Cuộc sống sinh viên Nhật có gì khác biệt

Sinh viên Nhật coi trường đại học là chỗ nghỉ ngơi và làm những việc yêu thích, tận hưởng cuộc sống độc lập trước khi họ phải trở thành shakaijin (những người đi làm nói chung) và đối mắt với những áp lực về sự nghiệp và gia đình khủng khiếp trong xã hội Nhật Bản.

Sinh viên Nhật có rất nhiều tài lẻ nhưng họ không thường biểu lộ ra trừ khi bạn nhìn thấy họ sinh hoạt trong câu lạc bộ. Tôi vẫn luôn nghĩ tất cả các sinh viên Nhật là những người rất nghiêm túc, là những con mọt sách và không hứng thú đến các hoạt động ngoại khoá. Thế nhưng sau 3 năm học đại học ở đây, những gì tôi chứng kiến lại không giống như những gì tôi đã tưởng tượng.

Sinh viên Nhật: không cần điểm cao.

Học để qua môn: Có lẽ phải đến 80% số bạn bè người Nhật của tôi không quan tâm lắm đến điểm số ở trường đại học. Trường tôi, đại học Kyoto, cũng giống như nhiều trường khác ở Nhật có 4 mức điểm: Ưu (giỏi), Lương (khá), Khả (qua môn), và Bất Khả (trượt). Cũng giống như ở Việt Nam, nhiều sinh viên Nhật chỉ tập trung ôn luyện vào sát kỳ thi cuối kỳ và chỉ cần cố để đạt mức Khả. Thư viện trường luôn vắng vẻ quanh năm và chỉ đông kín người vào tháng 7 và tháng 1, mùa thi học kỳ ở Nhật. Xin việc ở Nhật không cần trình bảng điểm nên sinh viên Nhật không quá quan trọng việc cày cuốc đê lấy điểm cao mà chỉ cần đảm bảo lấy đủ tín chỉ để tốt nghiệp. Ngược lại, phần thiểu số có mong muốn học sâu hơn để nghiên cứu thì lại học hành rất nghiêm túc. họ chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức và sở hữu nền kiến thức rất chắc chắn. Nhưng thực sự đối với họ điểm số cũng không phải là vấn đề, họ học để có được kiến thức thật sự. Cách đánh giá của giảng viên cũng rất rõ ràng: rất dễ dàng cho việc qua môn để lấy được tín chỉ, đôi khi chỉ cần đi học đủ hoặc đảm bảo yêu cầu tối thiểu của môn học; nhưng lại khó để đạt điểm cao khi cần cả những tư duy sáng tạo trong việc làm bài. Chính vì sự rõ ràng đó mà chuyện gian lận thi cử ở Nhật là rất hiếm. Sinh viên Nhật cũng thường ôn tủ theo đề bài các năm trước, gọi là Kakomon (Kako: quá khứ, Mon: chữ vấn trong vấn đáp nghĩa là câu hỏi) được truyền tay các khoá trước hoặc lưu trữ trên mạng internet.

Sinh viên Nhật: Coi trường đại học là trạm nghỉ trước khi đi làm.

Trong một môn học về giáo dục đại học ở Nhật tôi lấy ở trường, có một thông tin rất thú vị là học sinh Nhật học rất nặng ở cấp 3 để tranh chỗ vào các trường đại học lớn rồi sau đó coi việc học đại học là điểm dừng chân để nghỉ ngơi trước một cuộc tranh đấu lớn hơn: đó là đi làm. Sinh viên Nhật coi trường đại học là chỗ nghỉ ngơi và làm những việc yêu thích, tận hưởng cuộc sống độc lập trước khi họ phải trở thành shakaijin (những người đi làm nói chung) và đối mắt với những áp lực về sự nghiệp và gia đình khủng khiếp trong xã hội Nhật Bản. Các mối quan hệ xã hội tạo dựng được trong trường đại học cũng chiếm vai trò rất quan trọng đối với sinh viên Nhật trong cuộc sống về sau.

Sinh viên Nhật: Văn hoá câu lạc bộ

Người Nhật vốn rất khép kín trong lớp học và chỉ thực sự cởi mở khi tham gia vào hoạt động của các câu lạc bộ trong trường học. Có tới hàng trăm câu lạc bộ thuộc đủ thế loại trong một trường đại học nhưng nhiều nhất là các câu lạc bộ về thể thao và âm nhạc. Các câu lạc bộ được tổ chức rất quy củ và có nhiều hoạt động thú vị. Nhiều sinh viện Nhật coi việc tham gia hoạt động câu lạc bộ còn quan trọng hơn việc học trên lớp. Tôi có một cậu bạn cùng lớp thậm chí còn bỏ học hẳn một kỳ để tham gia được hết các hoạt động của câu lạc bộ đua xe đạp, cũng có một cậu hậu bối khóa dưới trong câu lạc bộ còn quyết định lưu ban để được chơi trong câu lạc bộ thêm được một năm.

Ở trong các câu lạc bộ, quan hệ tiền bối – hậu bối rất quan trọng. Những quy tắc ứng xử trên dưới chặt chẽ trong xã hội Nhật cũng được thể hiện rất rõ trong các hoạt động câu lạc bộ. Những sinh viên tham gia câu lạc bộ trong cùng một năm thường chơi thành nhóm và phải nói chuyện lễ phép với các tiền bối. Các sinh viên năm nhất thường phải làm những công việc dọn dẹp sau mỗi lần hoạt động hoặc tổ chức biểu diễn.

