đấu. (Passin,1982) .

Việc Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản gợi lên hình ảnh của quân đội dựa trên bối cảnh của  cuộc chiến tranh Nhật-Thanh (1894-1895) với hàm ý rằng Nhật Bản phải có sức mạnh về kỹ thuật mới có thể thực hiện được chiến lược “Phú quốc cường binh”. Tư duy nầy đã thể hiện rõ rệt trong cuộc chiến tranh Nhật-Nga bùng nổ vào 10 năm sau đó với thắng lợi của một nước Nhật hùng mạnh.

 Trong thời gian nầy, luật giáo dục dạy nghề quốc gia đầu tiên ra đời, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong vấn đề đạo tạo nguồn lao động có kỹ năng như đã đề cập ở trên. Từ năm 1899, các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, rừng và các chương trình công nghiệp được chính thức đưa vào chương trình trung học cấp 2. Tuy có thay đổi về chủ trương giáo dục sau thế chiến với những khuyến cáo của phía Mỹ nhưng việc dạy nghề trong nhà trường vẫn được tiếp tục xác lập trở lại từ năm 1958. Giáo dục hướng nghiệp ở cấp phổ cập với nội dung được tóm tắt như sau: 

  • Từ năm 1958, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề đã được đưa vào cả những trường phổ thông trung học phổ thông và lẫn trường cấp 2. Mặc dù khái niệm hướng nghiệp trong trường trung học phổ cập hỗn hợp (vừa dạy chữ vừa dạy nghề) là một trong những mục tiêu của cải cách giáo dục dạy nghề ở Hoa Kỳ, nhưng nó chưa bao giờ trở thành mẫu hình chiếm ưu thế tại Nhật Bản.
  • Khoảng hơn phân nửa các trường phổ thông trung học tại Nhật Bản chỉ cung cấp các chương trình lý thuyết, những trường còn lại chia đều ra 2 loại: trường hỗn hợp (vừa dạy chữ vừa dạy nghề) và trường dạy nghề (phỏng theo mô hành của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, 1987). Nói một cách khác, hầu hết các trường phổ thông trung học tại Nhật Bản cung cấp các chương trình lý thuyết nhằm chuẩn bị cho học sinh bước lên bậc học cao hơn mà không có các khoá học hướng nghiệp hay dạy nghề cụ thể. Vì thế, hầu hết các học sinh Nhật Bản tham gia vào các khoá học hướng nghiệp dạy nghề cụ thể đều không đủ trình độ nghề nghiệp nên phải theo học tiếp một số môn ở các trường dạy nghề như cao đẳng chuyên nghiệp kỹ thuật hay trường chuyên tu kỹ thuật. Thí dụ trong năm học 1990, có khoảng 26% học sinh trung học phổ thông tham gia vào các lớp học hướng nghiệp, dạy nghề tức khoảng ¼ số học sinh rời ghế nhà trường phổ thông để đi vào trường cao đẳng chuyên nghiệp kỹ thuật (hoặc chuyên tu kỹ thuật) và tỷ lệ nầy có khuynh hướng tăng lên 30% vào những năm kế tiếp.
  • Theo Bảng 2, trong suốt thời kỳ tái thiết kinh tế sau thế chiến thứ hai, khoảng phân nửa học sinh cấp 2 (phổ thông cơ sở) bắt đầu ra xã hội làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Ở giai đoạn nầy, môn học giáo dục hướng nghiệp-dạy nghề là một trong những môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh nam và học sinh nữ tại các trường cấp 2 cơ sở, bao gồm các môn học liên quan đến  nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và kinh tế gia đình. Chương trình giảng dạy đa dạng tuỳ theo qui mô của trường và phụ thuộc vào từng địa phương. Một trong những mục tiêu của giáo dục hướng nghiệp dạy nghề là đào tạo tay nghề thông qua học tập (lý thuyết) từ những kinh nghiệm thực tế.

3. Việc đưa vào các môn đào tạo kỹ thuật

Sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh “Sputnik” vào quỹ đạo, đánh dấu bước ngoặt về khoa học-kỹ thuật của loài người trong việc chinh phục không gian, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản đã ý thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sự phát triển các chương trình giáo dục khoa học và kỹ thuật. Một trong những chính sách được chính phủ Nhật Bản áp dụng vào cuối năm 1957 là việc đưa các môn kỹ thuật thành môn bắt buộc tại tất cả các trường cấp 2 cơ sở bắt đầu vào năm 1958.[5] Với việc đưa chương trình đào tạo kỹ thuật vào các trường cấp 2 cơ sở, môn giáo dục hướng nghiệp dạy nghề đã có trước đây được chuyển sang các trường phổ thông trung học (cấp 3) như là một môn học tự chọn.

