Children’s Day: Ảnh độc đáo Ngày Quốc tế Thiếu nhi

Children’s Day – International Day for Protection of Children – Ngày Quốc tế bảo vệ trẻ em

Nhân sự kiện ngày Quốc tế thiếu nhi – Children’s Day (01/06/2013), ngày này còn được gọi là ngày “Quốc tế bảo vệ trẻ em” (International Day for Protection of Children). Nhật Bản .NET.VN xin được đăng lại một bài viết về một em bé Nhật Bản. Câu chuyện được kể bởi một Cảnh sát viên Nhật gốc Việt, Hà Minh Thành.

Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người. Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: ” Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: ” Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Nghĩ lại câu nói của ông già Fuwa nguyên chủ tịch Đảng CS Nhật giáo sư dạy em về Tư bản luận đã nói rằng “Nếu Mac sống lại, ông ta sẽ thêm một câu vào trong cuốn Tư bản luận đó là “Chủ nghĩa CS chỉ thành công trên đất Nhật”.
Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe.Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.
Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.
Ở Việt Nam, đến ngày này thực ra trẻ em cũng được vui như ngày hội trăng rằm, nhưng với người lớn mọi người cùng nhắc lại với nhau về trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Mặc dù chúng ta đang ngồi gõ máy tính, đi máy bay và thế giới phẳng – không còn giới hạn khoảng cách từ Nhật đến Việt Nam. Nhưng, ngay chính Việt Nam khoảng cách về đời sống vật chất, tinh thần của các trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa so với những em ở thành thị thì thật một trời một vực. Các em ở miền núi hiện giờ vẫn còn cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm học chẳng tới nơi. Trách nhiệm xã hội, cộng đồng cần phải vượt qua sự cảm thông an ủi, mà hãy bằng những hành động thực tế hơn: đó là chia sẻ, giúp đỡ và yêu thương.

Nhân sự kiện ngày Quốc tế thiếu nhi – Children’s Day tôi xin giới thiệu câu chuyện “Cơm có thịt” của anh Trần Đăng Tuấn.

 Người ta biết đến ông bởi trong một thời gian dài, ông giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Quốc gia, trực tiếp thực hiện hàng trăm phóng sự, bình luận có giá trị với đời sống; trực tiếp chỉ đạo các chương trình từ thiện lớn như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nối vòng tay lớn”, “Trái tim cho em”… Còn tôi, tôi chỉ thực sự biết về ông từ khi ông bắt đầu dành nhiều thời gian rong ruổi trên những tuyến đường lên những bản làng xa xôi nhất ở vùng Tây Bắc tổ quốc, để cùng bạn bè và cộng sự của mình “gắp vào bát cơm của trẻ em vùng cao vài miếng thịt”…

Ông là Trần Đăng Tuấn – một người con Nam Định mà sau đây tôi sẽ dành vốn chữ nghĩa ít ỏi, vốn hiểu biết hạn hẹp và những cảm nhận chủ quan của kẻ hậu sinh để viết về ông. 

 

Hành trình “gắp thịt vào cơm”

Kết thúc công việc của mình ở Đài Truyền hình Việt Nam, Trần Đăng Tuấn thảnh thơi hơn. Ông có nhiều thời gian dành cho những chuyến đi, mà trước đây khi tại vị, ông quá bận rộn để nghĩ đến. Chuyến đi Suối Giàng, Yên Bái một ngày giữa tháng 10 năm 2011 của ông với dự định ban đầu là “ngắm mấy cây chè cổ thụ” đã diễn biến sang một ngã khác, mà có lẽ nếu không vì thế, sẽ chỉ có vài dòng mô tả những cây chè cổ thụ trên trang blog cá nhân, thay vì một câu chuyện gây rung động hàng triệu người, được chia sẻ lan truyền rộng rãi trên khắp các trang báo điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân…

Trong chuyến đi ấy, ông đã tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn của trẻ em vùng cao đang học tập tại các trường nội trú dân nuôi. Tiền ăn của các em chỉ có 5000đ/tuần, bữa ăn của các em chỉ có rau, thậm chí chỉ có muối trắng. Việc được ăn một miếng thịt trong mỗi bữa cơm, đối với các em thật sự là một ước mơ… Từ Suối Giàng, ông Tuấn và anh em đi cùng ôm bụng đói và ví rỗng về tới Hà Nội, vì tất cả + tiền trong người đã dành để nấu cho các em học sinh trường Tiểu học Suối Giàng một bữa cơm có thịt…

 

alt

Trần Đăng Tuấn trong chuyến đi Suối Giàng

 

Sau chuyến đi Suối Giàng không lâu, ông Tuấn kêu gọi bạn bè thân thiết thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ em vùng cao, lấy tên là “Cơm có Thịt”. Rất đông các bạn đồng nghiệp của ông, và cả những người không quen biết ủng hộ ý tưởng này. Ngay từ những ngày đầu tiên kêu gọi sự chung tay, ông Tuấn và những người sáng lập đã có lúc rưng rưng vui mừng vì hàng ngàn khoản đóng góp trong và ngoài nước liên tục được chuyển vào tài khoản “Cơm Có Thịt”.

Từ cơ duyên như thế, Trần Đăng Tuấn và những người bạn của ông bắt đầu hành trình gắp thịt vào bát cơm của trẻ em vùng cao.

Câu chuyện về một trái tim

“Cơm Có Thịt” hoạt động được chừng 6 tháng, một người bạn của ông Tuấn đem chuyện của hai mẹ con cháu bé người Giao Thủy – Nam Định mắc bệnh tim bẩm sinh kể cho ông, và mong ông nghĩ cách giúp đỡ.

