kinh tế Nhật Bản tháng 2-2015

Chính phủ Nhật Bản ngày 16/2/2015 cho biết kinh tế nước này trong quý IV/2014 đạt mức tăng trưởng hàng năm là 2,2% và tăng 0,6% so với Quý III/2014. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, đây được coi là một tín hiệu khả quan cho những nỗ lực của ông Abe nhằm đưa đất nước thoát khỏi thập kỉ trì trệ. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn khá mong manh, tỷ lệ tăng trưởng vẫn nhỏ hơn so với dự báo tăng 3,7% của các chuyên gia kinh tế theo khảo sát của Reuters. Tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% GDP, tăng 0,3% trong quý cuối cùng năm 2014, thấp hơn so với dự báo trung bình tăng 0,7%[1]. Với đà tăng trưởng trở lại này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ trì hoãn việc mở rộng gói kích thích tiền tệ trong những tháng tới, ngay cả khi giá dầu sụt giảm đẩy lạm phát tiếp tục xa rời mục tiêu 2%.

 
Xem thêm: Đi Nhật
 
Bên cạnh đó, đồng yên suy yếu tiếp tục giúp chứng khoán Nhật Bản nới rộng đà tăng điểm. Trong phiên giao dịch chiều ngày 20/2/2014, chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi đóng cửa phiên 19/2/2014. Cụ thể, khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,37% (67,51 điểm) lên 18.332,30 điểm[2].  Các nhà phân tích nhận định đây có thể là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang thoát khỏi xu hướng giảm phát, mặc dù ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Theo giới phân tích, khả năng thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn tiếp tục nới lỏng đà tăng điểm là khá cao. Điều này sẽ tạo ra “hiệu ứng tài sản”[3] giúp thúc đẩy tiêu thụ và đầu tư tại Nhật Bản. Theo ông Toru Sasaki, một nhà phân tích chiến lược tại ngân hàng JP Morgan Chase, đồng yên yếu sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty Nhật Bản ở nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước trước khi kết thúc năm tài chính 2014 (kết thúc vào 3/2015)[4].
 
Ngoài ra, lợi ích của việc đồng yên suy yếu đã giúp xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng, niềm tin kinh doanh được cải thiện. Báo cáo kinh tế hàng tháng của chính phủ Nhật Bản công bố ngày (19/2/2015) cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2015 tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2013.  Trong một báo cáo công bố ngày 20/2/2015, Chính phủ Nhật Bản đã nâng cao đánh giá triển vọng ngành xuất khẩu của nước này lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua, và cho rằng nền kinh tế đang phục hồi ở tốc độ vừa phải. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng nâng cao đánh giá về triển vọng xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này trong một báo cáo công bố ngày 18/2/2015. Theo khảo sát của Reuters vào 19/2/2015, tình cảm kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng nhẹ trong tháng 2/2015[5]. Những xu hướng tích cực này đã củng cố thêm niềm tin vào những nỗ lực của ông Haruhiko Kuroda trong việc giảm giá trị đồng yên. Đồng yên đã giảm 30% kể từ khi ông trở thành thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hai năm trước đây và điều này đã mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, theo giới truyền thông Nhật Bản, một số thành viên Hội đồng chính sách BOJ lo ngại việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu lạm phát 2% của ông Kuroda có thể tác động bất lợi đến chi phí sinh hoạt của người dân nước này bởi vì hệ quả đồng yên suy yếu đã khiến giá nhập khẩu tăng vọt, tiền lương tăng không theo kịp với giá cả. Hiện nay xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ và châu Á đang có xu hướng bền vững, và Thủ tướng Shinzo Abe đã gây áp lực mạnh mẽ lên các doanh nghiệp Nhật Bản tăng lương cho người lao động. Do đó, thu nhập và tiêu dùng có thể sớm tăng trong thời gian tới
 
Theo: cjs.inas.gov.vn