Vào năm 1958, mục tiêu chủ yếu của môn đào tạo kỹ thuật ở trường cấp 2 cơ sở là nhằm giúp học sinh nắm các kỹ năng cơ bản thông qua kinh nghiệm sáng tạo/sản xuất, am hiểu công nghệ hiện đại, và thúc đẩy những hiểu biết và thái độ cần thiết để ứng dụng:

  • thông qua kinh nghiệm về thiết kế và thực hành, nuôi dưỡng các kỹ năng thuyết trình, sáng tạo, và những thái độ hợp lý trong khi giải quyết sự việc.
  • thông qua kinh nghiệm sản xuất/điều hành máy móc/thiết bị, giúp học sinh hiểu mối quan hệ mật thiết giữa công nghệ và cuộc sống, và nuôi dưỡng mối quan tâm phát triển công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung chủ yếu bao gồm thiết kế và đồ hoạ; chế biến gỗ và nghề kim loại; máy móc, điện tử, và chăn nuôi trồng trọt… Chương trình đào tạo công nghệ được phân phối với tổng số 105 giờ trong mỗi cấp lớp ở trường cấp 2 cơ sở.

Vào năm 1960, chính phủ Nhật Bản bắt đầu nhân đôi số lượng các trường trung học kỹ thuật. . Trong suốt thời kỳ này, các trường kỹ thuật 5 năm gọi là trường Cao đẳng chuyên nghiệp  dành cho học sinh tốt nghiệp cấp THCS được thành lập bởi Bộ Giáo dục[6]. Nhằm đáp ứng tình trạng thiếu hụt giáo viên môn kỹ thuật có tay nghề, các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật 3 năm cũng đã được thành lập để bổ sung.

Tất cả các chính sách này đều liên quan đến “Chương trình nhân đôi thu nhập quốc gia” nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Vào khoảng đầu thời kỳ này, Bộ Giáo dục đã gửi  chuyên gia phụ trách chương trình đào tạo và giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật đến Hoa Kỳ thu thập thông tin và kinh nghiệm về các môn học  liên quan đến kỹ thuật[7] để xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu thiếu hụt trầm trọng giáo viên dạy ở những trường cao đẳng chuyên nghiệp.

Các trường cao đẳng này được liên kết với khoa kỹ thuật công nghệ tại các trường đại học công lập Nhật Bản. Trong suốt những năm 1960, mỗi trường cao đẳng đào tạo nghề này thu nhận khoảng 900 sinh viên/ năm và chỉ sau 3 năm đào tạo bổ sung, lực lượng giáo viên dạy nghề sẽ tăng thêm một cách nhanh chóng từ 15.000-20.000 người nếu nhìn trên qui mô cả nước với hàng trăm cơ sở đào tạo sư phạm dạy nghề liên thông.

4. Đưa vào các môn học cơ sở và cơ hội bình đẳng trong giáo dục

Trong suốt thời kỳ phát triển tăng tốc về kinh tế, tỷ lệ phần trăm học sinh Nhật Bản tiếp tục vào trường trung học phổ thông và các cấp học cao hơn tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng cần có tại nơi làm việc lại thay đổi một cách sâu sắc. Trong các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, các nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên của họ có khả năng linh hoạt và khả năng có thể tiếp tục đào tạo cao hơn. Trong suốt thời kỳ này, Bộ Giáo dục đưa các môn học cơ sở như cơ học, đồ họa, toán trung cấp… vào các khoá học dạy nghề kỹ thuật và đồng thời cũng đưa vào các khoá học tổng quát về kỹ năng và kinh nghiệm làm việc như quản lý chất lượng, kế hoạch, kỹ thuật thống kê kho tàng…vào trường cao đẳng chuyên nghiệp.

Mặt khác, các vấn đề liên quan đến cơ hội bình đẳng “giới” trong giáo dục trung học trở nên cấp thiết. Trong thời kì này, tất cả học sinh nam tham gia vào các lớp đào tạo kỹ thuật, trong khi tất cả học sinh nữ tham gia vào các lớp kinh tế gia đình. Nhằm mang đến cơ hội học tập công bằng như nhau, đầu năm 1977, Bộ Giáo dục yêu cầu tất cả học sinh nam tham gia vào ít nhất 1 lớp kinh tế gia đình và tất cả học sinh nữ tham gia vào ít nhất 1 lớp đào tạo kỹ thuật. Ở các trường phổ thông trung học, học sinh theo học chương trình hướng nghiệp dạy nghề kỹ thuật bắt buộc phải học các môn cơ sở như “cơ sở kỹ thuật”, “toán kỹ thuật”, và “thực hành”. Mục đích của những môn học này là nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh, cũng như sử dụng tài liệu và phương pháp giảng dạy mới và cập nhật trong giáo trình.[8] Đồng thời môn học về các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc được đưa vào các khoá học tổng quát cho tất cả học sinh các cấp phổ cập.