Cô bé tên Lưu Thị Thu Huyền, lên sáu tuổi, đã mắc phải bệnh tim bẩm sinh thân trung động mạch loại 3, phức tạp nhất trong các loại về tim bẩm sinh và hầu như ở độ tuổi này không có bé nào còn có thể sống sót. Trên thế giới, với đầy đủ phương tiện kỹ thuật, thường người ta sẽ tiến hành mổ luôn từ những tuần tuổi đầu tiên; số ca phẫu thuật thành công những bệnh nhân ở độ tuổi như bé Huyền chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khi ông Tuấn gặp mẹ con bé Huyền, chị Hằng – mẹ bé Huyền – không thể giấu được sự đau buồn và tuyệt vọng cho ông biết, chị đã đưa con đi nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, và đều nhận được sự từ chối, do tỷ lệ thành công nếu tiến hành phẫu thuật là vô cùng thấp, gần như không thể hi vọng. Khi ấy, ông Tuấn đã viết những dòng này trên trang cá nhân của mình:

“Giờ đây, cô bé không còn cần đến y học nữa, không còn cần đến những bước đi dài ngắn của khoa học kỹ thuật nữa, không cần đến mọi quỹ từ thiện nữa…Với cô bé tên Huyền, y học và tình thương đã đến muộn. Còn phía trước có bàn tay Đức Phật đón em vào.

Vì chúng ta đã đến muộn…”

Lúc ấy, mặc dù gần như đã tuyệt vọng, ông Tuấn vẫn đưa hồ sơ bệnh án của bé Huyền lên mạng internet và kêu gọi những người có chuyên môn Y học xem xét. Sau nhiều sự phản hồi không khả quan, cuối cùng tia hi vọng cũng lóe lên khi bác sĩ Lê Ngọc Thành – GĐ Trung tâm Tim mạch Bệnh Viện E đồng ý nhận bé Huyền nhập viện vì ông thấy rằng còn khả năng phẫu thuật thành công.

Vậy là cứ một tuần, ông Tuấn và những bạn bè “Cơm Có Thịt” dành thời gian vào thăm bé Huyền ít nhất một lần. Hơn một tháng kể từ ngày bé Huyền nhập viện, tâm trạng ông và bác sĩ Thành lên xuống cùng kết quả theo dõi, xét nghiệm của bé, có những lúc đầy hy vọng, và có cả những ngày tuyệt vọng cùng cực. Cuối cùng, sau nhiều cuộc hội chẩn, bác sĩ Thành quyết định mổ cho Huyền, dù tỉ lệ thành công chỉ…dưới 1%. Tổng chi phí ca mổ hơn 100 triệu đồng đều do ông Tuấn và “Cơm Có Thịt” đóng góp.

Ca mổ thành công sau hơn 4 tiếng đồng hồ. Ông Tuấn, chị Hằng, bác sĩ Thành và tất cả những người có mặt đều vỡ òa hạnh phúc. Bé Huyền đã được giành lại từ tay của tử thần…

Ca phẫu thuật đã qua được nửa năm, bé Huyền giờ đây đã học hết học kỳ đầu của lớp 1, thông minh và lanh lợi. “Ông Tuấn!” – đó là cái tên mà chị Hằng và những người trong gia đình vẫn nhắc cho bé Huyền nhớ đến mỗi ngày.

Chỉ mong làm được những điều nho nhỏ…

Câu chuyện về bé Huyền, mỗi khi nhắc lại, ông Tuấn vẫn rưng rưng. Ông vẫn thường gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe và học tập của cô bé. Sau bé Huyền, “Cơm Có Thịt” tiếp tục vận động giúp đỡ nhiều cháu bé và gia đình mắc bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chữa bệnh.

Một năm thành lập và hoạt động, “Cơm Có Thịt” đã đến với trẻ em những vùng sâu vùng xa nhất của tổ quốc, từ Yên Bái đến Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu… Ông Tuấn và những người bạn đã tổ chức hàng chục chuyến đi, mang theo hơi ấm và tấm lòng trong “Bát cơm có thịt” đến với hơn 7000 học sinh thuộc hơn 60 điểm trường với tổng số tiền lên đến gần 6,5 tỉ đồng.
 

 

alt

Một chuyến đi từ thiện của ông Trần Đăng Tuấn và “Cơm Có Thịt”

 

Những hình ảnh và nghĩa cử của “Cơm Có Thịt” được chia sẻ rộng rãi trên internet, trở thành cầu nối nhân rộng tình yêu thương. Liên tiếp các quỹ “Cơm Có Thịt” của các du học sinh và kiều bào được thành lập tại Mỹ, Úc, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản… và nhiều nước khác có người Việt Nam sinh sống và học tập. “Cơm Có Thịt” không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ mua thực phẩm cho học sinh vùng cao nữa, mà còn mua áo ấm, chăn ấm, dụng cụ học tập, sinh hoạt, xây sửa trường lớp…cho các em.

Viết trên trang cá nhân của mình, ông Tuấn bộc bạch: “chỉ mong làm được những điều nho nhỏ…”. Tôi – người viết bài viết này, một kẻ hậu sinh may mắn được biết ông, chứng kiến những việc ông làm cùng “Cơm Có Thịt”, vẫn nghĩ rằng những điều ấy thật không nhỏ chút nào, bởi hàng nghìn người đang nhờ đó mà nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ.

Nhưng rồi, cứ nghĩ mãi về câu bộc bạch giản dị ấy, tôi hiểu ra một điều quan trọng hơn, mà tôi tin cũng chính là điều ông muốn gửi gắm, đó là: đừng chờ đợi đến lúc có khả năng làm gì đó lớn lao, chỉ cần mỗi người đều mong muốn được sẻ chia, hãy bắt đầu bằng những điều nho nhỏ…

Nhật Bản tổng hợp