Các sinh viên năm hai và năm ba thường giữ các vai trò quan trọng trong việc điều hành các hoạt động chính của câu lạc bộ. Những sinh viên các khóa trên sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn trong các cuộc nomikai (liên hoan câu lạc bộ, chủ yếu là uống), đặc biệt là trong các dịp chào đón thành viên mới vào câu lạc bộ. Việc có được thành tích tốt trong các hoạt động câu lạc bộ cũng giúp sinh viên Nhật có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt. Cậu bàn cùng lớp của tôi là ngôi sao trong câu lạc bộ bóng bầu dục của nhà trường thường được ưu tiên không phải tham dự nhiều kỳ thi trong trường học và được nhận công việc tốt trước khi tốt nghiệp vì nhiều công ty tuyển những nhân viên như cậu vào để gây dựng phong trào thể thao trong nhân viên. Những sinh viên khỏe mạnh và năng động và có tài năng ở một lĩnh vực nào đó luôn là lựa chọn tốt cho các nhà tuyển dụng.

Sinh viên Nhật có rất nhiều tài lẻ nhưng họ không thường biểu lộ ra trừ khi bạn nhìn thấy họ sinh hoạt trong câu lạc bộ. Tôi tham gia vào một câu lạc bộ chơi nhạc unplugged ở đại học Kyoto và nhận ra nền tảng âm nhạc phổ thông của người Nhật là quá tốt. Chỉ là một câu lạc bộ trong số rất nhiều câu lạc bộ âm nhạc của trường nhưng chất lượng các buổi biểu diễn là rất cao, dụng cụ chỉnh âm và nhạc cụ cũng được chuẩn bị rất chu đáo và chuyên nghiệp hơn hẳn các buổi biểu diễn tôi từng tham gia lúc ở Việt Nam, các bài hát cũng được dàn dựng rất công phu. Những thành viên chủ chốt thường chơi được nhiều loại nhạc cụ và tiệm cận trình độ chuyên nghiệp, những thành viên thông thường khác cũng có thể chơi nhuần nhuyễn các ca khúc kinh điển, gần như ai cũng chơi được keyboard hoặc guitar.

Ngoài ra tôi cũng hay theo dõi các đội bóng đá trong trường tập luyện ở sân vận động: họ thường tập luyện các bài tập kỹ năng và nhồi thể lực hàng giờ đồng hồ trước khi đá tập, lối đá của họ cũng rất hiện đại và ít chạm thiên về tính đồng đội và kỷ luật. Không có gì lạ khi các trường đại học cũng là một cái nôi sản xuất ra vận động viên và nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhật. Một vài ví dụ tiêu biểu là Hanyu Yuzuru giành huy chương vàng trượt băng nghệ thuật Olympic Sochi khi là sinh viên đại học Waseda danh tiếng; nhóm nhạc huyển thoại Southern All Stars cũng xuất thân từ một ban nhạc sinh viên ở học viện Aoyama; Sakurai Sho của nhóm Arashi theo học tại đại học Keio,…

Bạn muốn trở thành sinh viên của một trường đại học ở Nhật Bản? Trước hết, bạn hãy hiểu rằng, việc vào học trong một trường đại học ở Nhật Bản không phải là điều dễ dàng đối với hầu hết mọi người. Thời gian chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học khá dài và do đó, bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng.

Để giúp con mình đậu trường đại học danh tiếng, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con học thêm rất nhiều. Nhưng một khi vượt qua những khó khăn đó, đậu vào một trường đại học, cuộc sống đối với sinh viên sẽ dễ dàng hơn. Tôi từng nghe người ta nói rằng, vào được đại học Nhật thì khó, chứ tốt nghiệp lại rất dễ dàng!

Thời khóa biểu của sinh viên Nhật

Các lớp học trong trường đại học thường được tổ chức với số tiết khác nhau, tùy thuộc vào từng khoa, từng kháo học. Khi tôi là sinh viên quốc tế tại một trường đại học Nhật Bản, hầu hết các lớp của tôi đều được tổ chức giảng dạy mỗi tuần một lần, có khi có môn chỉ dạy hai lần một tháng. Có cả lịch học ban ngày lẫn ban đêm. Thời khóa biểu cũng khác nhau giữa các trường đại học. Chương trình ban ngày bắt đầu khoảng 8:30 sáng và kết thúc vào khoảng 5:30. Trong khi đó ban đêm các sinh viên học từ 6:00 đến 8:00. Học sinh hoàn toàn có thể chọn học nhiều hay ít môn tùy thích.

Sinh viên Nhật: đi làm thêm (Arubaito)

Arubaito là thuật ngữ tiếng Nhật chỉ các công việc bán thời gian. Hầu hết sinh viên đại học có việc làm bán thời gian. Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ramen, cửa hàng udon, nhà hàng, siêu thị, juku hoặc trường học là những nơi họ thường làm arubaito. Một cuộc khảo sát không chính thức mà tôi đã làm trong trường đại học của mình cho thấy rằng sinh viên có thu nhập từ arubaito thường để tự hỗ trợ mình trong các khoản thanh toán hóa đơn, cung cấp cho mình những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống tự lập một mình, mua sắm (chủ yếu cho nữ giới), đi du lịch và giao lưu xã hội (như uống rượu nomikai và karaoke).

Tóm lại, làm sinh viên ở đại học Nhật Bản là một trải nghiệm khá thú vị, rất vui vẻ nhưng bận rộn. Hơn hết, đây là tiền đề để bạn phát triển hơn trong cuộc đời về sau này!

#ATK