5. Việc đưa môn “Cơ bản của công nghệ thông tin” vào trường cấp 2 và “Dự án nghiên cứu độc lập” vào trường phổ thông trung học

Để đáp ứng những sự thay đổi tại nơi làm việc và ngoài xã hội, Bộ Giáo dục đã khởi xướng một vài thay đổi vào cuối những năm 1980. Một trong những thay đổi chủ yếu là đưa một môn học lý thuyết máy tính mới vào chương trình giáo dục kỹ thuật tại trường cấp 2 (không phải cấp 1 như ở VN). Mục tiêu chính của môn học mới này là nhằm giúp học sinh hiểu được vai trò và chức năng của máy tính, và phát triển năng lực sử dụng máy tính và thông tin. Nội dung chủ yếu bao gồm máy tính và xã hội, phần cứng máy tính, và các ứng dụng phần mềm máy tính.

Dù môn tin học không phải là một trong bốn môn học bắt buộc (chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, đời sống gia đình) nhưng nó là một trong những môn được các em chọn nhiều nhất. Theo kết quả một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Nhật bản (1991), có 76% sinh viên muốn học lớp tin học mới này.

Đối với cấp phổ thông trung học, Bộ Giáo dục đã điều chỉnh lại các lớp kỹ thuật để khuyến khích phát triển các kỹ năng cơ bản và sự linh động trong ứng dụng. Trong các môn học cơ bản, Bộ Giáo dục khuyến khích sử dụng máy vi tính cho bộ môn khoa học và toán học. Tất cả các sinh viên học nghề đều phải học một môn công nghệ thông tin có liên quan đến chuyên ngành của họ như xử lý thông tin nông nghiệp và xử lý thông tin kinh tế gia đình. Một trong những nội dung chấn chỉnh quan trọng nhất của các lớp kỹ thuật ở cấp phổ thông trung học là phần giới thiệu các lớp giải quyết vấn đề phức hợp như “cơ điện tử”, “ứng dụng cơ điện tử” và nghiên cứu dự án độc lập/ bắt buộc.

Mục tiêu chính yếu của lớp cơ điện tử mới là để nâng cao hiểu biết về các kiến thức và kỹ năng cơ bản về cơ điện tử (cơ học và điện tử). Bảng 2 trình bày các công cụ và máy móc cơ bản, máy cảm biến, máy chuyển A/D, mạch logic, thiết bị truyền động, cơ học và dụng cụ dẫn lực.

Mục tiêu

Nội dung

Cơ học: đạt được các kiến thức và kỹ năng cơ bản về cơ học, đào tạo kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn.

1) Sự kết hợp cơ học và điện tử trong các máy móc và dụng cụ.

2) Các nguyên lý và đặc điểm của thiết bị cảm biến 3) Thiết bị cảm biến và máy vi tính; đổi tương tự; mạch logic, tín hiệu.

4) Đặc điểm và các dạng cơ cấu truyền động.

5) Điều khiển cơ cấu truyền động.

6) Cơ học và dụng cụ dẫn lực.

 

Nói chung, tại Nhật đã có xu hướng ngày càng nghiêng về đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề. Tuy nhiên, do phương pháp rộng và kém “tập trung vào một môn cụ thể”, kết quả đem lại chỉ có thể là kinh nghiệm giáo dục dàn trải nông cạn. Mục đích cơ bản của nghiên cứu dự án độc lập là làm cho sinh viên hiểu sâu hơn và kết hợp các kiến thức và kỹ năng, thông qua việc làm quen với nghiên cứu các phương pháp giải quyết vấn đề và các dự án công nghiệp.  Các nội dung chính bao gồm thiết kế, sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm, nghiên cứu thực tiễn nơi làm việc, các chứng chỉ nghề hoặc bằng cấp chuyên ngành. Những ví dụ về các dự án bao gồm thiết kế và sản xuất robot và các mô hình điều khiển từ xa.[9]

6.  Các phương pháp đào tạo kỹ thuật

Ngay từ đầu, phương pháp giảng dạy kỹ thuật của Nhật theo thực nghiệm, dựa trên phương pháp luận của việc lập trình. Các lớp kỹ thuật thường được chia ra thành lớp lý thuyết và lớp thực hành. Các lớp thực hành (thí nghiệm) thường có ít sinh viên hơn các lớp lý thuyết. Trung bình mỗi lớp học gồm 40 học viên. Gần đây, các hoạt động mới của lập trình đang cố gắng kết hợp các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau với nội dung lý thuyết tương ứng phù hợp.

