Kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản

Nhật Bản: Bước vào công cuộc tìm việc ở Nhật tới đây, chắc hẳn các bạn ai cũng đều cảm thấy ít nhiều băn khoăn lo lắng. Nhất là tại Nhật Bản, đất nước vốn nổi tiếng với văn hóa “kết hôn cùng công ty”, thì việc lựa chọn bước khởi đầu cho sự nghiệp của bản thân quả không hề đơn giản. Tuy nhiên, đôi khi trong thực tế cuộc sống, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, luôn sẽ có những khó khăn những vấp ngã, thậm chí là trở ngại ngay từ bước đầu tiên. Như nhiều tiền bối đi trước đã ví von, xin việc cũng giống như tìm “duyên”, đôi lúc phải đến đúng lúc thì cái duyên nó mới tới.

Tìm việc hay tìm "duyên" ở Nhật

Ngày hôm nay, chúng tôi tìm đến một tiền bối (sempai) đã có cả kinh nghiệm đi làm và kinh nghiệm chuyển việc. Có thể nhiều bạn chưa biết, ở Nhật Bản thì việc rời bỏ một công ty để tìm bến đỗ mới là một quyết định vừa khó khăn và đòi hỏi bản lĩnh. được sự cho phép của anh, chúng tôi xin ghi chép lại những tâm sự và suy nghĩ của anh về công việc và sự nghiệp.
 
Anh có thể miêu tả về công việc trước đây và công việc hiện tại của anh được không ạ?
Công ty trước đây của anh là một công ty thương mại làm về buôn bán thiết bị khoa học công nghệ, môi trường và y tế. Khách hàng của công ty là các cơ quan hành chính và tổ chức của chính phủ Việt Nam. Công ty đứng ở giữa tìm nguồn hàng là các thiết bị công nghệ từ các công ty Nhật Bản và chuyển giao về Việt Nam. Công việc chủ yếu của anh là tìm đối tác ở Nhật đáp ứng được công nghệ kháng hàng ở Việt Nam cần đồng thời giới thiệu công nghệ tiên tiến của Nhật cho phía Việt Nam.
Công ty hiện tại của anh là công ty trong lĩnh vực máy in và photocopy ở Nhật. Công việc của của anh là thiết kế dây chuyền sản xuất. Sắp tới công ty sẽ mở tổ hợp sản xuất ở Hải Phòng, anh sẽ phụ trách nhiều công việc liên quan đến thành lập cho đến khi đưa vào vận hành nhà máy, hỗ trợ đào tạo nhân viên mới ở Việt Nam.

Nên chọn ngành gì ở Nhật?

Như vậy là sau khi tốt nghiệp anh đi làm trái ngành? Lý do gì khiến anh chọn công ty đầu tiên như trên ạ?
Anh tốt nghiệp ngành kĩ thuật. Chuyên môn về kĩ thuật, nhưng anh đã quyết định xin sang làm công việc trong lĩnh vực thương mại. Lý do anh chọn công ty cũng khá đơn giản. Là sinh viên kĩ thuật nên anh thấy công việc liên quan đến thiết bị khoa học công nghệ rất thú vị. Thêm vào đó làm về thương mại (business) tuy trái ngành nhưng sẽ học được nhiều điều mới, mở rộng tầm nhìn và thế giới quan của bản thân. Thêm vào nữa công ty này làm việc với đối tác ở Việt Nam, nên có thể tạo thêm được nhiều mối quan hệ, đồng thời nắm được nhu cầu cũng như kinh nghiệm về thị trường ở Việt Nam.
 
Vậy hoàn cảnh nào khiến cho anh quyết định chuyển việc ạ?
Anh chủ động xin nghỉ việc vì các lý do như sau.
Thứ nhất, là do tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều suy thoái, các công ty đối tác đều gặp khó khăn. Công việc không thuận lợi nên giám đốc muốn điều anh về làm hẳn ở Việt Nam.
Thứ hai, cách làm việc của công ty chưa đủ chuyên nghiệp. Ngoài ra, về phía Việt Nam, hợp đồng của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng Việt Nam. Họ thích thì đặt hàng, hết tiền thì kéo dài chi trả mình đứng ở giữa mua bán vừa rất khó khăn lại mất uy tín rất nhiều. Vì vậy anh muốn thay đổi môi trường làm việc.
 
Vâng, đúng là người ngoài như em cũng khó hiểu được công việc bên trong. Liệu anh có chia sẻ rõ hơn về thay đổi của anh về suy nghĩ, thế giới quan của anh trước và sau khi đi làm không ạ?
Thực ra trước khi đi làm, anh cũng như tất cả các em thôi, muốn vào công ty tầm cỡ, muốn làm một công việc gì đó thật hoàng tráng, gặp gỡ với nhiều người để mở rộng tầm nhìn, muốn công việc của mình phải có ý nghĩa, có thể tăng khả năng của bản thân, kĩ năng ngoại giao.
Tuy nhiên thực tế xin việc cũng không phải luôn như ý, cuối cùng anh chọn công ty ban đầu vì lý do như anh đã nói ở trên. Anh hi vọng trong công việc được gặp gỡ nhiều khách hàng Nhật và Việt Nam, sẽ thỏa mãn được sự cầu tiến của bản thân.
Nhưng sau khi đi làm, anh mới nhận thấy công việc không như ban đầu mình nghĩ. Anh được cơ hội tiếp xúc với rất nhiều khách hàng phía Nhật và Việt Nam. Nhưng thực sự, hầu như chỉ dừng lại ở lời hứa thì nhiều do phía Nhật thích bán thiết bị công nghệ tiên tiến đắt tiền, trong khi ở Việt Nam thì thích giá cả phải chăng và chất lượng chấp nhận được.
Anh muốn làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, tuy nhiên công ty cũ của anh không có được cái này. Mọi công việc lớn nhỏ đều phụ thuộc đợi ý kiến tổng giám đốc, nên rất bị động.
Sau khi làm việc được khoảng 8-9 tháng thì anh quyết định thôi việc để tìm một công việc khác.
 
Theo em được biết thì chuyển việc (転職) ở Nhật vô cùng vất vả. Nhất là khi thời gian làm ở công ty cũ chưa được lâu, và thường ứng viên tìm việc mới trước khi bỏ hẳn công ty cũ? Anh có thể nói thêm về giai đoạn này được không ạ?
Như em nói, trường hợp của anh rất khó. Thực ra anh có cả một giai đoạn 3 tháng không có việc. Anh có thông qua các trang chuyển việc và dịch vụ giới thiệu, nhưng họ cũng đều nói với anh rằng rất khó.
Nhưng cũng rất may mắn cho anh vì công ty hiện tại đã nhận. Anh mới vào làm được khoảng 3 tháng. Tuy là chuyển việc, nhưng họ vẫn rất tử tế, cho thời gian training trong 3,4 tháng và giao việc từ từ.
Lúc xin vào công ty anh không hề biết họ có ý định đầu tư vào Việt Nam vì thông tin đấy lúc anh xin việc chưa công bố.
Anh phỏng vấn hai công ty, công ty bên này họ phỏng vấn nhanh có kết quả trước. Thêm nữa anh cũng thích công việc mới này vì nó đã từng là sở thích và là lý do chọn ngành học của anh. Công việc không trùng lắm với chuyên môn của anh, nhưng cũng không phải là quá khó. Quan trọng nhất là, sắp tới họ có ý định về Việt Nam, nên có rất nhiều việc anh có thể làm được hơn là người Nhật, nên anh thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn.
 
Vâng, thật vui vì anh đã tìm thấy công việc vừa ý. Vậy anh có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên sắp bước vào ngưỡng cửa xin việc không ạ?
Anh nghĩ chắc rất nhiều bạn trẻ muốn trở về làm việc đóng góp xây dựng Việt Nam. Anh quan niệm từ đầu là không nhất thiết cứ phải về Việt Nam mới đóng góp được cho đất nước, khi đi xin việc anh cũng không đặt tiêu chí đó lên đầu để tìm công ty.
Thực ra, ngay bản thân anh cũng rất may mắn khi công ty mới có ý định làm việc liên quan đến nhà mình. Ngay lúc đi phỏng vấn anh cũng không biết.
Anh nghĩ hiện tại thị trường Việt Nam vẫn nhỏ nhiều trở ngại, chưa thu hút được sư chú ý của công ty Nhật. Các công ty lớn (大手) cũng chưa dám ồ ạt vào Việt nam. Thế nên lúc đi xin việc, nếu tìm được công ty nào làm về Việt Nam thì rất tốt, nhưng quan trọng là bọn em phải tìm được môi trường nâng cao trình độ và khả năng của mình trước. Có trình độ và khả năng rồi, bọn em làm bất cứ công việc gì, đi bất kỳ đâu cũng được.

Lợi thế của người Việt tại Nhật Bản

 
Vậy theo kinh nghiệm của mình, anh nghĩ lợi thế của người Việt mình là gì ạ? Và làm việc ở môi trường Nhật có lợi ích gì?
Công dân Nhật có trình độ học vấn rất cao. Thật ra, trong môi trường học, sinh sống và làm việc bằng tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình thì làm sao mà có lợi thế được nếu không có sự cố gắng tạo sự khác biệt.
Đối với sinh viên nước ngoài thì hiện tại các công ty Nhật đang dần thay đổi cách tuyển dụng. Họ rất cần sinh viên nước ngoài với góc nhìn khác người Nhật, thêm nữa là khả năng Anh ngữ. Phần lớn sinh viên nước ngoài tại Nhật đến từ các nước đang phát triển, nên chí tiến thủ nhìn chung cao hơn sinh viên Nhật. Cho nên nói người Việt mình có lợi thế gì so với sinh viên Nhật thì anh nói là không có lợi thế gì cả nếu mình không cố gắng vượt lên và tạo sự khác biệt tích cực trong suy nghĩ, hành động.
Về lợi ích làm việc ở Nhật, trước tiên điều công ty Nhật muốn từ nhân viên đều khá giống nhau, đó là có kỉ luật trách nhiệm, có khả năng và kiến thức kĩ thuật. Họ cũng rất cần người nhanh nhẹn và có thể làm về sales trong việc mở rộng thị trường..
Nhưng so với Việt Nam, dễ thấy là môi trường làm việc ở Nhật chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Tuy nhiên cũng hơi bị khuôn phép và khô cứng nên hơi thiếu tính mềm dẻo linh hoạt. Nhưng được cái về mặt tổng thể sẽ vận hành trơn tru, nhân viên đều có ý thức vì công ty.
 
Vâng, cảm ơn anh về những chia sẻ rất thật ạ. Thế nếu được nhắn nhủ một điều tới các bạn sinh viên sắp tới xin việc, thì anh muốn nói gì ạ?
Anh muốn khuyên các bạn không nên suy nghĩ nhiều quá loạn đầu. Hãy tin vào trực giác bản thân, thấy công việc hợp mà muốn làm là đủ đừng quá cầu toàn. Suy nghĩ quá nhiều, cuối cùng kết thúc với công việc mình không mong muốn.
Chúc tất cả các em sẽ tìm được công việc như ý.
 
Vâng một lần nữa xin cảm ơn anh ạ. Chúc anh cũng như ý và gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp sắp tới ạ!