Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Nhật Bản và, Mekong- Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thắt chặt cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Nhật Bản và, Mekong- Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khép lại Năm Hữu nghị Việt-Nhật sôi động.

Kết thúc Năm Hữu nghị Việt-Nhật sôi động

Năm 2013, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tròn 4 thập kỷ phát triển kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013 đã khép lại với nhiều hoạt động sôi nổi trên tất cả các phương diện, ở tất cả các cấp và là minh chứng cho mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững, cùng có lợi và cùng hướng tới tương lai.

“Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013” mở đầu bằng chuyến thăm chính thức Việt Nam 2 ngày (16-17/1) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay sau khi ông tái nhậm chức. Khi chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông tới thăm,Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh, trong một tuyên bố ngắn với báo chí trước khi lên đường : “Đối với Nhật, Việt Nam là một đối tác quan trọng” và “hai nước chúng ta cùng chia sẻ những thử thách giống nhau, trong lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau”.

Khoản vốn vay ODA mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án hạ tầng cơ sở cùng cam kết tiếp tục hợp tác trong việc hoạch định và triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính là những hành động thiết thực mà người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản thực hiện ngay trong chuyến thăm, thể hiện cam kết của Nhật Bản trong việc “hỗ trợ lẫn nhau” và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, ngày 15/12

Việc Thủ tướng hai nước cùng tuyên bố khai mạc “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013” đã mở đầu cho nhiều hoạt động sôi nổi và phong phú diễn ra trong suốt cả năm, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong rất nhiều hoạt động kỷ niệm, Đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ tư tại Tokyo ngày 11/11 là cơ hội để hai bên chia sẻ ý kiến, quan điểm về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng của mỗi nước, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực cũng như tại các diễn đàn đa phương.

Trong năm 2013, đã có nhiều đoàn cấp cao hai nước sang thăm và làm việc lẫn nhau. Phía Nhật Bản có Thứ trưởng phụ trách kỹ thuật và bất động sản Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Hirofumi Hihara sang phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng (6-7/3); Đô đốc Kawano Katsutoshi, Tư lệnh Hải quân Phòng vệ Nhật Bản sang thăm và làm việc ngày 2/5; Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế tài chính Amari Akira (3/5); Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Hyashi Yoshimasa (4/5); Đại tướng Hruhico Kataoka, Tham mưu trưởng lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (13/5); Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Motegi và Chủ tịch Ủy ban Công an Quốc gia Keiji Furuya (cùng trong tháng 7); Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera (15-17/9), và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Akihiro Ohta (13-14/9).

Ở chiều ngược lại, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã thăm Nhật Bản từ ngày 13-17/5, làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, Chủ tịch Ủy ban Công an quốc gia Keiji Furuya, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Tsuyoshi Yoneda, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị đa đảng phái Toshihiro Nikai và Đại sứ đặc biệt Việt-Nhật Ryotaro Sugi, nhằm tăng cường quan hệ, thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Cũng trong tháng 5, nhân dịp tham dự Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 19 tại Tokyo, Nhật Bản, trong các ngày 22-25/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hội kiến Thủ tướng Shinzo Abe, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Tamura Norihisa và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa thể thao và Khoa học công nghệ Shimomura Hakubun; tiếp một số chính trị gia và lãnh đạo các công ty Nhật Bản. Phó Thủ tướng cũng đã dự Diễn đàn đặc biệt về hợp tác giáo dục Việt-Nhật, chứng kiến lễ ký kết giữa Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc tiếp tục mở rộng và phát triển chương trình dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.

Và “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013” đã khép lại thành công với chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu trong các ngày 12-15/12.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama

Hai nước bạn bè “dĩ tâm truyền tâm”

Không lời nào ý nghĩa hơn sự chia sẻ của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama khi trả lời phỏng vấn TTX Việt Nam về mối quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật Bản:

“Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là hai nước bạn bè cùng chung nhịp đập trái tim. Đối với Nhật Bản, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Việt Nam là quốc gia có thể dùng cụm từ “dĩ tâm truyền tâm”, có nghĩa là người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời để nói. Tôi nghĩ rằng Việt Nam chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy nhất”.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng “người Việt Nam và người Nhật Bản là những đối tác có thể hợp tác với nhau, có thể tin cậy lẫn nhau về lâu về dài” còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành khá nhiều thời gian trong chuyến công du của mình để tiếp đại diện hầu hết các giới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp đang có giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch và Ban lãnh đạo Liên minh Nghị sĩ Nhật – Việt