7.  Hỗ trợ cho đào tạo kỹ thuật

Luật “Khuyến khích đào tạo nghề” được ban hành vào năm 1951. Qua đó, thông qua Bộ Giáo dục, Chính phủ xúc tiến các chương trình đào tạo công nghệ, và khuyến khích chính quyền địa phương hỗ trợ cho công tác này. Sau khi hoàn thiện từng chương trình giảng dạy chuẩn, Bộ Giáo dục ban hành các tiêu chuẩn về trang thiết bị đào tạo kỹ thuật và đào tạo dạy nghề kỹ thuật tương ứng. Chính phủ trợ cấp các trường trung học phổ thông (trường tư) gần một phần ba ngân sách dành cho đào tạo dạy nghề kỹ thuật và các trang thiết bị. Giáo viên dạy nghề tại các trường trung học phổ thông quốc gia và trường công được lĩnh thêm trợ cấp hàng tháng bằng 10% lương theo Luật trợ cấp đào tạo nghề năm 1957, tức là cao hơn mức lương của công chức cùng ngạch ở ngành nghề khác.

Đào tạo giáo viên mới hoặc giáo viên đang giảng dạy

Việc đào tạo giáo viên mới giảng dạy công nghệ và đào tạo nghề kỹ thuật chủ yếu là ở các trường Đại học kỹ thuật hoặc ở khoa công nghệ của các trường đại học quốc gia. Do công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng nên việc tổ chức tập huấn cho các giáo viên kỹ thuật và đào tạo dạy nghề kỹ thuật là rất cần thiết. Sau mỗi lần chỉnh sửa chương trình giảng dạy (thường có chu kỳ 10 năm), Bộ Giáo dục sẽ lên kế hoạch và thực hiện với ngân sách nhà nước các chương trình tập huấn các giáo viên đang giảng dạy.

Một ví dụ điển hình là nỗ lực chuẩn bị một lực lượng 16.000 giáo viên kỹ thuật để giảng dạy các khóa vi tính mới. Trong giai đoạn đầu của chương trình, có khoảng 160 giáo viên kỹ thuật được tập huấn 2 tuần trong chương trình đào tạo toàn phần. Sau khoảng thời gian hơn 3 năm, mỗi cở sở  đào tạo được 480 giáo viên đầu đàn, đáp ứng được nhu cầu về giáo viên giảng dạy kỹ thuật ở các trường phổ cập . Ngoài  2 tuần được đào tạo chuyên sâu, các giáo viên này có nghĩa vụ tự nghiên cứu về vi tính. Mỗi gíao viên đã được tập huấn sẽ về địa phương mình và đào tạo lại các giáo viên kỹ thuật khác của địa phương. Chương trình đào tạo giáo viên đang giảng dạy cấp địa phương được tiếp tục thực hiện trong 4 năm (từ 1988 đến 1992) đã đáp ứng được một cách hoàn hảo mọi yêu cầu về  giáo viên kỹ thuật của Nhật.[10]

Các trung tâm đào tạo kỹ thuật

Trong 47 tỉnh, thành phố của Nhật, mỗi nơi đều có ít nhất một trung tâm đào tạo gồm một khoa đào tạo công nghệ/công nghiệp (cả công nghệ thông tin). Đây là không kể loại trường chuyên tu/chuyên môn dạy nghề của tư nhân chiếm tỷ lệ 80%-90% trong tổng số trường dạy nghề trên cả nước, trong đó ngành công nghệ thông tin chiếm đa số tuyệt đối. Ở một vài tỉnh lớn có các trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và kỹ thuật hoạt động độc lập. Các trung tâm này có chức năng đào tạo giáo viên đang giảng dạy, hoàn thiện tài liệu giảng dạy và nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Để sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách của nhà nước, các trung tâm đào tạo các tỉnh được trang bị các trang thíêt bị đắt tiền như các hệ thống máy vi tính quy mô lớn và các trung tâm cơ khí hiện đại. 

