Mấy suy ngẫm từ đất nước, con người, văn hóa Nhật Bản

Mỗi khi nhìn bản đồ thế giới, ngoài việc “ngắm” và nghĩ về hình chữ S mến yêu thì tôi luôn luôn tin rằng có hai tấm bản đồ đáng nhìn nhất là bản đồ nước Anh và Nhật Bản. Nước Anh chỉ có hơn 240.000 km2 nhưng lại là “người mẹ bé nhỏ” của những đứa con khổng lồ như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nam Phi, New Zealand…. Còn Nhật Bản? Tài nguyên hầu như chỉ có bão tố và động đất (mỗi năm 25 trận bão và đất đai thì liên tục “rung rinh” – điển hình của tai họa là trận động đất ở Tokyo năm 1922 làm chết 50 vạn người, trận động đất ở Kobe năm 1994 làm chết 10.000 người. 4.000 hòn đảo đứt gãy, lởm chởm như một cây bonsai khổng lồ của tạo hóa…; thế mà lại là nước duy nhất của châu Á, châu Phi không bị biến thành thuộc địa của phương Tây và, hàng chục năm nay (tính từ 1968) là cường quốc kinh tế số 2 của thế giới…

 

 Núi Phú Sĩ – một trong những biểu tượng của Nhật Bản.  Ảnh: ST

  Tên cổ xưa của Nhật Bản là Nippon – Xứ mặt trời. Tên chính thức bây giờ là Yamato – Vương quốc Mặt trời mọc. Nhà nước chính thức được ra đời năm 645, qua cuộc cải cách của Taikwa. Người Nhật ghi nhận là nhờ có Trung Quốc họ mới biết cách tổ chức nhà nước, có chữ viết, có Nho gia và Phật gia… Một số nước khác không dám bày tỏ một cách thẳng thắn và đúng mức như thế?

          Quan hệ hữu hảo Nhật – Việt cách đây 400 năm có lẽ là một trong những thành tựu giao thương nhiều ý nghĩa: Dưới thời của Tướng quân (Shogun) Tokugawa Ieyashu (1542-1616), số lượng thuyền buôn của Nhật Bản đến Hội An tăng gấp 2-3 lần – là một tiền đề quan trọng để Hội an trở thành một thương cảng lớn trong khu vực và tất nhiên, đó cũng là điều kiện để Hội An hôm nay trở thành Di sản văn hóa của thế giới.

          Năm 1853, Mỹ đem 3 tàu chiến đến cảng Osaka để đòi Nhật Bản phải mở cửa giao thương. Nhật Bản lần lữa nhưng không có ý đối đầu vì họ có câu châm ngôn nằm lòng: “Dũng là biết sợ những gì đáng sợ, không sợ những điều không đáng sợ”. Thực tế lịch sử cho thấy 45/48 nước châu Á kiên quyết chống phương Tây đều thảm bại rồi, bị nô dịch. Đó là thất bại tất nhiên của chế độ phong kiến lỗi thời trước chủ nghĩa tư bản đang thắng thế. Chỉ có Mông Cổ, Thái Lan và Nhật Bản là không bị các đế quốc Tây Âu đô hộ.

          Nhật Bản đã đưa ra một mẫu mực tuyệt vời của sự tinh tế, khôn ngoan: Buộc phải mở cửa cho Mỹ vào (năm 1858) nhưng đồng thời họ cũng mở cửa luôn cho 4 nước nữa là Nga, Anh, Pháp, Hà Lan cùng vào(!) Vậy là, phương thức “dùng 4 khống chế 1” đã mặc nhiên tạo nên thế chống đỡ – kìm hãm tham vọng lẫn nhau đã làm cho không một nước nào trong 5 nước có thể trở thành “ông chủ” duy nhất của nước Nhật.

          Biết rằng nếu chỉ khôn ngoan không thì không đủ nên các tinh hoa chính trị Nhật Bản đã quyết định rằng phải thống nhất và thay đổi. Cuộc tấn công đầy quyết tâm và quả cảm của Thiên Hoàng (Tenno) Mushuhito tháng Giêng năm 1868 đã thống nhất được Nhật Bản – điều mà 1.200 năm trước không thể nào làm được. Cuộc cách mạng Meiji (hay bị các nhà sử học nhận nhầm là cải cách Minh Trị Duy tân, được mở đầu bằng một quyết định chưa có tiền lệ khi Thiên Hoàng tuyên bố rằng thời kỳ học hỏi nền văn minh Trung Hoa dài lâu phải được chấm dứt. Nhật Bản học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây sau 100 năm(!) Lời nguyền đó đã được hiện thực hóa đúng 100 năm sau –  năm 1968. Điều đáng suy ngẫm nhất là để “đoạn tuyệt” với quá khứ Trung Hoa nhiều ám ảnh, Nhật Bản đã quyết định hủy bỏ âm lịch, dùng dương lịch. Cái đáng nhớ nhất là Nhật Bản không cải cách giáo dục theo kiểu chắp vá, họ áp dụng mô hình Hà Lan cho tiểu học, mô hình Pháp cho trung học và mô hình Mỹ cho đại học – những nền giáo dục tốt nhất theo từng cấp học thời bấy giờ.

