Bất bình đẳng trong giáo dục ở Nhật có từ khi học sinh bước vào tiểu học

Các bậc cha mẹ sống tại các thành phố lớn đơn giản là có nhiều lựa chọn hơn. Nó có thể dẫn đến sự chênh lệch về vùng miền. Đối với con cái của những bậc cha mẹ Nhật có nhiều tham vọng, sự cạnh tranh bắt đầu từ trước ngày đầu tiên đi học tại trường tiểu học.

Tại một trường học, giáo viên đang hướng dẫn một nhóm học sinh tham gia vào môn học vẽ. Nhóm học sinh phần lớn ở độ tuổi 4 hoặc 5 tuổi, ngồi trên sàn nhà với một tờ giấy trắng và được yêu cầu vẽ một con vật tưởng tượng. 
Khi các em bắt đầu bàn đến kích cỡ của tai và việc sử dụng màu nào, một người trợ giảng đứng sau bắt đầu ghi chú lại: các em có đủ hoạt bát, liệu các em có nhớ hướng dẫn của giáo viên?

Bất bình đẳng trong giáo dục Nhật Bản

Các em nhỏ này đang luyện tập cho kỳ thi để thi vào một trong những trường tiểu học tư uy tín nhất tại Tokyo. Trung tâm giáo dục Shingakai đã cung cấp cho học sinh những buổi ôn luyện thi kiểu như vậy trong 60 năm qua. 
Thế nhưng những năm gần đây đã có không ít sự thay đổi – phần lớn mẹ của các em nhỏ tham gia lớp luyện thi kiểu này đang đi làm và Nhật đối diện với tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng.
Do nhiều lý do, các yếu tố trên đang khiến cho nhu cầu đối với giáo dục cao cấp tăng chóng mặt. Nước láng giềng Hàn Quốc trong khi đó đang đối diện với thực trạng rằng việc chạy đua vào các trường tư có thể dẫn đến việc chi phí giáo dục tăng quá cao, bất bình đẳng xã hội ngày một tồi tệ hơn và thậm chí có thể khiến cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày một tồi tệ hơn, theo khẳng định của bài báo mới được Nikkei đăng tải. 
CEO của một công ty may mặc trực tuyến và đồng thời là mẹ của 4 đứa trẻ nhận xét: “Tỷ lệ sinh đang giảm đi, chính vì vậy việc thi vào đại học tốt rất khó khăn. Việc có được giáo dục tốt từ sớm vô cùng quan trọng”. Hai con của cô giờ đang đi học tại Shingakai, con gái 4 tuổi theo học tại câu lạc bộ Shinga – chuỗi nhà trẻ thuộc Shingakai có kèm việc luyện thi. 
trẻ em nhật bản
Trẻ em Nhật Bản trước sự bất bình đẳng giáo dục ngày càng lộ rõ
Đối với nhiều cặp đôi, việc chỉ có một hoặc hai đứa trẻ sẽ giúp họ có thêm tiền đầu tư vào giáo dục, cái mà họ hy vọng sẽ giúp cho con cái họ có thể vào được những trường đại học hàng đầu nước Nhật. Và dù nhìn chung có thể dễ dàng hơn để người trẻ vào đại học, việc có thêm ứng viên sẽ có thể khiến cho ứng viên xuất sắc nhất cũng gặp khó hơn. Giáo dục chất lượng cao từ sớm giúp cho học sinh có thể giành được lợi thế.
Dù gia đình của Megumi rất đông con nhưng cô và chồng cố gắng và luôn tự tin về khả năng chi trả. Chi phí đi học trường mầm non hoặc trường tư có thể tiêu tốn khoảng 1.000USD/tháng, cao gấp 3 lần mức trung bình. Thế nhưng học sinh vẫn đổ xô đến học, số lượng học sinh tham gia vào các khóa luyện thi ở thời điểm cuối tháng 2/2019 cao hơn 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trên khắp nước Nhật, 77.453 học sinh theo học tại các trường tư trong năm 2017, tăng 15% so với năm 2000. Tổng số lượng học sinh theo học tại trường tiểu học nói chung, giảm 12% xuống 6,44 triệu. 
Cô Megumi đại diện cho một xu thế mới. Việc cô quan tâm nhiều hơn đến giáo dục tiểu học ở Nhật diễn ra cùng lúc với việc vị thế của người phụ nữ đang ngày một tốt hơn, theo nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu NLI, ông Naoko Kuga.
Năm 1996, tỷ lệ phụ nữ Nhật theo học tại các chương trình đại học 4 năm cao hơn so với số người theo học tại các chương trình ngắn hạn, những chương trình này từng được coi là phù hợp với phụ nữ bởi phần lớn công việc mà họ có thể làm chủ yếu là hành chính. Mô hình gia đình có 2 thu nhập cũng đồng nghĩa với các gia đình có thêm nhiều tiền để chi tiêu. Cái họ thiếu là thời gian trong ngày.
Với các bậc cha mẹ bận rộn tại Nhật, giờ đây họ còn có cả dịch vụ mới. Có cả tư vấn viên giáo dục chuyên nghiệp chuyên tư vấn cho các bậc cha mẹ về kỳ kiểm tra và thậm chí tham dự các sự kiện ở trường thay cho cha mẹ. Dịch vụ kiểu như thế này giúp các bà mẹ muốn theo đuổi sự nghiệp vẫn đảm bảo được con đường học vấn cho con cái mình.
Một tư vấn viên giáo dục có tên Yuko Hatano nói: “Gia đình có 2 thu nhập thường không có thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi cùng với con. Thế nhưng họ có kỳ vọng cao với con cái. Chúng tôi muốn thu hẹp khoảng cách ấy”.
Dù nhiều người ủng hộ quan điểm tập trung vào giáo dục, giới chuyên gia phân tích cho rằng xu thế này chỉ cho thấy tình trạng bất bình đẳng ngày một tồi tệ hơn. Trường tư chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Giáo sư tại đại học Nihon, ông Yuki Mochizuki, nhận xét: “Các bậc cha mẹ sống tại các thành phố lớn đơn giản là có nhiều lựa chọn hơn. Nó có thể dẫn đến sự chênh lệch về vùng miền”.
Ông Kuga cũng cảnh báo rằng bất bình đẳng trong giáo dục sẽ tăng lên trong dài hạn bởi người có thu nhập cao thường chỉ cưới người có vị thế tương đương.
TRUNG MẾN, BIZLIVE