Duyệt sách và những trợ cấp cho sách giáo khoa bắt buộc

Các loại sách giáo khoa sử dụng trong các trường giáo dục bắt buộc và các trường phổ thông trung học đều được các công ty xuất bản tư nhân biên soạn và phát hành theo sự kiểm định và chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tất cả các sách giáo khoa bắt buộc, cả sách giảng dạy kỹ thuật, đều được phát miễn phí cho học sinh. Ví dụ như một văn bản về cơ khí đã được duyệt phải có nội dung liên quan trực tiếp tới nội dung Bảng 3.

8.  Những thách thức của đào tạo công nghệ tại Nhật hiện nay

GS Musuda (Nhật) và GS Sterm (Mỹ) cho rằng Nhật Bản hiện đang đứng trước 4 thách thức lớn trong việc đào tạo công nghệ, khả năng giải quyết được những thách thức đó sẽ là nhân tố quyết định bản chất và hiệu quả của việc đào tạo công nghệ trong tương lai.[11]  Đó là:

(a)  Áp lực kiểm tra đầu vào

Tại Nhật bản, các kỳ thi kiểm tra đầu vào gắt gao có ý nghĩa rất quan trọng trong nền giáo dục, nhất là các kỳ thi tuyển sinh vào học tại các trường đại học có uy tín. Chính vì việc thi đậu vào các trường đại học có uy tín sẽ đem lại nhiều thuận lợi sau này mà các bậc cha mẹ đều khuyến khích con em mình chuẩn bị học tập tốt từ khi còn rất nhỏ. Các kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia có 5 môn chính: toán, tiếng Anh, tiếng Nhật, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, không có nội dung về công nghệ, kinh tế gia đình, mỹ thuật hoặc giáo dục y tế. Vì vậy, các bậc cha mẹ có khuynh hướng xem đấy là những môn phụ so với các môn có trong nội dung thi của các kỳ thi tuyển sinh. Điều nầy vô hình trung phủ nhận giá trị của việc học môn kỹ thuật hay môn mỹ thuật…ở bậc trung học cơ sở, dẫn đến việc các em học sinh xem nhẹ những môn học này trong giáo trình.

(b)  Khó khăn trong thay đổi chương trình

Quãng thời gian 10 năm để thay đổi chương trình cho phù hợp với những thay đổi trong kỹ thuật và môi trường làm việc là quá dài. Đây là một thách thức đặc biệt quan trọng trong đào tạo kỹ thuật do nội dung đào tạo kỹ thuật luôn có quan hệ mật thiết với thế giới kỹ thuật và môi trường (kỹ thuật) nơi làm việc. Bắt được nhịp tăng trưởng trong cải tiến và phát minh trong công nghệ thông tin, trong các ngành sản xuất chế biến hay phương thức quản lý là một thách đố,  buộc các nhà giáo dục phải có chính sách ứng phó linh hoạt hơn, nhất là khi nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành trong một thế giới phẳng như nhiều nhà khoa học đã lên tiếng trong những năm cuối thế kỷ 20. Cơ chế cứng nhắc trong chương trình đào tạo cũng như sách giáo khoa không cập nhật sẽ trở thành rào cản vô hình cho những cập nhật, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế sau khi ra trường.

(c)  Đào tạo kỹ thuật và cơ hội bình đẳng trong đào tạo

 Vào thập niên 1990, Nhật Bản bắt đầu một cuộc thí nghiệm về một tuần làm việc 5 ngày thay vì 6 ngày. Chính vì thế một tuần học tập của học sinh các cấp cũng rút ngắn hơn. Trong suốt năm học 1992-1993, các trường của Nhật đã cho nghỉ học một ngày thứ bảy trong tháng. Điều này đồng nghĩa với việc giảng dạy sẽ ít đi. Tháng 4/2002, Bộ Giáo dục đưa ra đề cương cải cách chương trình mới, cắt giảm 30% nội dung giảng dạy phù hợp với thời gian học tập được rút ngắn, với 5 ngày trong tuần, nhằm tạo ra một sự thoải mái (yutori) hơn trong học tập sau khi nhiều tệ nạn học đường bùng nổ từ giữa thập niên 80 (nạn bỏ học, chọc phá, bỏ lớp, bạo lực…).

