Giảm phí cho lao động đi Đài Loan: Bộ quyết liệt, doanh nghiệp chưa vội

Là thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam trong những năm gần đây, (chiếm gần 50% tổng số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013), trong 5 tháng đầu năm 2014, đã tiếp nhận trên 28 nghìn lao động, Đài Loan tiếp tục là tâm điểm khi mà Bộ LĐ-TB&XH có nhiều biện pháp mạnh chấn chỉnh hoạt động thu phí của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ) trong nước, nhằm giảm phí trước khi xuất cảnh của người lao động, tuy nhiên thực tế lại không như mong đợi.

 

Điểm lại mức phí cho lao động đi làm việc tại Đài Loan trong khoảng 4 năm trở lại đây, đã tăng gấp hai lần, chủ yếu do phí môi giới trả cho các công ty môi giới Đài Loan tăng. Tình trạng các DN cạnh tranh lẫn nhau để lấy hợp đồng cung ứng đã khiến phí môi giới cho các công ty Đài Loan được đẩy lên hàng đắt đỏ nhất so với các quốc gia phái cử lao động vào Đài Loan. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan phải gánh mức phí cao đến bất hợp lý, mất 1 năm làm việc mới đủ trang trải số phí trước khi xuất cảnh.

Từ cuối năm 2013 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có 2 lần điều chỉnh, hiện yêu cầu các DN đưa lao động đi chỉ được thu mức phí cao nhất là 4.000 USD/lao động, trong đó phí môi giới tối đa chỉ được trả cho các nhà môi giới là 1.500 USD/người cho hợp đồng 3 năm, cùng với việc dừng việc đưa lao động sang Đài Loan nếu phát hiện DN vi phạm. Tới thời điểm này đã có 18 DN XKLĐ bị tạm dừng đưa lao động sang Đài Loan để chấn chỉnh hoạt động, bắt buộc 8 DN phải dừng làm việc với các đối tác vi phạm, dừng có thời hạn thẩm định hợp đồng của 29 công ty môi giới Đài Loan từ 45-60 ngày và yêu cầu các DN XKLĐ tạm thời không hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan với các công ty này.

 

Lao động Việt Nam trước lúc xuất cảnh sang Đài Loan làm việc.

Dấu hiệu khả quan là mức phí xuất cảnh của người lao động đang được giảm xuống, do các công ty môi giới Đài Loan phải giảm phí môi giới và DN XKLĐ trong nước cũng phải giảm khoản thu phí dịch vụ của mình. Tuy nhiên qua trao đổi với ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hợp tác lao động nước ngoài (LOD), thì đến thời điểm này việc giảm phí vẫn chưa thể làm được. Một trong những tồn tại đáng bàn đấy là tình trạng lộn xộn do ở thị trường này có rất nhiều cá nhân tham gia làm dưới danh nghĩa của DN. Cùng chia sẻ việc này, đại diện một DN XKLĐ khác thuộc Bộ Nông nghiệp cũng phải thốt lên, Đài Loan là thị trường XKLĐ khó làm nhất. Môi giới Đài Loan sẵn sàng giảm phí nếu DN thương lượng nhưng tất cả các DN làm Đài Loan lại không đồng loạt giảm, dẫn đến tình trạng DN nào làm đúng chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH thì rất có khả năng mất đối tác(?!).

Chưa nên quá lạc quan về việc tổng chi phí trước khi đi của người lao động giảm theo quy định, bởi thực tế có một vài khoản phí trước đây được tính gộp vào nhưng nay đã bị đẩy ra khỏi tổng này. Đây cũng là một thực tế được các DN XKLĐ lớn chia sẻ. Qua tìm hiểu hoạt động tuyển nguồn lao động của các DN, phần không nhỏ vẫn là tuyển qua các đầu mối tại các địa phương. Với mỗi trường hợp người lao động “bay” được, DN XKLĐ thường trả phí giới thiệu cho các đầu mối này khoảng 500 USD/lao động. Tìm hiểu nhiều lao động đi làm việc ở Đài Loan về, đều cho biết họ đã từng phải mất một khoản phí không nhỏ cho người môi giới, thậm chí có người đi được còn phải qua 2, 3 “cửa” môi giới trong nước.

Ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (VAMAS) cho biết, mặc dù Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định DN phải trực tiếp tuyển dụng lao động nhưng rất khó để kiểm soát được việc thực hiện thế nào. Thực chất tổng chi phí xuất cảnh của người lao động chắc chắn có thể còn giảm xuống hơn nữa nếu DN trực tiếp tuyển lao động hoặc thừa nhận việc tuyển chọn lao động qua các môi giới, nhưng phải quản lý tốt.

Từ thực tế cho thấy, nếu các biện pháp chấn chỉnh đưa ra nhưng lại thiếu sự thanh kiểm tra thường xuyên và không tạo được một sân chơi bình đẳng giữa các DN thì rất dễ dẫn đến tình trạng quy định chỉ có hiệu lực trên giấy. Cùng với đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước không ngăn chặn được nạn cò mồi trong nước, kiểm soát DN chấp hành quy định về tuyển chọn trực tiếp nhằm giảm thiểu những khoản phí “đen” cho người lao động thì với những thị trường tiếp nhận nhiều lao động và có thu nhập cao như Đài Loan, Nhật Bản thì việc giảm phí xem ra còn rất xa