Trong thời gian 3 ngày thăm và làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; gặp gỡ các chính trị gia như cựu Thủ tướng Hatoyama Yukio, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Nhật-Việt Nikai Toshihiro, Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) Matsuzawa Ken, Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa Yuji Kuroiwa; cũng như lãnh đạo nhiều tổ chức, tập đoàn kinh tế của Nhật Bản như Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) Yoneikura Hiromasa, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Nakamura Kuniharu, Chủ tịch Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Hiroshi Watanabe và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu như Mitsubishi, Honda, Hitachi, Sumitomo, Canon, Takashimaya; và cả các chuyên gia y tế như Giáo sư Natsume Nagato, Chủ tịch Hiệp hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản, chuyên gia mổ hàm ếch nhân đạo cho Việt Nam.

Tại các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều nhấn mạnh, quan hệ Việt-Nhật trong 40 năm qua liên tục có những bước phát triển hết sức tốt đẹp, sôi động và toàn diện, đỉnh cao là việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” vào tháng 4/2009, và đang trong giai đoạn tốt nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam trân trọng, hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp to lớn vào việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thủ tướng mong muốn phía Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng của Việt Nam thực hiện giai đoạn V Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản và Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Nhật Bản sang đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực và ngành đã được chọn lựa trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật.

“Việt Nam cần các DN nước ngoài, đặc biệt là DN Nhật Bản, vì Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tập quán nên dễ chia sẻ, thông cảm và ủng hộ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên. Việt Nam tạo mọi điều kiện để hai bên cùng có lợi, cùng phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp và các tổ chức như Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, FEC sẽ tiếp tục là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản, có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những ngày qua, như Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada nhận xét, mang ý nghĩa đánh dấu kết thúc “Năm hữu nghị Nhật-Việt”, nhưng đồng thời sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, giữa hai nước bởi “Việt Nam luôn coi thành công của các bạn (Nhật Bản) chính là thành công của mình, vì các bạn thành công sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm ở Việt Nam” như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản ngày 13/12.

 

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản.

Góp phần củng cố quan hệ ASEAN-Nhật Bản

Trong nghị trình chuyến công du Nhật Bản dịp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5 và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo.

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5 dưới sự chủ trì củaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tập trung rà soát những kết quả đã đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo 2012 và thảo luận về các nội dung hợp tác trong thời gian tới của “quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng chung” giữa các nước Mekong và Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt là việc hoàn tất các hạ tầng và tuyến giao thông còn thiếu, khẳng định tính cấp thiết của hợp tác giữa các nước trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước sông Mekong hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định và lâu dài của khu vực.

Tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể gắn kết khu vực Mekong với các nước ASEAN hải đảo-Ấn Độ Dương và Nhật Bản, đề nghị các bên phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn tất nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong về phát triển và quản lý bền vững sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Nhật Bản và nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực triển khai các cam kết, thỏa thuận và chương trình hợp tác đã thỏa thuận; hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh triển khai liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển Tiểu vùng Mekong và sử dụng bền vững nguồn nước.

Cùng với các nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác tích cực và hỗ trợ quan trọng của Nhật Bản dành cho ASEAN trong hợp tác, liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như trong ứng phó với các thách thức ở khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản; Kế hoạch Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn và Tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản về hợp tác đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu; đề ra định hướng lớn và các biện pháp triển khai cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản vì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng ở khu vực.  

Quang cảnh Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5.

Chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã khép lại, cũng đồng thời khép lại một Năm Hữu nghị Việt-Nhật với rất nhiều sự kiện long trọng và thành công tại hai nước nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, để mở ra những chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Xin kết thúc bài tổng kết này bằng nhận xét của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada: “Việc thảo luận về giải pháp cho nhiều vấn đề cũng như cách thức hợp tác trong tương lai tại các diễn đàn, hội nghị ASEAN, Mekong và Hội đàm thượng đỉnh song phương Nhật Bản-Việt Nam được tiến hành trong Năm Hữu nghị này sẽ thắt chặt cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực”.