          Khi tàu Mỹ đến Osaka, Thiên Hoàng đã ngất xỉu vì tưởng đó là tàu “ma”: Không chèo, không buồm sao lại chạy được với khói đen mù mịt, tiếng nổ đinh tai? Thế mà, chỉ 19 năm sau, năm 1872, Nhật Bản đã khánh thành đoạn đường xe lửa đầu tiên từ Tokyo đến Yokohama dài gần 40km(!). Học hỏi đến nơi đến chốn, kỷ luật và sáng tạo; bổn phận; trách nhiệm là danh dự (sekinin) trở thành nguyên tắc sống, thái độ sống của mỗi con người. Có rất nhiều chuyện kể về tính kỷ luật, trọng danh dự của người Nhật. Câu chuyện của nhà thơ Nga Exênhin thật cảm động. Eexênhin kể rằng có một lần sau khi uống rượu với người Ainu (dân tộc thiểu số duy nhất, chừng 2 vạn, sống ở cực bắc đảo Hokkaido), nửa đêm ông lái xe về thành phố Salgado. Đến một quãng đường vắng, từ xa, nhà thơ Nga thấy một ánh đèn đỏ. Lại gần thì thấy một cụ già cầm cây đèn bão đứng gần với đoạn đường đang bị đào thành hố sâu để đặt ống cống. Qua bên kia cũng có một cụ già với cây đèn như thế. Lúc đó trời đang có bão tuyết và cái lạnh dưới độ không. Ngạc nhiên và tò mò, Eexênhin xuống xe và hỏi rồi nhận được câu trả lời là các cụ già đã về hưu, lương hưu không đủ sống nên nhận thêm việc gác đường. Tại sao không để đèn đó rồi về ngủ? Câu trả lời là: Bổn phận gác đường phải làm tròn. Lỡ gió mạnh thổi tắt đèn thì sao? Báo Thanh Niên ngày 9.8.2010 đăng chuyện ở Quảng Ngãi có một cái chết thương tâm do đi vào đoạn đường đang đào dở, rơi xuống hố sâu không có cảnh báo mà chết(!) Tháng nào ở nước ta không có những cái chết tương tự do sự vô trách nhiệm, vô cảm của những người “quên” không đậy nắp hố ga, “quên” không đặt đèn, đặt biển cảnh báo?

          Ngày 7.12.1941, người Nhật bất ngờ tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) – khi mà cuộc đàm phán về “hòa bình” vẫn đang diễn ra ở Washington D.C. Sự tráo trở đó của bộ máy chiến tranh Nhật Bản đã làm cho 50 vạn người chết thảm vì trận đòn thù của người Mỹ ở Hiroshima và Nagazaki tháng 8 năm 1945. Ai cũng nghĩ rằng nỗi đau thảm thê đó của người Nhật sẽ làm cho họ hóa đá trong quan hệ Nhật – Mỹ. Thế nhưng, bất ngờ và khó tin là người Nhật đã nuốt cả nước mắt và máu vào tim để ký với Mỹ Hiệp ước An ninh năm 1951; 6 năm để hóa giải mọi điều cay đắng và sỉ nhục – quả là kỷ lục của sự chịu đựng: Chịu đựng đến mức tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa mới đáng gọi là chịu đựng là một trong những câu châm ngôn ưa thích của người Nhật. Hiệp ước an ninh với Mỹ đã cho phép người Nhật chỉ phải chi phí cho quốc phòng mỗi năm chưa đến 0,1% GDP trong hàng chục năm trời. Cũng không hề thấy nhà sử học hoặc nhà bình luận chính trị quốc tế nào nói rằng vì hiệp ước đó mà Nhật Bản trở thành tay sai của Mỹ? Và, ai cũng biết một thực tế là Nhật Bản ngày càng trở nên giàu có, tự tôn…

          Lịch sử Nhật Bản có rất nhiều điều đáng bàn, đáng nghĩ; nhưng có lẽ cái ấn tượng nhất là những tính toán đường xa.  Tại sao không học hỏi cách người Nhật đã làm thế nào để nâng chiều cao cho cả dân tộc lên 10cm chỉ trong vòng nửa thế kỷ (năm 1945, chiều cao trung bình là 149 và 159cm cho nữ và nam; bây giờ là 160 và 170cm)? Tại sao cứ loay hoay tìm lối đi bằng cách viện dẫn, ngụy biện cho “đặc thù Việt Nam” để phủ định những cách làm hiệu quả, thành công của “Nhật lùn” như xưa kia dân ta vẫn nghĩ?