Chuẩn bị gì để đi lao động Nhật?

Em tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên chuyên ngành điện tự động hóa tháng 6-2012, đã xin được việc làm nhưng mức lương không thỏa đáng.

 
Nay em muốn đi lao động Nhật vừa để tăng thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường công ty nước ngoài. Em cần chuẩn bị bao nhiêu tiền để được đi và công ty nào có uy tín? (trunghieu11@)
 
 
Trường hợp bạn có thể tham gia cả hai chương trình thực tập kỹ năng và kỹ sư. Về điều kiện tuyển dụng cũng như những yêu cầu tuyển dụng cơ bản của hai chương trình này, bạn có thể tham khảo tại đây (hệ thực tập kỹ năng) và tại đây (hệ kỹ sư/chuyên gia) để chọn hướng đi phù hợp với bản thân.
 
Phần nhiều các bạn trẻ hiện nay muốn sang Nhật làm việc để kiếm tiền, phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ mình chỉ kiếm tiền được trong vài năm ngắn ngủi, sau khi về Việt Nam khi đi xin việc sẽ rất dễ nản lòng với mức thu nhập thấp hơn. Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi là bạn tiếp tục định hướng cho bản thân, xác lập mục tiêu dài hạn là sang Nhật để làm việc với nghề gì, chuyên môn gì, ở loại hình công ty nào… để từ đó xác lập mục tiêu sau khi về nước sẽ phát triển nghề đó, chuyên môn đó ở một công ty tương tự tại Việt Nam. Đồng thời lập mục tiêu phải thật giỏi tiếng Nhật trong 3 năm thực tập tại Nhật để trong tương lai tiếng Nhật là một công cụ tốt giúp bạn phát triển nghề nghiệp của mình.
 
Riêng trường hợp bạn (đã đi làm nhưng chưa hài lòng với mức lương hiện tại), chúng tôi có một số chia sẻ như sau:
 
Dù bạn có thành tích học tập khá giỏi, bạn cũng đừng nên chọn điều kiện đãi ngộ tốt nhất để xin việc. Ngược lại bạn nên chọn ngành nghề, công ty và công việc thích làm để tiếp cận với nhà tuyển dụng. Khi bạn chọn được công ty mà ở đó bạn muốn làm việc lâu dài, hãy thuyết phục nhà tuyển dụng bằng cách nhận mức lương thấp nhất có thể, đồng thời trình bày sự đam mê, quyết tâm, gắn bó, phát triển sự nghiệp lâu dài tại công ty để thuyết phục ban giám đốc chọn mình. Nếu bạn mong muốn mức lương cao theo nguyện vọng, nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi kinh nghiệm và yêu cầu bạn chứng tỏ được rằng bạn sẽ làm việc tốt và cống hiến lâu dài.
 
Phát triển nghề nghiệp thường phải trải qua các giai đoạn dưới đây:
 
• Giai đoạn học việc (khi mới tốt nghiệp và xin được việc làm): thường trải qua 1 – 2 năm để làm quen với ngành nghề, môi trường, quan hệ trong công việc, các kỹ năng tối thiểu, nguyên tắc, quy định…
 
• Giai đoạn ứng dụng (khoảng 3 năm). Sau khi đã quen được môi trường làm việc và nắm được các quan hệ trong công việc, thì bắt đầu tận dụng những kiến thức, tư duy, kinh nghiệm học tập được để phát huy những khả năng của bản thân để ứng dụng vào công việc cụ thể được giao. Tranh thủ sự tin tưởng của cấp trên, phát huy tốt năng lực đã tích lũy để hoàn thành nhiều nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp. Giai đoạn này là tiền đề thăng tiến tại nơi làm việc.
 
• Giai đoạn trưởng thành và thăng tiến (khoảng 5 năm trở lên). Với 5 năm làm việc liên tục, niềm tin, năng lực và sự trung thành sẽ tạo cho bạn hình ảnh tốt trong lòng cấp trên. Cùng với những kinh nghiệm, thành tích đạt được trong 5 năm làm việc, bạn rất dễ được cấp trên cất nhắc giao các nhiệm vụ quan trọng hơn. Và đây chính là thời điểm thăng hoa của nghề nghiệp và là tiền đề tốt nhất để bạn đạt được những mục tiêu trước đó. Và bạn sẽ thấy có rất nhiều người nóng vội rời bỏ môi trường làm việc; bạn là người ở lại, bạn sẽ được cấp trên tin tưởng là điều đương nhiên.
 
Thực tế hiện nay các bạn trẻ vừa hoàn thành “giai đoạn học việc” thường ảo tưởng về năng lực của bản thân, thường đòi hỏi phải được nhận mức lương cao khi xin việc mà quên mất mình phải trải qua “giai đoạn ứng dụng” và mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này chính là tích lũy cho bản thân kinh nghiệm thực tiễn. Bạn phải chấp nhận mức lương vừa phải, hoặc thấp hơn nhiều so với mức bạn mong muốn rồi sau đó vào việc mà rèn luyện. Nghiêm túc nhận định kiến thức mình đã học ở nhà trường của bạn chẳng đáng là bao, bạn còn phải học nhiều, va chạm nhiều ở thực tế mà điều này không có trường lớp nào dạy cả.
 
Nhiều bạn trẻ đang trong “giai đoạn ứng dụng” lại hay thích thay đổi công việc để tìm công việc có thu nhập nhỉnh hơn thay vì phải cố gắng nâng cao năng lực làm việc. Trong khi đó đối với các nhà tuyển dụng điều này là rất đáng ngại, họ sẽ đánh giá ứng viên này là người không có tâm huyết với sự phát triển của công ty, hời hợt với sự phát triển của bản thân và riêng đối với chính các bạn: thời gian ngắn ngủi làm việc ở từng doanh nghiệp cũng không đào sâu được những kinh nghiệm quý báu mà chỉ làm việc với thâm niên nhất định mới đạt được. Có thể điều này là nguyên nhân của vấn đề nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thừa nhưng lại thiếu.
 
Hi vọng những chia sẻ trên có ích cho bạn. Chúc bạn thành công!
 
Mọi thắc mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục để đi lao động tại Nhật Bản; chính sách, nhu cầu tuyển dụng, công việc, ngành nghề XKLĐ sang Nhật Bản; cơ hội việc làm tại các công ty Nhật Bản ở VN… bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Tư vấn việc làm Nhật Bản theo địa chỉ     thuctapsinhnhatban2013@gmail.com (để đảm bảo chính xác nội dung câu hỏi, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu )