Sự can trường của người Nhật hình thành từ những ngôi trường mẫu giáo

Ở trường học Nhật Bản, từ cấp mẫu giáo, trẻ nhỏ được dạy đi dạy lại bài học xếp dép ở ngoài cửa lớp cho tới khi nhuần nhuyễn, rồi lại được thực hành đi thực hành lại bài học về cất đồ chơi… Cô giáo sẽ kiên trì yêu cầu trẻ hoàn thành mà không có sự nhân nhượng, ưu tiên nào.

Ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần

Trẻ nhỏ rất thích khám phá thế giới và liên tục chinh phục những mốc phát triển mới. Từ việc chập chững tập đi cho tới xỏ đôi giầy đầu tiên hay tự đi bộ tới trường mà không cần mẹ bế… Nhưng các bé cũng thường xuyên bực bội khi cố gắng thử một nhiệm vụ nào đó. Chúng có thể dễ bỏ cuộc khi gặp việc gì đó quá khó khăn và yêu cầu mẹ hoàn thành nốt.

Kate Lewis, một phụ nữ người Mỹ đang sinh sống tại Nhật Bản, có con trai 2 tuổi cho biết cô luôn muốn con kiên trì với những nhiệm vụ đầy thử thách. Dạy cho bé cách không từ bỏ là cuộc chiến đầu tiên mà cô muốn con đối mặt.

“Tôi muốn con trai kiên trì với những thách thức, không từ bỏ ngay từ khó khăn đầu tiên. Nếu không thành công, tôi muốn thằng bé thử lần nữa. Quan trọng nhất, tôi tin rằng những gì tôi dạy nó lúc 2 tuổi sẽ hình thành cách nó đối mặt với cuộc sống trong tương lai. Tôi muốn trao cho nó những công cụ để trở nên kiên cường”, Kate chia sẻ.

Trẻ nhỏ rất thích khám phá thế giới và liên tục chinh phục những mốc phát triển mới. Ảnh dẫn theo The Rice Bowl.

Và với quan điểm mạnh mẽ như vậy, Kate đã rất ưng ý khi nuôi dạy con ở Nhật Bản, bởi các trường học tại đây có cùng cách giáo dục trẻ nhỏ như cô. Kate đã rất tâm đắc khi cô giáo tiếng Nhật của mình nói với Kate một câu tục ngữ của Nhật Bản gói gọn hoàn toàn những gì cô muốn dạy con trai mình: “Nana korobi ya oki” (nghĩa là: Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần).

Đó chỉ là một cách nói hình tượng, bởi nếu bạn ngã bảy lần thì bạn sẽ chỉ đứng dậy bảy lần mà thôi, nhưng sự hơn kém về con số để nhấn mạnh ý nghĩa rằng, dù bạn có vấp ngã nhiều thế nào, thì bạn vẫn phải đứng dậy với nỗ lực ngày càng lớn hơn.

Khái niệm về Ganbaru cũng bắt nguồn từ nền văn hoá Nhật Bản với nghĩa đen là diễn tả ý tưởng gắn bó với một nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành với sự bền bỉ, nỗ lực liên tục. Hầu hết chúng ta đều nhanh chóng bỏ cuộc với những công việc yêu cầu nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn dự tính. Nhưng người Nhật thường cố gắng tới cùng dẫu có thể biết chắc là thất bại chỉ vì một niềm an ủi và tự hào duy nhất là mình “đã cố gắng hết sức”.

Vì thế ở trường học, từ cấp mẫu giáo, trẻ nhỏ được dạy đi dạy lại bài học xếp dép ở ngoài cửa lớp cho tới khi nhuần nhuyễn, rồi lại được thực hành đi thực hành lại bài học về cất đồ chơi… Cô giáo sẽ kiên trì yêu cầu trẻ hoàn thành nhiệm vụ này rồi lại tới nhiệm vụ khác mà không có sự nhân nhượng, ưu tiên nào.

Em bé Nhật đang tập làm bánh. Ảnh dẫn theo Savvy Tokyo

“Hãy làm tốt!” thay vì “Chúc may mắn!”

Kate cho biết cô đã đột nhiên nhận ra sự khác biệt lớn trong suy nghĩ của người Mỹ và người Nhật khi một người bạn Mỹ nói “Good luck!” (Chúc may mắn) trước khi cô leo núi Phú Sĩ. Đứng trước những thách thức lớn, nhỏ trong cuộc sống chúng ta thường có thói quen chúc nhau may mắn. Nhưng ở Nhật, người ta nói “Ganbatte!”, nôm na là “Hãy làm tốt nhất nhé!”.

Họ đánh giá cao việc nỗ lực hết sức trước khi trông chờ vào vận may. Và người Nhật cũng khen ngợi nỗ lực thay vì khen ngợi khả năng thiên bẩm. Người Mỹ cũng đã đang học tập điều này. Sau nhiều thập kỷ khuyến khích trẻ với những cụm từ như “Con thật thông minh”, một nghiên cứu đột phá năm 2013 của Đại học Chicago và Stanford cho thấy bố mẹ nên khen ngợi con vì nỗ lực, chẳng hạn như “Con đã rất chăm chỉ!”.

Thay vì giới hạn trẻ bằng cách nói về những gì chúng có, hãy khuyến khích và đánh thức tiềm năng cũng như sự nỗ lực bền bỉ không mang tính hiếu thắng trong mỗi đứa trẻ. Khái niệm Ganbaru không có nghĩa là bạn sẽ làm được mọi điều bạn muốn chỉ cần bạn cố gắng, và cũng không có nghĩa là phải làm mọi giá để thành công. Mà đó là sự nỗ lực hết sức để không tiếc nuối dù kết quả có ra sao. Ít nhất bạn đã rất can trường và có quyền tự hào về điều đó. Kết quả không quan trọng, phẩm chất và giá trị con người bạn được khẳng định mới là điều đáng giá hơn.

Thay vì giới hạn trẻ bằng cách nói về những gì chúng có, hãy khuyến khích và đánh thức tiềm năng cũng như sự nỗ lực bền bỉ không mang tính hiếu thắng trong mỗi đứa trẻ. Ảnh dẫn theo Savvy Tokyo

Sức mạnh của từ “chưa”

Thay vì nói “Tôi không biết”, “Tôi không hiểu”, “Tôi không thể làm việc này”, bạn hãy đổi thành “Tôi chưa biết”, “Tôi chưa hiểu”, “Tôi chưa thể làm được việc này”.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy này được thực hành triệt để ở Nhật Bản, nơi những học sinh có khả năng khác nhau được học cùng nhau, tham gia các hoạt động với nhau và tài năng thiên bẩm không phải là điều quá ấn tượng.

Hệ thống trường học ở một số nước phương Tây có một số lợi thế là trẻ có thể tiến nhanh dựa vào tài năng thiên bẩm. Các bé có thể được xếp vào các lớp năng khiếu, thậm chí nhảy một vài lớp ở cấp tiểu học nếu các bé có khả năng. Trẻ vật lộn với môn học nào đó có thể bị yêu cầu học đúp một lớp.

Nhưng theo nhà tâm lý học người Mỹ Angela Duckworth, hệ thống giáo dục Nhật Bản mới là hình mẫu của việc dạy trẻ tính kiên cường, hoặc theo cách dùng từ của bà là “grit” (gan góc, can đảm).

“Thay vì phân loại trẻ em, một niềm tin phổ biến khác được nhấn mạnh trong trường học Nhật Bản – bạn sinh ra như thế nào không quan trọng bằng việc bạn thể hiện ra sao”, Duckworth viết.

Trường học Nhật Bản không phân loại học sinh theo khả năng. Một số trẻ có thể nổi trội về toán học, số khác có tài năng thiên bẩm về mỹ thuật hay âm nhạc. Tuy nhiên, các trường học không khuyến khích tài năng thiên bẩm. Họ dạy trẻ rằng chỉ cần nỗ lực, mọi người ở bất kỳ mức độ khả năng nào đều có thể trở nên tài giỏi. Trẻ có thể chỉ chưa biết cách làm điều đó.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy này được thực hành triệt để ở Nhật Bản, nơi những học sinh có khả năng khác nhau được học cùng nhau, tham gia các hoạt động với nhau và tài năng thiên bẩm không phải là điều quá ấn tượng. Ảnh dẫn theo Savvy Tokyo

Văn hóa “Hansei”

Kate chia sẻ rằng Website trường mẫu giáo của con trai cô tuyên bố nguyên tắc trọng tâm là cung cấp nền tảng vững chắc cho trẻ, giúp trẻ mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong các cuộc họp phụ huynh, giáo viên đã phản hồi chi tiết về nỗ lực của con trai cô, bao gồm cả việc “chưa” cất đồ chơi một cách vui vẻ.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn, khái niệm về “Haisei” (tự phê bình) trở nên cấp thiết. “Hansei” giúp bạn xác định mình đang nỗ lực đến đâu và quan trọng nhất là cách đạt được mục tiêu. Học sinh thường được yêu cầu đặt mục tiêu và xác định kế hoạch thực hiện.

Tư duy cầu tiến này mang lại cho học sinh cảm giác nắm bắt được tương lai. Nếu muốn kết quả tốt hơn, chúng phải lập kế hoạch và thực hiện chăm chỉ.

“Con trai tôi giờ đã ba tuổi rưỡi, thi thoảng tôi nghe lỏm thằng bé tự nói ‘Chúng ta luôn phải thử lại’ mỗi khi làm việc gì đó khó khăn…Thậm chí, vượt ngoài sự mong đợi của tôi, thằng bé còn khuyến khích em gái một tuổi về tính kiên cường. Khi em nghịch một món đồ chơi phức tạp nào đó hoặc học cách leo cầu thang, nó luôn ở bên cạnh và cổ vũ: ‘Hãy thử lại đi! Em có thể làm được mà!’”, Kate chia sẻ.

Sự kiên cường, hay khả năng vực dậy sau những khó khăn, va vấp trong cuộc sống là chìa khóa để kiểm soát sự căng thẳng, luôn lạc quan bước tiếp và bất khuất trong mọi hoàn cảnh. Người Nhật Bản rất hiểu điều đó và đã áp dụng việc giáo dục những đứa trẻ của họ đức tính can trường từ khi còn rất nhỏ. Đó chính là lý do vì sao dân tộc Nhật Bản luôn khiến thế giới phải kinh ngạc sau những gian khó mà họ phải trải qua.

Theo DKN, ATK sưu tầm