Nguy cơ mất hợp đồng cung ứng lao động sang Nhật Bản

Trong 8 tháng đầu năm 2013, Nhật Bản đã tiếp nhận gần 5.700 thực tập sinh Việt Nam sang làm việc, với mức thu nhập bình quân khoảng 1.500 USD/tháng. Các doanh nghiệp phái cử trong nước không cần phải quảng cáo nhiều để thu hút lao động bởi sự ổn định về công việc và mức thu nhập của thị trường tiếp nhận lao động này đã là sức hút cực lớn đối với lao động.

 

Dẫu hàng năm, phía Nhật Bản vẫn tiếp nhận từ 5 ngàn đến gần 10 ngàn thực tập sinh Việt Nam qua các doanh nghiệp (DN) dịch vụ nhưng điều mà các DN luôn nơm nớp lo lắng sau mỗi chuyến xuất cảnh là chuyện lao động bỏ trốn. Phải mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều năm, một DN phái cử mới tìm được đối tác tiếp nhận lao động lâu dài, công việc ổn định tại Nhật Bản, nhưng chỉ cần 1, 2 lao động bỏ trốn thì DN đôi khi vừa bị phạt tiền, có trường hợp lên tới 10.000 USD/lao động bỏ trốn, vừa bị mất luôn đối tác.

Đầu tháng 8/2013, Chi nhánh XKLĐ của một công ty trong ngành may mặc tại Hoàng Mai (Hà Nội) tiếp nhận thông báo của Công ty Kawamoto (nghiệp đoàn FJB) tại Nhật về việc thực tập sinh Mai Hồng Quân (28 tuổi) ở tổ 3 đường Nguyễn Hữu Tiến, Đồng Văn (Hà Nam) do công ty đưa sang đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc từ ngày 1/8/2013. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 2/8, đại diện công ty đã lập tức về nhà của thực tập sinh Mai Hồng Quân để tìm hiểu và vận động gia đình khuyên nhủ Quân trở lại nhà máy làm việc. Với đầy đủ các điều kiện, đã tốt nghiệp Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, Quân hội tụ đủ điều kiện để sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ cuối tháng 12/2012.

Làm việc tại nhà máy ở Nhật Bản đang thu hút nhiều thực tập sinh Việt Nam với công việc và thu nhập ổn định.

Cho đến thời điểm bỏ trốn, Quân đã làm việc được 8 tháng, với mức thu nhập ổn định, đúng theo hợp đồng đã ký kết. Trong thời gian này, thực tập sinh Quân cũng không có bất kỳ khiếu nại gì về công việc làm gia công cơ khí, mức lương tại nhà máy ở Nhật Bản. Bản thân bố mẹ Quân ở nhà cũng cho rằng chỉ biết nhờ công ty liên lạc để Quân quay lại làm việc hợp pháp, việc bỏ trốn là ngoài mong muốn của gia đình. Bản thân Quân đối diện với những rủi ro khi ra ngoài làm việc bất hợp pháp, không được bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra nghiệp đoàn Nhật Bản sẽ phát lệnh truy nã trên toàn nước Nhật, có thể bị bắt và chịu các mức bồi thường lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Long, phụ trách Ban Xử lý phát sinh của công ty đưa Quân sang tu nghiệp tại Nhật Bản cho biết, để một thực tập sinh bỏ trốn, không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn cá nhân Quân mà còn gây ra rất nhiều thiệt hại cho DN về quan hệ với đối tác, đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường tiếp nhận lao động đang được thực hiện rất bài bản, ổn định như Nhật Bản.

Không bị ép làm việc sai hợp đồng, nhưng thực tập sinh vẫn bỏ trốn. Đây là tình trạng mà hầu hết DN phái cử thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản đều gặp phải. Những DN làm lâu năm cũng nhiều phen “ngậm đắng nuốt cay”. Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD cho rằng, cho dù các DN phái cử trong nước có làm cẩn thận, chu đáo đến đâu, thậm chí như công ty của ông đã phải về tận địa phương, tận nhà của thực tập sinh, lo công ăn việc làm, giới thiệu tiếp cho người nhà của thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản, nhưng có điều kiện trốn là họ vẫn trốn.

“Với mỗi lao động bỏ trốn, tùy theo từng lỗi vi phạm của lao động mà DN phái cử bị phía đối tác phạt từ 4.000 – 5.000 USD, thậm chí có trường hợp mà DN phải chịu trận tới 10.000 USD. DN làm gì bù lại được”, ông Bình cho hay. Tuy nhiên đối với DN làm Nhật Bản thì thiệt hại lớn nhất là mất uy tín với đối tác và rất khó ký được hợp đồng cung ứng lao động tiếp theo.

Theo đánh giá của các DN dịch vụ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, từ tháng 7/2010, phía Nhật Bản bắt đầu thực hiện quy định mới, DN phái cử ở Việt Nam không được thu tiền đặt cọc của thực tập sinh, thì số thực tập sinh mới sau này có dấu hiệu bỏ trốn nhiều hơn trước. Biện pháp nào để chống trốn vẫn chỉ phụ thuộc và cách làm của DN, còn các quy định, chế tài được quy định tại Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, quy định về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực XKLĐ đã có nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm túc, quá ít trường hợp bỏ trốn  được xử lý nghiêm, nên người lao động vẫn cứ thấy có cơ hội trước mắt là bỏ trốn, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thị trường XKLĐ của Việt Nam.

Từ trường hợp bỏ trốn của thực tập sinh Mai Hồng Quân, ông Trần Văn Long rút ra bài học cần phải thẩm tra kỹ hơn về lý lịch, nguồn gốc của người lao động, thậm chí ngay cả khi đối tác Nhật Bản đã đồng ý tuyển, trong quá trình đào tạo 3 tháng về ngoại ngữ, kỹ năng, tác phong tại Việt Nam, DN phái cử nếu phát hiện dấu hiệu “không an toàn” của thực tập sinh thì cũng nên thông báo cho phía Nhật Bản để tìm sự lựa chọn khác. Sáng kiến này cũng có thể có ích cho các DN phái cử lao động của Việt Nam