 Đây được một số người xem là cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba. Người ta lo ngại rằng do áp lực nặng nề của kỳ thi tuyển sinh vào đại học, sinh viên sẽ phải học nhiều lớp luyện thi hơn nữa (juku). Việc giảm thời gian học ở trường đã đặt ra một thách thức quan trọng cho việc đào tạo kỹ thuật và kinh tế gia đình. Để đảm bảo tính công bằng cho nam và nữ, Bộ Giáo dục đã cho giảm 50% thời lượng giảng dạy môn kỹ thuật và kinh tế gia đình. Mặc dù ngày càng có nhiều sinh viên cả nam và nữ học môn kỹ thuật và kinh tế gia đình nhưng thời gian dành cho chúng ít hơn. Điều nầy nói lên một thực tế là phải nâng cao khả năng “tự học” của mỗi em sau giờ lên lớp tại trường, trong đó sự vênh nhau về học lực trong cùng cấp học hiện rõ vì nỗ lực cá nhân của mỗi em khác nhau, đây cũng là một điểm nan giải trong chủ trương “công bằng” trong học tập và đào tạo nếu không có biện pháp khắc phục.

 (d)  Thiếu nguồn cho đào tạo kỹ thuật

Tương tự như các nước khác, việc đào tạo kỹ thuật tại Nhật Bản gặp khó khăn vì thiếu nguồn, cả tài chính lẫn nhân lực trước thực tế ngành nghề ngày càng đa dạng, phong phú do phát triển kinh tế và quốc tế hoá giao thương. Đào tạo kỹ thuật yêu cầu phải có đầu tư tài chính vào các trang thiết bị và tài liệu giảng dạy nhưng quan trọng hơn là việc tuyển chọn giáo viên kỹ thuật giảng dạy phù hợp với tình hình mới ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là nền kinh tế đang bước vào thời kỳ đa quốc tịch và đa phương hoá. Mối liên kết chặt chẽ về kỹ thuật cũng như kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng khắng khít đồng thời sự cọ xát về sức mạnh kỹ thuật lẫn tài chính giữa các xí nghiệp đa quốc gia ngày càng trở nên nóng bỏng  do đó nguồn nhân lực đào tạo nghề có trình độ quốc tế, biết giảng dạy bằng tiêng Anh trở nên khan hiếm.

9. Tình hình hiện nay

Nhìn chung lượng học sinh cấp 3 chọn học ở đại học (4 năm) chiếm tỷ lệ cao nhất (41,8%); kế đến là các trường chuyên tu / cao đẳng chuyên nghiệp (18,2%) trong số đó tỷ lệ chọn học chuyên tu (chỉ học một nghề) là 88,9%. Điều này cho thấy khuynh hướng chọn học nghề cụ thể (chuyên tu) chiếm đa số tuyệt đối trong những em tốt nghiệp  trung học phổ thông mà không đi vào đại học(18,2%):

Số học sinh tốt nghiệp cấp 3 vào:

Trường Cao đẳng/Chuyên tu       213.075                   (18,2 %)

Đại học 4 năm                             489.848                  (41,8 %)

Đại học ngắn hạn (2-3 năm)        83.217                    (7,1 %)

(Thống kê năm 1989, Niên giám Giáo dục, Bộ GD NB)

 Mặt khác trong tổng số 3.441 trường cao đẳng/chuyên tu thì 93,9% thuộc hệ dân lập trong khi trường của nhà nước chỉ có 11 trường (0,3%) và số trường công lập (của tỉnh, thành, quận huyện) cũng chỉ có 199 trường (0,58%). Đây là con số phản ánh xu hướng học nghề, chuyên tu ngày càng được tư nhân hoá rất cao đáp ứng sự đa dạng của việc đào tạo nghề cho thanh niên. Số học sinh trung học cơ sở (cấp 2) tiến thẳng lên cấp 3 phổ thông rồi mới học nghề thay vì chuyển hướng học nghề từ trung học cơ sở (cấp 2) như những năm 1960. Hơn thế nữa nếu nhìn vào ngành nghề cụ thể thì các ngành công nghiệp và văn hoá-giáo dưỡng là những bộ môn chiểm tý lệ cao hơn cả, từ 15-17% không kể ngành y tế chiếm tỷ lệ vượt trội 31-34%, ngoài ra ngành vệ sinh công cộng cũng đạt 12-14% trong khi ngành nông nghiệp chỉ còn 0,5 %, phản ánh khuynh hướng “ly nông” rất rõ rệt.

