Xuất khẩu lao động trái phép và hệ lụy đau lòng.

Tình trạng lừa đảo, xuất khẩu lao động chui vẫn diễn ra rất nóng ở Nghệ An và nhiều địa phương khác. Không chỉ có các cá nhân môi giới xuất khẩu lao động trái phép, mà có cả các DN mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn đứng ra tổ chức tuyển người đi lao động xuất khẩu.

Những “cái chết” đau lòng
 
Tình trạng lừa đảo, môi giới xuất khẩu lao động trái phép đang diễn biến phức tạp ở Nghệ An. Vấn nạn này đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh mất chồng, mất con, nợ nần chồng chất…
 
Dư luận tại Nghệ An từng xôn xao vụ việc 3 nạn nhân Lê Công Khoa trú huyện Quỳnh Lưu, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Dũng trú huyện Diễn Châu bị chết ngạt khí gas ở Liên bang Nga. Trước đó, các nạn nhân đã nộp 50 triệu đồng cho một đường dây xuất khẩu lao động trái phép để được sang Nga lao động.
 
Hay trường hợp anh Nguyễn Công Nguyên, trú thị xã Cửa Lò, bị bệnh sốt rét rồi tử vong tại Angola. Nạn nhân theo một đường dây xuất khẩu lao động trái phép để được đi xuất khẩu lao động sang quốc gia châu Phi này. Ông Nguyễn Công Hợp, bố nạn nhân cho biết, qua môi giới của các đối tượng xuất khẩu lao động, con trai ông được đưa sang Angola theo đường du lịch, với chi phí 6.000 USD, rồi ở lại tham gia vào lực lượng lao động trái phép…

 
 
 
 
 Đối tượng Đặng Cơ Thạch tại Công an huyện Yên Thành
 
Thương tâm hơn có nạn nhân như anh Nguyễn Quang Hạnh, trú huyện Nghi Lộc bị đâm chết khi đòi tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động. Trước đó, anh Hạnh cùng với bố đến chi nhánh CTCP Thương mại và Xuất nhập khẩu xây dựng Cosveco (trụ sở tại TP. Vinh) để đòi lại 2.500 USD, mà anh đã đặt cọc để đi xuất khẩu lao động ở Angola nhưng do quá thời hạn vẫn không đi được.
 
Khi biết anh Hạnh đến đòi tiền, giám đốc chi nhánh chỉ đạo nhân viên gọi điện một số đối tượng “có máu mặt” để ép hai bố con anh Hạnh ra khỏi văn phòng. Trong lúc xô xát, các đối tượng này đã rút dao mang theo đâm vào lưng anh Hạnh khiến nạn nhân tử vong.
 
Thủ đoạn tinh vi
 
Có thể nói tình trạng lừa đảo, xuất khẩu lao động chui vẫn diễn ra rất nóng ở Nghệ An và nhiều địa phương khác, bất chấp liên tục được các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo, cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp ngăn chặn. Không chỉ có các cá nhân môi giới xuất khẩu lao động trái phép, mà có cả các DN mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn đứng ra tổ chức tuyển người đi lao động xuất khẩu.
 
Vụ việc CTCP đầu tư, thương mại phát triển SoNa không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng vẫn ra thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở các nước vẫn còn nóng ở Nghệ An… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc tràn lan đối tượng môi giới xuất khẩu lao động trái phép.
 
Các “cò” xuất khẩu lao động đang hoạt động ngang nhiên, công khai lấn át cả các DN xuất khẩu lao động hợp pháp. Giám đốc một DN có chức năng tuyển dụng lao động ở Nghệ An cho biết, việc tuyển dụng lao động ở các địa phương rất khó bởi các đối tượng này hoạt động quá mạnh…
 
Sau một thời gian điều tra, tổ công tác do Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã bắt giữ đối tượng Ngô Thu Lý, trú huyện Tân Yên (Bắc Giang), tự xưng là cán bộ Thanh tra Chính phủ, về các huyện Yên Thành, Đô Lương… để lừa đảo, môi giới xuất khẩu lao động. Theo đó, Lý chỉ đạo đồng bọn là Giáp Văn Trung và Chu Ngọc Lâm làm giả nhiều giấy tờ, hồ sơ của nước ngoài rồi giới thiệu với người dân muốn cho con em đi xuất khẩu lao động ở các nước như: Hàn Quốc, Canada với mức lương “khủng”.
 
Với danh nghĩa cán bộ Thanh tra Chính phủ, các đối tượng còn qua mặt được cả chính quyền khi mượn được Hội trường của UBND xã Tiến Thành (Yên Thành) để tổ chức cái gọi là hội thảo tuyên truyền về thủ tục đưa người đi lao động tại nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn các đối tượng đã thu gom của người dân một khoản tiền không nhỏ chỉ bằng những lời hứa hão.
 
Cũng tại huyện Yên Thành, cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng Đặng Cơ Thạch, trú xã Minh Thành, ngăn chặn đường dây tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép. Theo cơ quan điều tra, sau một thời gian ở nước ngoài, đầu năm 2014 Đặng Cơ Thạch bắt đầu về nước để lên kế hoạch tuyển người đi sang nước ngoài trái phép. Với những chiêu như đưa ra mức lương hấp dẫn, tiền công hàng tháng người ở nhà có thể nhận trực tiếp từ Thạch nên mọi người có thể yên tâm làm việc mà không lo bị quỵt lương.
 
Chỉ trong tháng 4/2014, Thạch đã dụ dỗ được khoảng gần chục người làm hộ chiếu sang Trung Quốc theo hình thức du lịch để trốn tránh cơ quan chức năng. Khi làm xong thủ tục hộ chiếu, 6 nạn nhân đã được Thạch đưa sang Trung Quốc trót lọt. Mỗi lao động sang Trung Quốc trái phép như vậy, Đặng Cơ Thạch thu 7 triệu đồng, với lý do để làm thủ tục… hợp pháp.
 
Trong khi đó, việc ngăn chặn môi giới lao động trái phép của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Văn Thúy, Trưởng Phòng Lao động việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An), tình trạng môi giới xuất khẩu lao động trái phép đang diễn ra công khai ở nhiều địa phương. Người lao động cần cảnh giác, có những người môi giới cho một số DN có uy tín nhưng cũng có “cò” lợi dụng xuất khẩu lao động để trục lợi.
 
 Nghi Lộc – Châu Quỳ