Cục Quản lý Lao động ngoài nước

Nhật Bản – Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, được thành lập ngày 03/01/1980 (theo Quyết định số 04/CP ngày 03/01/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Cục Hợp tác quốc tế về lao động trực thuộc Bộ Lao động – nay được gọi là Cục Quản lý lao động ngoài nước.
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC

– Địa chỉ: Trụ sở : 41B Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội
– Điện thoại: (84-4) 38249517
– Fax: (84-4) 38240122
– Email: dolab@dolab.gov.vn (website dolab.gov.vn)

Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý lao động ngoài nước có tên giao dịch quốc tế là Department of Overseas Labour, viết tắt là DOLAB.

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước:

Điều 1. Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật.

         Cục Quản lý lao động ngoài nước có tên giao dịch quốc tế là Department of Overseas Labour, viết tắt là DOLAB.

         Điều 2. Cục Quản lý lao động ngoài nước có nhiệm vụ:

         1. Nghiên cứu, xây dựng trình Bộ:

         a) Các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         b) Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án  về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ chế, chính sách đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         c) Các văn bản thỏa thuận, nội dung đàm phán về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

         d) Tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn, định mức kinh tế- kỹ thuật đối với hoạt động tổ chức cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực được giao.

         2. Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo phân công của Bộ.

         3. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước, của Bộ về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         4. Nghiên cứu, định hướng và thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.

         5. Thẩm định, trình Bộ cấp, đổi và thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

         6. Hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng, báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

         7. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn nội dung, chương trình đào tạo nghề, ngoại ngữ; trình Bộ ban hành chương trình và giáo trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; quản lý hoạt động bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

         8. Chỉ đạo, tổ chức công tác quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         9. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo phân công của Bộ.

         10. Thu, quản lý và sử dụng các nguồn thu từ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         11. Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         12. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nguồn lao động và khả năng cung ứng lao động của Việt Nam với thị trường lao động ngoài nước. Chủ trì tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         13. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê đối tượng quản lý theo phân công của Bộ.

         14. Hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ban, đại diện của Bộ làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài.

         15. Quản lý các hội, hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật.

         16. Tham gia nghiên cứu, xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức  trong lĩnh vực được phân công.

         17. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; hướng dẫn về vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo phân công của Bộ.

         18. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu khoa học theo phân công của Bộ.

         19. Chủ trì, phối hợp Vụ Kế hoạch – Tài chính hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước.

         20. Sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         21. Quản lý công chức, viên chức; cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

         22. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

         Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý lao động ngoài nước:

         1. Cục Quản lý lao động ngoài nước có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng;

         2. Các phòng chức năng:

         a) Phòng Đài Loan – Châu Mỹ;

         b) Phòng Hàn Quốc – Tây Á – Châu Phi;

         c) Phòng Nhật Bản – Châu Âu – Đông Nam Á;

         d) Phòng Pháp chế – Tổng hợp;

         đ) Phòng Thanh tra;

         e) Phòng Thông tin – Truyền thông;

         g) Phòng Kế hoạch – Tài chính;

         h) Phòng Tổ chức cán bộ;

         i) Văn phòng.

         Điều 4. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và quan hệ công tác của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng và Văn phòng trực thuộc; quản lý, phân công, sắp xếp nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức trong Cục để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

         Điều 5. Cục Quản lý lao động ngoài nước có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ giao.

nguồn: Cục QL Lao động Ngoài nước

Tổng hợp: Xuất khẩu lao động Nhật Bản