 Điểm đáng chú ý là lượng học sinh vào học các trường đại học ngắn hạn (2-3 năm) đã giảm sút so với số học sinh lên chuyên tu/cao đẳng chuyên nghiệp. Ở đại học ngắn hạn,học sinh nữ chiếm 70% vì các môn học như nữ công gia chính, kế toán, quản lý nghiệp vụ văn phòng, sinh ngữ…là môn học chủ yếu. Dù có sự thay đổi này, nhưng chúng ta vẫn có thể kết luận được rằng việc đào tạo nghề qua các trường chuyên tu  hay cao đẳng vẫn còn chiếm một tỷ lệ khá lớn 18-19%. Nếu so với những năm 1975-85, với tỷ lệ  là 30-32%, thì tỷ lệ này có sụt giảm nhưng việc giảm này chủ yếu là do nền kinh tế Nhật Bản đã chuyển sang sản xuất ở nước ngoài, đặc biệt các dây chuyền công nghệ lắp ráp kim khí điện máy, cơ khí, hoá chất…, qua con đường xuất khẩu kỹ thuật hay đầu tư ra nước ngoài,tăng nhanh trong hơn 20 năm qua (xem bảng thống kê 2006). 

 

Tổng cộng

Nhà nước (BGD)       

Công lập (địa phương) 

Dân lập

Số trường*     

3.441

     100%   

11

0,3%

199

0,58%

3.231

93,9%

Số học sinh    

749.996 

     100%   

918

0,1%

28.230

3,8%

720.848

96,1%

 

 Trong đó:

 

Số trường

(% ) là tỷ lệ trên tổng số trường CT*

Số học sinh

(% ) là tỷ lệ trên tổng số trường CT*

 

Khoa Cao đẳng

552

(16.7%)

42.466

(5.7%)

 

Khoa chuyên môn

2.996

(87,1%)

667.070

(88,9%)

 

Khoa tổng quát

222

(6,5%)

40.460

(5,4%)

 

E. Lời kết

Qua phân tích  khái quát trên, chúng ta có thể nhận thức được mối quan tâm của các nhà xây dựng chính sách giáo dục ở Nhật Bản. Họ tìm cách đẩy mạnh việc hướng nghiệp-đào tạo dạy nghề cho lứa tuổi trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông với nhiều phương cách linh hoạt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội Nhật Bản một cách hợp lý nhất trong đường lối chiến lược “Kỹ thuật Lập quốc”, nghĩa là dùng khoa học kỹ thuật để vươn tới, xây dựng một đất nước Nhật bản hùng mạnh về Kỹ thuật thay vì đường lối “Phú quốc Cường Binh” như thời “công nghiệp hoá” của Minh Trị Duy Tân.

Tất nhiên, việc cải cách giáo dục là một lộ trình không có điểm dừng chân, phát triển từng nấc theo yêu cầu và đặc điểm phát triển của từng giai đoạn vì vậy khả năng “tự làm mới” nền giáo dục chính là chìa khoá mở ra những khả năng phát triển cho tương lai, vực dậy những tiềm năng sáng tạo của con người—thế hệ mới—không những ngăn chận khả năng tụt hậu của quốc gia như chúng ta thấy kinh nghiệm đau đớn và chua xót của các nước Tây âu đã thua kém Nhật Bản, Đức hay Hoa Kỳ… như thế nào trong hơn hai thập kỷ qua khi nền giáo dục-phát triển kỹ thuật của những nước này không bắt kịp thời đại “vi tính hoá”(IT) và “rô bô hoá” trong khoa học kỹ thuật.  Lối giáo dục “nhân văn” cũ xưa đã trở thành lạc hậu trước những bước tiến đột phá trong công nghệ về mọi mặt trên thế giới, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống giáo dục theo một nền văn hoá-nhân văn mới phù hợp với “thế giới phẳng” ngày nay. Nhịp bước “10 năm cải tiến giáo dục” một lần của Nhật bản (có nghĩa là sách giáo khoa có giá trị sử dụng  10 năm mới thay đổi nhằm bắt kịp tốc độ phát triển, định hướng và dự báo nguồn nhân lực của xã hội trong tương lai) đã bị các nhà nghiên cứu trong nước phê phán phát xuất từ tấm gương thất bại nầy của Châu âu, luôn đòi hỏi chính phủ, cụ thể là Bộ Giáo dục-Văn hoá-Khoa học ngày nay phải dốc sức duyệt lại với một chu kỳ  ngắn hơn cho phù hợp và cập nhật. Trong khi đó ở VN, sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch bị phê phán là dường như chỉ nhằm mục đích tăng nguồn thu bán sách của nhà xuất bản độc quyền nhà nước chứ không vì mục đích cải tiến chương trình. 

Thế giới đã có nhiều thay đổi khi bước vào thế kỷ 21, mối quan hệ quốc tế ngày nay cũng đang trong một trật tự và hệ thống mới trong đó Việt nam đã là thành viên của nhiều tổ chức và cơ cấu quốc tế. Thiết nghĩ những ý kiến và kinh nghiệm của Nhật bản trong việc đào tạo một tầng lớp công nhân có kỹ năng thích ứng được với tốc độ phát triển nêu trên hi vọng sẽ đem lại một cách nhìn mới cho nền giáo dục của nước ta ở giai đoạn hội nhập và cạnh tranh gay gắt. Một thời kỳ mà nhu cầu lao động có kỹ năng và kỹ thuật cao đang trở thành một đòi hỏi bức thiết, mang tính sống còn đối với một nước có nền kinh tế vốn không được bền vững (nhập siêu liên tục trong những năm vừa qua là một thí dụ), chưa bắt kịp nhịp điệu tăng tốc của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước khi Việt nam đang có cơ hội để ra biển lớn.

 

2/2008

Tư liệu tham khảo

(1)Bộ giáo dục, khoa học và văn hóa. (1991). Gakko kihon chosa [Basic School Statistics].

(2)Passin, H. (1982). Xã hội và giáo dục tại Nhật Bản. Tokyo: Kodansha.

(3)Stern, S. & Matsuda, T. (1988, April). Nhật Bản đào tạo học sinh về kỹ thuật và máy tính. School Shop, 47(9)

(4)Suzuki, H. & Murata, S. (1990). Gijutsu kyoiku no rekishi to tenbo “Triển vọng nghiên cứu về lịch sử  đào tạo kỹ thuật” Tokyo: Nichibun.

(5)Tamura, S., Arai, I. & Murata, S. (1985). Kinrotaiken gakushu no nerai to jissen [Mục tiêu và thực tiễn của việc  học tập về kinh nghiệm lao động]. Tokyo: Gyosei.

(6)U.S. Department of Education. (1987). Giáo dục Nhật Bản ngày nay. Washington D.C

(7) The evolution of social policy in Japan. Okada Konosuke, WB 2003

(8) The Impact of New Technology To Japanese Vocational Education. Shigeru Nakayama, UNESCO 1991

(9) Vocational Content in Mass Higher Education.  Roger Goodman et al (Oxford Univ.)

(10) Hội Trí thức Meirokusha và tư tưởng khai sáng ở Nhật bản(Vietsciences). Vĩnh Sính

(11) Nihon no Sangyo Kakumei(Iwanami shoten)”Cách mạng kỹ nghệ ở Nhật bản”. Oe Shinobu

(12) Meijiishin No Kyoikushi(Mizusawa Shoten)”Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy Tân”. Oe Shinobu

(13) Kyoiku Hakusho—Sách Trắng về Giáo dục –(Thống kê) 1963,85,90,2000,2005 Mombu Kagaku Gijitsu Sho(Bộ giáo dục-khoa học kỹ thuật Nhật bản)


[1] Japan’s System of Post-Secondary Education—Hasegawa Wataru, Columbia University.

[2] Trường Cao đẳng Chuyên môn(Koto senmon gakko) là trường dành cho học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2, tồn tại trong khoảng thời gian 1947-65. Từ “Cao đẳng” ở đây có nghĩa là cấp 3 trong tiếng Nhật, không có nghĩa như ở VN là cấp học sau tốt nghiệp phổ thông như ngày nay.

[3] Tầng lớp quí tộc gồm “Hoa tộc” là hoàng thân quốc thích, lãnh chúa, và những người có công với triều đình. Tầng lớp này từ 1867 đổi thành 5 đẳng cấp Công, Hầu, Bá, Tử  Nam tước như Châu âu. Việc phân chia đẳng cấp này kết thúc vào năm 1947.

[4] Education at a Glance 2006 (OECD) 

[5] Coi chú thích 1.

[6] Coi chú thích 2 ở trên. .

[7] Suzuki, H. & Murata, S. (1990). Gijutsu kyoiku no rekishi to tenbo [Lịch sử và quan điểm về đào tạo kỹ thuật. Tokyo: Nichibun. 

[8] Suzuki, H. & Murata, S. (1990). Gijutsu kyoiku no rekishi to tenbo “Triển vọng nghiên cứu về lịch sử  đào tạo kỹ thuật” Tokyo: Nichibun. 

[9] Bộ Giáo dục, khoa học và văn hóa. (1989). Kotogakko gakushu shidoyoryo [Upper secondary course of study]. Tokyo: Murata

[10] Stern, S. & Matsuda, T. (1988, April). Nhật Bản đào tạo học sinh về kỹ thuật và máy tính. School Shop, 47(9), 41-43.

[11] Stern, S. & Matsuda.  Tlđd.